Sức mua dồn vào hàng mới, tồn kho bất động sản tiếp tục “nằm im”
Cập nhật lúc: 21/04/2025, 08:20
Cập nhật lúc: 21/04/2025, 08:20
Mới đây, tại buổi báo cáo thị trường bất động sản quý I/2025, bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu S22M Savills TP.HCM cho biết, trong 3 tháng đầu năm, TP.HCM có 800 căn hộ mở bán mới (bán lần đầu), cộng thêm hơn 4.200 căn tồn kho từ các đợt trước, nâng tổng nguồn cung sơ cấp lên 5.000 căn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, mặc dù nguồn cung tăng, giao dịch căn hộ trong quý qua chỉ đạt 1.400 căn, tương đương với tỷ lệ hấp thụ 28% tổng nguồn cung, một con số khá khiêm tốn.
Điều đáng chú ý là sản phẩm mở bán mới có mức hấp thụ trên 61%, trong khi hàng tồn kho tiếp tục rơi vào tình trạng "ế ẩm", với tỷ lệ hấp thụ chỉ khoảng 23% cho thấy sự phân hóa giữa sản phẩm mới và các dự án cũ trong bối cảnh thị trường còn gặp nhiều khó khăn.
Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở phân khúc nhà liền thổ. Trong quý I, TP.HCM có 698 căn nhà liền thổ mở bán trên thị trường sơ cấp, trong đó chỉ có 89 căn là sản phẩm mới, chiếm vỏn vẹn 13%, còn lại là hàng tồn kho từ các đợt trước. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường chỉ đạt khoảng 10%, tương đương 69 căn giao dịch thành công và phần lớn đều đến từ nhóm sản phẩm mới, trong khi hàng tồn kho tiếp tục "chôn chân" vì thiếu sức hút.
Sức mua rơi vào sản phẩm mở bán mới, hàng tồn kho bất động sản tiếp tục "ế ẩm".
Báo cáo từ một công ty nghiên cứu thị trường khác là Knight Frank Việt Nam cũng chỉ ra tình hình tương tự. Theo đơn vị này, trong 3 tháng đầu năm, TP.HCM có 619 căn hộ mở bán mới và hơn 3.600 sản phẩm tồn kho, với tổng nguồn cung sơ cấp vào khoảng 4.200 căn hộ. Giao dịch trong quý chỉ ghi nhận 689 căn, với 80% sức mua tập trung vào các dự án mở bán mới, một lần nữa khẳng định sự "lạnh nhạt" của thị trường đối với các dự án tồn kho.
Thực trạng này càng trở nên rõ nét hơn khi nhìn vào bức tranh tài chính của các doanh nghiệp bất động sản. Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tính đến cuối năm 2024, tổng giá trị hàng tồn kho của 103 doanh nghiệp niêm yết lên tới hơn 491.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục trong suốt 2 thập niên qua.
Những con số biết nói này phản ánh rõ sự bế tắc của thị trường: hàng loạt dự án đã hoàn thiện, đủ điều kiện mở bán nhưng vẫn "nằm im bất động" do không thể tìm được đầu ra.
Thanh khoản hàng tồn kho bất động sản tiếp tục ở mức thấp, theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân không chỉ đơn thuần đến từ yếu tố mùa vụ hay tâm lý thị trường trầm lắng. Một khảo sát mới đây về xu hướng mua nhà do Batdongsan.com.vn thực hiện cho thấy, gần 80% người mua hiện nay ưu tiên lựa chọn các dự án mở bán mới từ chủ đầu tư. Lý do là bởi các sản phẩm mới thường đa dạng về diện tích, có vị trí thuận lợi và tiềm năng tăng giá cao hơn, từ đó tạo ra sức hút đáng kể đối với người tiêu dùng, khiến nhóm hàng mới luôn đạt tỷ lệ hấp thụ vượt trội so với hàng tồn kho.
Lý giải rõ hơn về thực trạng này, bà Giang Huỳnh cho biết, ngoài yếu tố thời điểm, phần lớn hàng tồn kho hiện nay đều là các căn hộ có diện tích lớn, vị trí không thuận lợi và giá bán cao khiến chúng trở nên xa tầm với của cả người mua thực lẫn nhà đầu tư. Đặc biệt trong bối cảnh tâm lý người mua ngày càng thận trọng và ngân sách hạn chế, những sản phẩm này gần như rơi vào trạng thái "ế dài".
Đồng quan điểm, ông Sơn Hoàng, Phó Giám đốc Định giá và Tư vấn Knight Frank Việt Nam cho hay, hơn 90% rổ hàng tồn kho chào bán sơ cấp trong quý vừa qua thuộc phân khúc trung và cao cấp, với giá bán bình quân khoảng hơn 91 triệu đồng/m2, mức giá vượt quá khả năng tài chính của phần lớn người mua. Trong khi đó, phân khúc bình dân, với giá dưới 55 triệu đồng mỗi m2, chỉ chiếm khoảng 10%, chủ yếu là các căn hộ có diện tích lớn, từ 3 phòng ngủ trở lên, khiến giá bán của mỗi căn hộ vượt quá 3 tỷ đồng.
"Người mua nhà hiện nay có xu hướng tìm kiếm các lựa chọn hợp lý về giá trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Điều này khiến những sản phẩm tồn kho có giá cao càng khó tiêu thụ", ông Sơn Hoàng nhận định.
Trước thực trạng này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng điều kiện tiên quyết để thị trường có thể "tan băng" là phải tạo ra cơ hội phục hồi cho dòng tiền. Đồng thời, mặt bằng giá cần được điều chỉnh về mức hợp lý, đủ để người mua cảm thấy tin tưởng và sẵn sàng "xuống tiền". "Nếu doanh nghiệp nào cũng cố giữ giá cao để chờ thời, thì thị trường sẽ khó có thể chuyển biến tích cực", ông Thịnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhìn nhận, với nhóm hàng tồn kho thành phẩm, tức các sản phẩm đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa thể giao dịch do thanh khoản kém, giải pháp cấp thiết là phải cơ cấu lại mặt bằng giá cho sát với nhu cầu thực tế. Điều này đòi hỏi các chủ đầu tư phải chủ động điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận, thậm chí chấp nhận "hy sinh" một phần lợi nhuận để kích cầu, tránh để sản phẩm tiếp tục "nằm kho", kéo theo gánh nặng tài chính dài hạn trong bối cảnh chi phí vốn ngày càng gia tăng.
Nguồn: https://reatimes.vn/suc-mua-don-vao-hang-moi-ton-kho-bat-dong-san-tiep-tuc-nam-im-202250420015520058.htm