Sự phối hợp đa chiều giữa Nhà Nước - Ngân Hàng - Fintech - Người Dân
Cập nhật lúc: 02/12/2019, 09:35
Cập nhật lúc: 02/12/2019, 09:35
Tại buổi diễn đàn “Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2019” diễn ra ngày 28/11 tại TP.HCM, ông Nguyễn Bá Diệp – Phó Chủ tịch, Đồng sáng lập Ví MoMo nhận định: “Bây giờ là thời đại của ‘thế hệ 2K’, họ coi ‘Banking as a Service’ - nghĩa là sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng như dùng Facebook hay Instagram phải nhanh chóng, đơn giản và mọi lúc mọi nơi. Do đó, các dịch vụ Tài chính – Ngân hàng cần nhắm vào chiều sâu và cảm xúc”.
Cũng trong buổi phiên thảo luận còn có sự góp mặt của ông Lê Anh Tuấn (GĐ Trung tâm ngân hàng số, Ngân hàng Vietinbank), ông Phan Đình Điền (Giám đốc Ngân hàng Agribank - CN Trung tâm Sài Gòn), ông Nguyễn Minh Tâm (Phó TGĐ Ngân hàng Sacombank), ông Lê Quang Huy (Giám đốc khối thẻ và Ngân hàng số - Ngân hàng SCB) và ông John Young (Nguyên Tổng Cục trưởng, Cục Phát triển Thông tin – Truyền thông Singapore).
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM. Dẫn chứng số liệu từ NHNN Việt Nam, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đã tăng 97,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018. Điều này khiến nhiều người lạc quan cho rằng trong 5 năm nữa toàn dân sẽ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Diệp đánh giá, trong thời gian qua những thể chế tài chính như Ngân hàng đã có những đổi mới rất quan trọng trong vấn đề số hóa để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Đồng quan điểm với ông Diệp, đại điện đến từ 2 ngân hàng lớn ông Lê Anh Tuấn (GĐ Trung tâm ngân hàng số, Ngân hàng VietinBank) và ông Lê Quang Huy (Giám đốc khối thẻ và Ngân hàng số - Ngân hàng SCB) đều cho rằng các dịch vụ ngân hàng truyền thống rất “Cổ điển, buồn chán, na ná như nhau, nhìn chung là chưa hấp dẫn khách hàng”. Tuy nhiên, may mắn là các ngân hàng đã sớm nhận ra vấn đề này và có những thay đổi để đáp ứng yêu cầu về trải nghiệm tốt hơn, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, Ngân hàng Vietinbank luôn lấy trải nghiệm khách hàng là mục tiêu hàng đầu nên đã tạo ra một ứng dụng tiện dụng có thể cung ứng nhiều dịch vụ cùng lúc. Hiện Vietinbank đã kết hợp với các công ty Fintech, công ty công nghệ thậm chí là những công ty giáo dục, giải trí để cung cấp những dịch vụ ngoài ngân hàng “Giống như các anh chị đi shopping dù mất tiền nhưng cảm thấy vui vẻ thì chúng tôi cũng hướng đến mục tiêu làm sao khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng có thể bị nghiện”, ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện Ngân hàng SCB, ông Lê Quang Huy (Giám đốc khối thẻ và Ngân hàng số) cho biết SCB đã phối hợp một cách đa dạng với nhiều đối tác để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: Ví điện tử, QR Code, thanh toán hóa đơn… “Chúng tôi có nhiều hình thức để khách hàng lựa chọn. Và theo tôi, để giữ chân khách hàng, cần phải khiến khách hàng có cảm giác họ là người đặc biệt. Hay nói cách khác là cá nhân hóa trải nghiệm”, ông Lê Quang Huy nói.
Dẫn chứng cho vấn đề trên, ông Diệp cho biết, trong 2 năm gần đây, các công ty Fintech đã tạo nên sự đổi mới trong trải nghiệm dịch vụ thanh toán của khách hàng. Đơn cử như Ví MoMo không chỉ giúp người dùng có một phương thức thanh toán tiện lợi mà còn giúp người dùng vui vẻ hơn khi có thể chơi game nuôi heo, làm từ thiện, đi bộ thể thao...
Tuy nhiên, theo ông Diệp hiện nay muốn có thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có tài khoản ngân hàng, nhưng thống kê thì chỉ có khoản 30% dân số Việt nam có tài khoản ngân hàng, trong khi đó 70% dân số vẫn tập trung tại các khu vực vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Đây là bài toán khó cho cả ngân hàng và fintech.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Đình Điền (GĐ Agribank CN Trung tâm Sài Gòn) cho biết, ngân hàng Agribank hiện có số lượng chi nhánh lớn nhất Việt Nam, tập trung vào khu vực nông thôn. Tuy nhiên, ông Điền cũng thừa nhận rằng tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng mức bán lẻ hiện vẫn còn thấp. Bản thân việc phát triển các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng còn hạn chế là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến vùng khó khăn, lạc hậu.
Về phía Agribank, để khỏa lấp những nơi mà mạng lưới PGD/CN của ngân hàng chưa vươn tới Agribank đã hợp tác với các Ví điện tử hàng đầu như Ví MoMo để giúp phổ cập dịch vụ rộng rãi hơn. “Hiện tại chúng tôi đã liên kết với 9 Ví điện tử và Ví MoMo là một trong những đối tác lớn và mang lại tỷ trọng doanh thu lớn nhất”. “Trong chuyến công tác Trung Quốc vừa qua, tôi rất bất ngờ khi biết thị trường nông thôn của họ chiếm 47% giao dịch thanh toán điện tử tại nước nay. Một cụ già hơn 70 tuổi bán tạp hóa ven đường cũng có đầy đủ các công cụ để thanh toán điện tử. Tôi nghĩ Việt Nam rồi sẽ có lúc như vậy”, ông Phan Đình Điền lạc quan.
Ấn tượng với chia sẻ từ đại diện các Ngân hàng, ông Diệp một lần nữa nhấn mạnh, khách hàng dùng các ứng dụng của Ngân hàng hay Fintech, mục đích thanh toán chỉ là một phần “quan trọng là dùng phải vui”. Đây sẽ là bài toán thú vị cho các ngân hàng, Fintech để đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Trả lời câu hỏi từ người điều phối “Thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong 5 năm tới để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam?”. Ông Nguyễn Minh Tâm (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank) - người có thâm niên hơn 10 trong việc triển khai thanh toán không tiền mặt nhận định, các đơn vị cấu thành nền kinh tế không tiền mặt như Ngân hàng hay các công ty Tài chính, Fintech đã có sự nhận thức và ưu tiên đúng mức. Thế nhưng ông Tâm cũng nhấn mạnh, “Nâng cao trải nghiệm là tốt nhưng đừng mang khách hàng ra làm thí nghiệm”. “Việc đầu tư một giải pháp, sản phẩm ‘thú vị’ sẽ thu hút khách hàng lúc đầu nhưng yếu tố an toàn và bảo mật sẽ là điểm giữ chân khách hàng”, ông Tâm chia sẻ.
Với kinh nghiệm triển khai thực tế, ông John Young (Nguyên Tổng Cục trưởng, Cục Phát triển Thông tin – Truyền thông Singapore) cho rằng, để phát triển thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam thì thách thức cần được nhận thức và tháo gỡ về cả vi mô lẫn vĩ mô. Cụ thể, cần chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định trong quá trình phát triển nếu không sẽ mất cơ hội.
Đồng quan điểm, đại diện các ngân hàng cho rằng, pháp lý đang đi sau sự phát triển của ngành Tài chính - Ngân hàng. Những quy định về KYC, các chuẩn chung kết nối kỹ thuật hay các đầu mối quản lý hiện còn chồng chéo... Do đó, cần quy hoạch lại hệ thống thanh toán tập trung, đồng bộ và có một chính sách đủ độ “mở”.
Bên cạnh nhiều ngân hàng đã tham gia tích cực vào việc chuyển đổi thì vẫn còn một số ngân hàng chưa sẵn sàng. Khó khăn trong việc chuyển đổi là làm sao để toàn ngành Tài chính - Ngân hàng triển khai đồng bộ như vậy khách hàng mới không bị giới hạn. Chính vì vậy, ông Diệp nhận định phiên thảo luận là một dịp rất hay để Ngân hàng và Fintech có thể ngồi lại với nhau, cùng phát triển vì mục tiêu chung là “Tiêu diệt tiền mặt và phát triển thanh toán không tiền mặt. Tôi hy vọng nếu chúng ta có dịp ngồi lại với nhau một lần nữa, thì ngày đó đến cả người ăn xin tại Việt Nam cũng có thể không dùng tiền mặt”, ông Diệp nói.
Phát biểu kết thúc phiên Thảo luận, ông Nguyễn Toàn Thắng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong suốt phiên thảo luận đại diện các ngân hàng, fintech đề cập nhiều đến những vướng mắc về mặt chính sách quản lý. Ông Thắng khuyến khích các đơn vị cần mạnh dạn đề xuất, trình bày những khó khăn đến các cơ quan quản lý để tìm giải pháp tốt nhất cho các bên.
Ngoài ra ông Thắng cũng đánh giá, năm 2019 và những năm tiếp theo, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty Fintech đều sẽ tập trung phát triển mảng bán lẻ trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. Xu thế các ngân hàng phát triển công nghệ của mình, đồng thời chủ động tăng cường hợp tác với các công ty Fintech sẽ được đẩy mạnh hơn, nhằm tạo hệ sinh thái số, giúp cho quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng. Trên cơ sở đó gia tăng hiệu quả của dịch vụ ngân hàng nói riêng và tất cả các hoạt động của ngành Tài chính – Ngân hàng nói chung.
16:43, 19/11/2019
16:17, 18/11/2019
16:35, 12/11/2019