22/11/2024 | 01:26 GMT+7, Hà Nội

Thị trường tài chính tiêu dùng tăng mạnh trong 10 năm: Dư địa còn lớn

Cập nhật lúc: 25/03/2021, 12:16

Hơn một thập kỷ nhìn lại, ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đã có nhiều bước phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm - dịch vụ và hiệu quả hoạt động.

10 năm nhìn lại sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng

Tại Tọa đàm “Tài chính tiêu dùng - Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển” diễn ra vào sáng 25/3 ở Hà Nội do Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia đã có những nhận định, đánh giá về sự chuyển động mạnh mẽ của ngành tài chính tiêu dùng trong 1 thập kỷ qua.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư khẳng định: “Nhìn lại 1 năm kinh tế Việt Nam chịu tác động của đại dịch Covid-19, và nhìn dài hơn 10 năm phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng có thể thấy, ngoài những kết quả rất đáng khích lệ đạt được thì vẫn cần phải khẳng định rằng, số lượng các công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động trên thị trường chưa nhiều, tỷ trọng đóng góp trong dư nợ cho vay nền kinh tế vẫn còn thấp, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân đang là rất lớn...”.

Cũng tại toạ đàm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cùng với sự phát triển kinh tế thì mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, theo đó nhu cầu về tài chính tiêu dùng phục vụ đời sống cũng tăng cao. Cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống. Cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân dưới chuẩn ngân hàng, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

“Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân - là những người có thu nhập thấp, dưới chuẩn của ngân hàng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Là một trong những chuyên gia dành nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực tài chính tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia khẳng định, trong những năm qua, ngành tài chính tiêu dùng có nhiều bước phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm - dịch vụ và hiệu quả hoạt động.

Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng

Dẫn chứng cho nhận định này, TS. Cấn Văn Lực cho hay, về quy mô thị trường, 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, đối với tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%), theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2019, loại tín dụng này được thống kê vào nhóm tín dụng bất động sản.

Đáng chú ý, mạng lưới hoạt động của các công ty tài chính ngày càng phát triển và có xu hướng tiếp cận gần gũi hơn với khách hàng hơn. Khác với ngân hàng thương mại, những công ty này thông qua các cửa hàng phân phối, đại lý hàng hóa phủ rộng như Điện máy xanh, Thế giới di động,… để tiếp xúc và hỗ trợ khách hàng. Trong đó, FE Credit hiện là công ty dẫn đầu thị trường Việt Nam (khoảng 52% thị phần) với hơn 19.000 điểm bán trên toàn quốc, 9.500 đối tác chiến lược và phục vụ hơn 11 triệu khách hàng.

Thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn giàu tiềm năng

Những chỉ số tích cực trong hơn 10 năm phát triển của ngành tài chính tiêu dùng là cơ sở để các chuyên gia khẳng định, đây vẫn là lĩnh vực giàu tiềm năng.

Từ nhận định về tốc độ tăng trưởng của ngành tín dụng tiêu dùng trong khi số lượng các công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động trên thị trường chưa nhiều, ông Lê Trọng Minh cho rằng, thông tin này tiếp tục gợi mở về một tiềm năng thị trường chưa khai thác còn rất lớn, chưa kể tới nhu cầu tài chính cá nhân của người dân sẽ tiếp tục tăng khi kinh tế phát triển với tốc độ cao.

Trong khi đó, TS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, tài chính tiêu dùng là một trong những ngành mà được nhiều quốc gia coi là chỉ số để định hướng điều hành kinh tế và điều hành sản xuất, bởi đây là chỉ số có ý nghĩa rất lớn. Nếu phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng thì sản xuất sẽ phát triển.

Nhìn từ thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, ông Hiếu khẳng định, đây là một lĩnh vực rất giàu tiềm năng vì nhu cầu lớn. “Bởi có tiềm năng, nhu cầu của con người là có nên hãy để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển theo tự nhiên”, vị chuyên gia đến từ CIEM nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Dưới góc độ công ty tài chính, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE CREDIT cho rằng: “Sự có mặt của các công ty tài chính tiêu dùng đã gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp. Đây là nhóm khách hàng dưới “chuẩn” cho vay của các ngân hàng thương mại truyền thống”.

Theo ông Phúc, tại FE CREDIT, sau hơn 10 năm hoạt động, công ty đã và đang cung cấp dịch vụ cho hơn 11 triệu khách hàng với gần 19.000 điểm giới thiệu dịch vụ phân bổ toàn lãnh thổ Việt Nam. Và chúng tôi vẫn đang mở rộng mạng lưới hoạt động của mình để gia tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thống cho người dân.

Từ sự phát triển của FE Credit hơn 1 thập kỷ, đại diện FE CREDIT bày tỏ niềm tin vào dự địa tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng sẽ còn gia tăng mạnh trong thời gian tới./.

Nguồn: https://reatimes.vn/10-nam-nhin-lai-nganh-tai-chinh-tieu-dung-20201224000002230.html