29/03/2024 | 06:43 GMT+7, Hà Nội

Tại sao Việt Nam lại là “thiên đường” cho Fintech?

Cập nhật lúc: 27/03/2019, 10:39

Với dân số đông và tỷ lệ sử dụng Internet lớn, Việt Nam được coi là "thiên đường" để Fintech "khai thác"?

Tài chính cá nhân là đích đến của Fintech?

Không thể phủ nhận việc “bàn tay công nghệ” đã làm thay đổi rõ rệt cuộc sống hằng ngày ở những nơi nó chạm đến, trong đó lĩnh vực công nghệ tài chính là một trong những mảng đang đón nhận những thay đổi mang tính “cách mạng” nhất.

Với sự an toàn, tiện lợi và không gặp giới hạn về mặt địa lý, Fintech hay cụ thể hơn là việc phát triển các ứng dụng thanh toán đang được gấp rút thực hiện để bắt kịp xu hướng “cashless” (không tiền mặt) đang nở rộ và cũng như để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết trong việc thực hiện các giao dịch đang ngày một tăng trong xã hội hiện đại.

Với người dân Việt Nam, Fintech hiện diện trong rất nhiều các sản phẩm tài chính, từ những sản phẩm dành cho đối tượng là người sử dụng cuối cùng như ví điện tử, tiền điện tử, công cụ huy động vốn… đến những sản phẩm hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức tài chính, như các dịch vụ công nghệ thông minh, blockchain…

ghd

Việt Nam sẽ là “thiên đường” cho Fintech? Ảnh minh họa

Fintech đã thay đổi thế nào và góp những gam màu nào lên bức tranh toàn ngành tài chính cũng dần được hé lộ. Tuy nhiên, lý do vì sao Fintech lại chọn thị trường công nghệ tài chính Việt Nam thì chưa được đề cập thấu đáo.

Theo một thống kê mới đây, quy mô dân số Việt Nam hiện xấp xỉ 95 triệu người (xếp thứ 15 trên thế giới, trong đó, tỷ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60%) và là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet. Một thống kê đáng chú ý là thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày. Điều này chứng minh rằng người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau.

Phải chăng đây chính là mảnh đất màu mỡ để Fintech đổ bộ vào Việt Nam trong những năm vừa qua?

Fintech vào Việt Nam từ khoảng 2015, các startup Fintech đã sớm phát triển mạnh mẽ và trở thành xu thế gây chú ý với người dùng, các tập đoàn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước.

Việt Nam hiện có 67 công ty Fintech đang hoạt động. So với các nước khác trong khu vực con số này còn rất khiêm tốn, ví dụ như trong năm 2017, Singapore có khoảng 490 công ty Fintech, Indonesia là 262 công ty, Malaysia 196 công ty thuộc lĩnh vực này.

Tính đến hết năm 2017, thị trường Fintech của Việt Nam đã cán mốc 4,4 tỷ USD, và sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance.

Trong đó, phần lớn tập trung vào mảng thanh toán. Có 2/3 các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến; cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS, chuyển tiền…

Còn theo báo cáo từ EY - một trong 4 công ty kế toán - kiểm toán - tài chính lớn nhất thế giới, Momo đang là công ty dẫn đầu tại thị trường Fintech tại Việt Nam, với số tiền nhận đầu tư lên tới 33,75 triệu USD từ Goldman Sachs và Standard Chartered.

Theo sau là những cái tên nổi bật như: VnPay, 123Pay, Bảo Kim, Ngân lượng, OnePay, Payoo... với tổng số người dùng ước tính lên tới gần 48 triệu người.

Fintech là viết tắt của "Financial technology" và được hiểu là ápdụng công nghệ trong tài chính. Theo đó, Fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng, đầu tư và tài chính. Cụ thể hơn, Fintech chính là công nghệ được tạo ra để giúp lưu hành và giao dịch tiền tệ mà không cần thực hiện bằng tiền mặt.

Các công ty Fintech được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện phương thức các cá nhân vay tiền, thấu chi; quản lý tài chính cá nhân, tài trợ vốn cho các startup. Nhóm còn lại là các công ty thuộc dạng “back-office” hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính, tập trung là các ngân hàng.

Và các dịch vụ liên quan tới Fintech nổi bật như ví điện tử, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, tư vấn đầu tư tự động, cho vay ngang hàng… dường như đang thể hiện trọng tâm của Fintech đang hướng tới thị trường công nghệ tài chính ở Việt Nam là phục vụ mục đích cá nhân là chính?

Cuộc đua toàn cầu

Nếu như đa số sản phẩm dịch vụ công nghệ thời thượng khác thường bắt nguồn và bùng nổ trước tiên ở Mỹ, thì Fintech lại hơi khác biệt.

Các công ty Fintech và các sản phẩm Fintech vẫn hoạt động sôi động nhất ở Mỹ, mà cụ thể là ở trung tâm tài chính phố Wall và thung lũng công nghệ Silicon, nhưng Trung Quốc mới là thị trường dẫn đầu trong việc sử dụng dịch vụ Fintech. Trên 60% người dân Trung Quốc đã tiếp cận Fintech trong khi tỷ lệ này ở Mĩ chỉ là trên 30%.

Sở dĩ như vậy là vì rất nhiều dịch vụ Fintech gắn với điện thoại di động, phương tiện không thể thiếu của người trẻ hiện nay. Đồng thời, người trẻ cũng có xu hướng cởi mở với công nghệ mới hơn, kể cả trong lĩnh vực tiền bạc.

Có thể khẳng định rằng, trong 10 năm gần đây, công nghệ tài chính Fintech phát triển rất nhanh chóng, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ về đầu tư Fintech trong các ngân hàng, doanh nghiệp cũng như cạnh tranh thu hút khách hàng, đang đặt ra nhiều thách thức cho các mô hình kinh doanh truyền thống trên toàn cầu. Các định chế tài chính đã mạnh dạn đầu tư lớn cho ứng dụng Fintech, bao gồm cả máy móc, thiết bị, phần mềm và công nghệ, đào tạo cán bộ nhân viên, hướng dẫn khách hàng.

Dẫn đầu trong lĩnh vực này là các định chế tài chính, các doanh nghiệp ở châu Á. Kể từ năm 2010, thế giới đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đầu tư vào Fintech ở châu Á tăng trưởng gấp gần 100 lần, trong đó Trung Quốc, bao gồm cả Hongkong và Macao đang có tỷ trọng áp đảo về tốc độ và quy mô đầu tư.

Một số tính toán đã chỉ ra rằng, tính cộng dồn từ năm 2010 đến tháng 3/2017, Mỹ là quốc gia đầu tư vào Fintech nhiều nhất, với tổng số vốn lên tới 63,1 tỷ USD; tiếp sau là các quốc gia thuộc châu Á - Thái Bình Dương, với số tiền đầu tư 22,9 tỷ USD; đứng thứ ba là nhóm các nước châu Âu, Trung Đông và châu Phi, với số vốn đã đầu tư là 10,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, 2015 là năm đầu tiên mà tăng trưởng đầu tư vào Fintech mạnh mẽ, nhất là ở các nước châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù Fintech ở các nước châu Á tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Các mảng sản phẩm và dịch vụ tài chính do các công ty chuyên về giải pháp công nghệ tài chính toàn cầu cung cấp thường là dịch vụ thanh toán; bảo hiểm; lập kế hoạch đầu tư; cho vay, huy động vốn từ khách hàng cá nhân và các nhóm khách hàng tiềm năng; công nghệ sổ cái điện tử (blockchain); mua bán chứng khoán và đầu tư; dữ liệu và phân tích quản trị điều hành cũng như quản trị rủi ro; an ninh, bảo mật.

Trong bài viết tiếp theo Reatimes.vn sẽ tiếp tục đề cập đến "Những lợi - hại khi cho vay ngang hàng (P2P) của Fintech!"!

Trong năm 2016, Chính phủ đã thiết lập National Agency for Technology, Entrepreneurship and Commercialisation Development (NATEC). NATEC là một tổ chức dưới quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ được lập ra với mục đích cung cấp đào tạo, cố vấn, nuôi dưỡng và đẩy nhanh kinh doanh, và hỗ trơ tài chính cho các start up mới.

Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra kế hoạch thuế đặc biệt cho các start-up với những điều kiện cụ thể. Kế hoạch này sẽ cung cấp các đợt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao hoặc khu vực công nghệ cao.

Mức thuế ưu đãi là 10% trong 15 năm hoặc 17% trong 10 năm, trong khi mức thuế thông thường là 20%.

Chẳng hạn, Quỹ Tăng tốc Khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) đầu tư 6 triệu USD vào các start up để giúp xây dựng các công ty toàn cầu ở Việt Nam. Sự hỗ trợ từ tổ chức này đã góp phần vào sự phát triển của nhiều công ty Fintech Việt Nam. Kết quả là các khoản đầu tư từ mọi nơi trên thế giới đang đổ xô vào các công ty Fintech Việt Nam.

Năm ngoái, Korea Investment Partners (KIP) và Mirae Asset Venture Investment được cho là đã đầu tư 10 triệu USD vào công ty phát triển ứng dụng di động Việt Nam, Appota. Khoản đầu tư được sử dụng để Công ty bước sang giai đoạn mới trong nỗ lực chuyển hướng sang Fintech.

Ngay cả các công ty Fintech toàn cầu như Alibaba cũng đang khai thác lĩnh vực Fintech ở Việt Nam. Samsung Pay bước vào thị trường vào tháng 9/2017 sau một thỏa thuận với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).

Không lâu sau đó, Alibaba ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với NAPAS trong tháng 11/2017 để cho phép khách du lịch Trung Quốc sử dụng Alipay khi du lịch tới Việt Nam. Theo thỏa thuận này, trong tương lai, khách du lịch Trung Quốc có khả năng sử dụng Alipay ở Việt Nam thông qua các ngân hàng thành viên của NAPAS và mạng lưới dịch vụ thanh toán trung gian.

Thế Long