19/01/2025 | 06:57 GMT+7, Hà Nội

Tài chính tiêu dùng trở thành công cụ đẩy lùi tín dụng đen

Cập nhật lúc: 30/03/2021, 06:00

Một trong những đóng góp lớn của ngành tài chính tiêu dùng trong hơn 10 năm qua chính là vai trò trong đẩy lùi tín dụng đen.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại toạ đàm “Tài chính tiêu dùng - Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển” mới diễn ra gần đây.

Công cụ để đẩy lùi tín dụng đen

Nhìn lại hơn 10 năm phát triển, ngành tài chính tiêu dùng được các chuyên gia nhận định đã có giai đoạn chuyển mình đầy bứt tốc với chỉ số tăng trưởng lạc quan, hệ thống các công ty tài chính mở rộng.

Theo các chuyên gia, một trong những đóng góp lớn của ngành tài chính tiêu dùng chính là vai trò đẩy lùi tín dụng đen. Chia sẻ tại toạ đàm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, xét về lợi ích, người dân đã có nhu cầu từ rất lâu và lợi ích rất nhiều. Cách đây 10 năm người dân đủ tiền mới mua hàng hoá, còn bây giờ là xu hướng vay rồi mua hoặc thậm chí thuê về dùng.

Với nhận định này, ông Hiếu cho rằng, sự ra đời của các công ty tài chính tiêu dùng đã hỗ trợ người dân có thêm nguồn vay để giải quyết các nhu cầu thiết yếu của đời sống. Vị chuyên gia đến từ Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, tài chính tiêu dùng đã góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, tài chính tiêu dùng đang phát triển khi nhu cầu của người dân ngày càng gia tăng. Theo ông Thịnh, nhu cầu của người dân trong xã hội không ngừng gia tăng về chi tiêu mua sắm như ti vi, máy giặt, máy lạnh… Sự phát triển của hệ thống tài chính tiêu dùng đã giúp người dân có khả năng tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận tiện hơn. Đặc biệt, họ không phải sử dụng nguồn vốn từ chợ đen. Như vậy, sự phát triển của hệ thống tài chính tiêu dùng không chỉ đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế mà còn góp phần giảm tín dụng đen.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, chính sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, giúp mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng hàng hóa và tiêu dùng nội địa, góp phần quan trọng vào đẩy lùi hiện tượng tín dụng đen, ổn định đời sống xã hội của người dân.

“Tài chính tiêu dùng nói riêng và tín dụng tiêu dùng nói chung có vay trò tích cực trong việc đẩy lùi, tan rã tín dụng đen. Bởi vì không có nó thì người dân sẽ biết vay tiền ở đâu?", TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức cũng khẳng định, vai trò của các công ty tài chính tiêu dùng đã được thể hiện bằng đóng góp đẩy lùi tín dụng đen, hỗ trợ sản xuất phát triển. Các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động dựa trên pháp luật. Thế nên, theo luật sư Trương Thanh Đức: "Cần nhìn nhận đánh giá khách quan các công ty tài chính tiêu dùng, đừng vì một số thông tin chưa đúng đã có đánh giá lệch lạc về vai trò của các doanh nghiệp này”.

Cần giải pháp thúc đẩy ngành tài chính tín dụng

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE CREDIT.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE CREDIT.

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng Giám đốc FE CREDIT đã bắt đầu chia sẻ bằng câu chuyện của chính doanh nghiệp mình. “Trước hết, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của người trong cuộc, hơn 10 năm qua chúng tôi đã làm như thế nào? Đầu tiên, thị trường xe máy ở Việt Nam rất có tiềm năng, tuy nhiên nhu cầu của người dân không chỉ có xe máy mà còn muốn tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nên chúng tôi đã phát triển sản phẩm cho vay tiền mặt.

Năm 2017, nhận thấy việc cho vay tiền mặt có nhu cầu rất lớn nên chúng tôi đã cho ra đời thẻ tín dụng quốc tế. Và đến hôm nay, chúng tôi có 2,2 triệu khách hàng. Người dân khi vay được thanh toán trước 45 ngày miễn phí”, ông Phúc chia sẻ.

Liên quan đến giải pháp phát triển tài chính tiêu dùng, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân là giải pháp rất quan trọng. “Hãy để người dân có trách nhiệm với quyết định của chính mình và nghĩa vụ với khoản vay của mình hơn”, vị chuyên gia này khẳng định.

Đồng quan điểm đó, ông Phan Đức Hiếu cũng cho hay, để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển, việc nâng cao nhận thức của người dân rất quan trọng. Ngoài ra, Nhà nước nên bảo vệ tổ chức cho vay vì đó là doanh nghiệp đứng trước nhiều rủi ro trong lĩnh vực cho vay tín chấp này./.

Nguồn: https://reatimes.vn/tai-chinh-tieu-dung-tro-thanh-cong-cu-day-lui-tin-dung-den-20201224000002231.html