Tách hộ khẩu sau ly hôn không cần vợ, chồng cũ đồng ý: Quy định tiến bộ, cần thiết
Cập nhật lúc: 14/06/2021, 16:30
Cập nhật lúc: 14/06/2021, 16:30
Từ ngày 01/7/2021, Luật Cư trú 2020 sẽ bắt đầu có hiệu lực thay thế cho Luật Cư trú 2006 và Luật Cư trú sửa đổi năm 2013. Luật Cư trú 2020 gồm 7 chương với 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
Đánh giá về Luật Cư trú 2020, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, luật có nhiều điểm mới đáng lưu ý như: Chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vào cuối năm 2022, bỏ nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu.
Bỏ điều kiện riêng khi nhập khẩu thành phố trực thuộc trung ương; Diện tích nhà thuê ít nhất 8m2/người được đăng ký thường trú; Giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú; Quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư.
Thêm hành vi bị nghiêm cấm về cư trú; Năm địa điểm không được đăng ký thường trú mới từ 1/7/2020; Thêm 6 trường hợp bị xóa đăng ký thường trú từ 01/7/2020; Quy định cụ thể các trường hợp hạn chế quyền tự do cư trú của công dân.
Bổ sung nơi cư trú của một số đối tượng như: Nơi cư trú của người không có thường trú, tạm trú, của người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, của người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp.
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, một trong những điểm mới được nhiều người quan tâm là vấn đề tách hộ sau khi ly hôn.
Điều 25 Luật Cư trú 2020 quy định về tách hộ, với trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó (nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này) thì cần đáp ứng các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không cần chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.
Với trường hợp tách hộ sau ly hôn này thì hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
Về nội dung này, hiện nay Điều 27 Luật Cư trú 2006 quy định trường hợp người đã nhập vào sổ hộ khẩu (trước đây được chủ hộ đồng ý cho nhập vào) mà giờ có cùng một chỗ ở hợp pháp muốn tách sổ hộ khẩu thì được tách sổ hộ khẩu khi được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
Như vậy nghĩa là trường hợp người vợ hoặc người chồng đã từng nhập vào hộ khẩu gia đình của người kia mà sau khi ly hôn muốn tách khẩu nhưng vẫn có cùng một chỗ ở hợp pháp đó thì phải được sự đồng ý của chủ hộ.
Khi tách sổ hộ khẩu thì hồ sơ bao gồm sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ.
Luật sư Đăng Văn Cường cho rằng thực tế quy định hiện hành này đã dẫn đến nhiều khó khăn cho không ít người khi làm thủ tục tách hộ khẩu sau ly hôn. Bởi sau ly hôn, câu chuyện chia tài sản, con cái chưa phải là tất cả mà một loạt vấn đề kéo theo trong đó có việc một bên vợ/chồng muốn “cắt khẩu” hay “tách khẩu” khỏi gia đình bên kia.
Chuyên gia pháp lý này cho biết, thực tế khi đã ly hôn nghĩa là hai bên vợ chồng và có khi là cả hai bên gia đình của vợ/chồng đã “cơm không lành canh không ngọt”; trải qua quá trình tố tụng tại Tòa án để thực hiện xong thủ tục ly hôn thì một bên sẽ còn bị gây khó dễ khi muốn làm thủ tục tách sổ hộ khẩu.
"Đã có rất nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc chuyển hộ khẩu với lý do một bên gây khó khăn, cản trở... Chủ hộ gia đình sẽ trốn tránh, gây khó khăn, cản trợ như không cho mượn sổ hộ khẩu, không ký vào văn bản đồng ý cho người vợ/chồng sau ly hôn được tách sổ hộ khẩu dẫn đến người muốn tách khẩu không thể tách vì không đủ thủ tục", Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Trong khi đó nhiều giao dịch trong đời sống hằng ngày của người dân trước đây đến hiện tại đều cần có giấy tờ cá nhân, trong đó sổ hộ khẩu là một trong 2 loại giấy tờ nhân thân quan trọng sau chứng minh nhân dân/căn cước công dân. Ví dụ các thủ tục hành chính; các giao dịch mua bán nhà đất, tài sản; giao dịch tặng cho, thừa kế; hồ sơ xin việc hoặc đăng ký kết hôn với người khác,...
Nếu không được tách sổ hộ khẩu mà chủ hộ cũng không cho mượn sổ hộ khẩu để thực hiện các giao dịch khi cần thiết thì người vợ/chồng đó sẽ bị ảnh hưởng lớn đến công việc, đời sống, học tập,…
Việc chuyển nơi thường trú cũng phải theo quy định của luật cư trú, nhiều trường hợp phải chấp nhận chờ sau hai năm không cư trú thì phải đăng ký để đăng ký lại.
Mặc dù khoản 8 Điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA ngày 09/09/2014 hướng dẫn Luật Cư trú và Nghị định 31/2014/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành đã quy định: "Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật".
Theo đó, nếu cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong trường hợp này, chủ hộ không cho mượn sổ hộ khẩu để đăng ký tạm trú thì người cùng tên trong hộ khẩu có thể làm đơn trình báo lên cơ quan chính quyền địa phương: xã, phường, thị trấn can thiệp và yêu cầu hợp tác để thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít trường hợp bị xử lý và cũng khó để xử lý vì chủ hộ có thể đưa ra nhiều lý do hợp lý khác nhau. Và nếu để được xử lý thì người vợ cũng phải mất thời gian, thủ tục rườm rà.
Luật Cư trú 2020 đã khắc phục được bất tiện về tách hộ sau ly hôn với quy định mới về điều kiện để được tách hộ khẩu trong trường hợp sau ly hôn thuận lợi hơn, không cần chủ hộ phải đồng ý thì người vợ hoặc chồng vẫn có thể tách hộ khẩu riêng.
Từ những phân tích trên Luật sư Đặng Văn Cường đánh giá: "Đây là quy định cần thiết nhằm tạo điều kiện cho người dân sau khi ly hôn có thể được tách hộ và thực hiện các quyền của mình về cư trú theo quy định pháp luật mà không phải vướng vào những rắc rối không đáng có".
Nguồn: https://giadinhonline.vn/tach-ho-khau-sau-ly-hon-khong-can-vo-chong-cu-dong-y-quy-dinh-tien-bo-can-thiet-d170775.html
06:18, 30/03/2021
19:00, 18/12/2020
10:15, 17/11/2020
14:00, 23/05/2020