Tài năng Việt trên đấu trường trí tuệ thế giới
Cập nhật lúc: 28/01/2019, 11:13
Cập nhật lúc: 28/01/2019, 11:13
Khởi đầu bằng con số 0
Xếp thứ 10 trên tổng số hơn 40 đoàn tham dự kỳ thi Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế 2018, đoàn Việt Nam đã lập nên kỷ lục khiến không ít quốc gia mạnh về lĩnh vực Thiên văn và Vật lý thiên văn phải ngưỡng mộ. Nhìn lại chặng đường 3 năm tham gia cuộc thi, ít ai biết được, câu chuyện những tấm huy chương tại kỳ thi này của đội tuyển Việt Nam xuất phát từ con số 0.
Thầy Lê Mạnh Cường, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, chia sẻ: “Năm đầu tiên nhận nhiệm vụ tuyển chọn học sinh và cùng đồng hành với đội tuyển tham dự kỳ thi Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế, tôi rất hồi hộp và thấy có chút mạo hiểm. Bởi lúc đó, cả thầy và trò đều không biết thi cái gì, học cái gì. Thời gian tập trung đội thì khá ngắn. Vì vậy, thầy trò đều nỗ lực hết sức. Cũng may mắn trong quá trình ôn tập, đội tuyển nhận được hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, ban ngành và các trung tâm nghiên cứu thiên văn”.
Một áp lực tâm lý khác đè lên vai của những người lãnh đạo đoàn như thầy Cường chính là chuyên môn. Nếu như các nước tham dự kỳ thi đều có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ chuyên môn sâu về Thiên văn và Vật lý thiên văn cố vấn cho thí sinh, đoàn Việt Nam lại không được như vậy.
Thầy Cường nhớ lại khoảng thời gian “thầy trò tay không bắt giặc” năm 2016, cậu học sinh để lại ấn tượng nhất là em Trần Đức Huy - học sinh giành Huy chương Bạc và 4 thành viên còn lại của đội tuyển đoạt giải Khuyến khích. “Tấm huy chương đầu tiên khiến chúng tôi rất bất ngờ, nó là động lực để cho thầy và trò chúng tôi cố gắng hơn nữa”.
Thầy Lê Mạnh Cường cùng các học trò tích cực ôn luyện trước khi bước vào kỳ thi
Sang năm thứ hai tham dự kỳ thi, đội tuyển Việt Nam trở về với 2 Huy chương Bạc và 2 giải Khuyến khích. Nhờ sự tích lũy kinh nghiệm từ hai kỳ thi trước đó, đặc biệt là thừa hưởng kinh nghiệm từ Trần Đức Huy - người đã giành 2 huy chương tại kỳ thi này, đồng thời là thí sinh giành Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và Olympic Vật lý quốc tế năm 2018, đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi năm 2018 đã đạt thành tích bất ngờ với 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.
Để có thành tích ấn tượng đó, thầy và trò phải thức thâu đêm để học và thực hành quan sát các hiện tượng thiên văn. Ấn tượng nhất của thầy Cường về kỳ thi năm 2018 là chàng trai đoạt Huy chương Bạc - Hồ Phi Dũng. Trong quá trình học thực hành, quan sát kính thiên văn buộc phải nhìn vào finder để quá trình quan sát vật cũng như tìm vật tốt hơn. Tuy nhiên, Dũng lại không thực hiện quy trình này và muốn quan sát trực tiếp qua kính thiên văn để tìm vật. Được thầy giáo góp ý nhưng Dũng vẫn làm theo ý của mình, thầy Cường đành phải chấp nhận chiều theo ý cậu học trò.
Thật bất ngờ, đề thi thực hành sau đó đã yêu cầu quan sát trực tiếp kính thiên văn không qua finder, Ban Tổ chức tháo hết finder của tất cả các kính và dĩ nhiên Dũng đã rất thành công trong quá trình làm bài quan sát của mình. “Đó cũng là bài học để tôi rút kinh nghiệm. Trong quá trình dạy không nên cứng nhắc mà nên tôn trọng những ý tưởng, đam mê của học trò và cổ vũ cho sự sáng tạo thì các em sẽ có động lực phát huy thế mạnh đó”, thầy Cường nói.
Tấm huy chương viết nên thương hiệu Việt Nam
Dù điều kiện về cơ sở vật chất lẫn kinh nghiệm trên trường đấu quốc tế còn hạn chế, nhất là ở Việt Nam chưa đưa môn Thiên văn vào trong chương trình phổ thông như các nước khác, nhưng những tấm huy chương của các thí sinh Việt Nam giành được đã làm cho bạn bè quốc tế phải thán phục.
Dù điều kiện về thực hành môn Thiên văn và Vật lý thiên văn rất hạn chế nhưng cả thầy và trò đã vượt qua khó khăn, đạt thành tích ấn tượng
Dẫu giành được thành tích cao trong kỳ thi Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế năm 2018, nhưng khi nhớ lại cảm giác mới bước vào cuộc thi, chàng trai vàng Trần Xuân Tùng lớp 12 Lý 1 - Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vẫn có cảm giác choáng ngợp: “Khi bước vào cuộc thi, em thấy học sinh Việt Nam thua các bạn ở phần quan sát thực hành bầu trời đêm rất nhiều. Bởi chúng em chưa có nhiều cơ hội để quan sát, chỉ mới được tiếp cận thời gian khoảng hơn 2 tháng. Trong khi đó, học sinh nước ngoài đã được học từ bé về các chòm sao, các vật thể trên trời, các khái niệm về thiên văn… nên họ bước vào cuộc thi với tâm lý rất vững vàng”.
Còn đội trưởng Lê Trần Đạo - nam sinh giành Huy chương Đồng kỳ thi thì thổ lộ: “Khi bước vào kỳ thi, em có đôi chút lo lắng vì đa phần các bạn ở nhiều nước châu Âu cao lớn, chững chạc hơn mình. Bên cạnh đó, chúng em chỉ có hơn 2 tháng ôn tập trong khi đội bạn có thời gian ôn tập 1 năm và được học từ nhỏ”.
Môn Thiên văn ở Việt Nam không chỉ khó khăn về nguồn tài liệu học tập mà lực lượng chuyên gia của ngành cũng chưa nhiều. Đặc biệt thời tiết của Hà Nội bụi nên cả đội phải chọn giờ, chọn ngày mới có thể học quan sát. Nhiều hôm cả đội phải di chuyển từ 1 giờ đến 5 giờ sáng để thực hành. Theo Đạo, một tuần học ở Nha Trang có nhà chiếu hình, thời tiết đỡ bụi hơn nên đội được học về các chòm sao, được ngắm thực hành nhiều hơn. Đối với các em, kỳ thi là một trải nghiệm thú vị khi được học hỏi, giao lưu, tích lũy kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế.
Cô gái vàng Sinh học Việt Nam - Nguyễn Phương Thảo trở về sau khi giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế
Song hành với thành tích đáng ngưỡng mộ của các chàng trai trong kỳ thi Thiên văn và Vật lý thiên văn, cô gái vàng sinh học Nguyễn Phương Thảo đã để lại một dấu ấn khó phai trong lòng bạn bè quốc tế tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2018. Không chỉ dừng lại ở tấm Huy chương Vàng, Nguyễn Phương Thảo đã giành được thành tích xuất sắc nhất với tổng số 98,13/100 điểm; đánh bại 261 thí sinh, xuất sắc trở thành thí sinh có điểm số cao nhất trong 71 nước dự kỳ thi Olympic Sinh học năm 2018. “Thành tích này là niềm hạnh phúc, là nền móng bước đầu cho em phấn đấu trong tương lai của mình. Nhưng không có nghĩa là em ngủ quên trên chiến thắng, em phải nỗ lực hơn nữa trong những chặng đường sắp tới”, Phương Thảo chia sẻ.
Để vượt qua những khó khăn trong quá trình làm bài thi, trước đó, Phương Thảo đã chịu rất nhiều áp lực. Thảo thổ lộ: “Đi thi em áp lực từ nhiều phía, thậm chí ngay từ chính bản thân mình. Áp lực đó giúp em có động lực để thành công và tiến về phía trước”.
Được biết, để đạt thành công đó, Phương Thảo đã đặt ra một chiến lược học lâu dài, đặc biệt quá trình học, vừa phải rèn khả năng suy luận, vừa rèn khả năng tranh luận. Đồng thời, để tránh việc quên kiến thức, Phương Thảo phải đọc rất nhiều đề, làm nhiều bài tập để luyện phản xạ.
“Đối với hai phần lý thuyết và thực hành khi học không được tách rời. Có lý thuyết mới làm được thực hành. Quá trình thực hành giúp em chứng minh, giải thích được các hiện tượng trong lý thuyết đưa ra. Những thí nghiệm trong thực hành giúp em có thể vừa khắc sâu kiến thức hơn, lại giúp em yêu thích môn Sinh học hơn”, Phương Thảo chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, số lượng Huy chương Vàng liên tục tăng, trung bình trên 10 huy chương mỗi năm. Đặc biệt, trong năm 2018, cả nước có 38 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển dự Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương, trong đó có 13 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng. Nhiều học sinh xuất sắc đoạt 2 Huy chương Vàng trong hai năm liền dự thi hoặc đạt điểm cao nhất (thủ khoa) trong kỳ thi Olympic quốc tế. Lý giải về những bước tiến này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Bộ đã có những điều chỉnh tích cực như duy trì và đổi mới kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, chuẩn bị tốt cho việc chọn học sinh dự thi quốc tế. |
18:00, 24/01/2019
15:00, 16/01/2019
14:38, 12/01/2019