22/11/2024 | 14:44 GMT+7, Hà Nội

Sốt xuất huyết: Trên "nóng", dưới không được thờ ơ!

Cập nhật lúc: 19/06/2019, 16:40

Mặc dù công tác phòng chống sốt xuất huyết được Bộ Y tế quan tâm triển khai rất sớm đến từng địa phương nhưng hiện nay Hà Nội đang báo động về dịch bệnh này.

Để có phương án chủ động và phòng ngừa cao hơn nữa, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có những trao đổi.

Sốt xuất huyết có tính chu kỳ

PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Khẳng định thời điểm hiện tại số lượng người mắc sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm trước, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, sở dĩ có tình trạng này bởi vì sốt xuất huyết có tính chu kỳ. Tuy nhiên, chu kỳ sốt xuất huyết ở Việt Nam tùy theo từng vùng miền.

PGS. TS Trần Đắc Phu đưa ra dẫn chứng, năm 2018 ở miền Nam có rất nhiều tỉnh mắc dịch sốt xuất huyết như Tây Nguyên, trong khi đó miền trung không mắc. Hay như năm 2017 Hà Nội mắc rất nhiều nhưng các tỉnh miền trung, Tây Nguyên số người mắc sốt xuất huyết ở mức rất hạn chế. 

Cụ thể chu kỳ của sốt xuất huyết còn thể hiện ở thực tế là nếu tính tổng số người mắc sốt xuất huyết trên cả nước thì tháng này giảm hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, đi cụ thể ở các tỉnh thì có những tỉnh tăng hơn tháng trước. Ví dụ như Gia Lai (Tây Nguyên), Khánh Hòa hay TP. Hồ Chí Minh.

PGS. TS Trần Đắc Phu cũng đưa ra nhận định: Theo chu kỳ dịch bệnh sốt xuất huyết 4 - 5 năm sẽ quay lại một lần. Như vậy, năm nay chúng ta phải đặc biệt lưu ý các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung, phải rất cảnh giác với những khu vực này bởi sẽ có nguy cơ báo động về sốt xuất huyết.

Cũng theo chu kỳ này thì hằng năm, Hà Nội luôn xác định vào tháng 4 cho đến tháng 10 (trước kia) sẽ có dịch. Và đối với những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên chu kỳ này cũng thay đổi. Theo đó, thời điểm dự phòng sốt xuất huyết được xác lập từ tháng 4 đến tháng 11, tháng 12 thì dịch bắt đầu bùng phát. Riêng các tỉnh miền Nam thì phòng chống dịch sốt xuất huyết phải thực hiện quanh năm bởi khí hậu nơi đây một ngày diễn ra 4 mùa thay đổi liên tục.  

Nắm được đặc thù về vùng miền đó, hàng năm Bộ Y tế đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết từ rất sớm. Đặc biệt, tại Hà Nội, ông Trần Đắc Phu cho biết, đang có rất nhiều công trình xây dựng đang diễn ra, nơi có rất nhiều ổ nước, dụng cụ chứa nước tạm bợ, những người công nhân ở đó sinh hoạt không nằm màn rất phổ biến.

"Đây là một trong những điểm cần được chú trọng truyền thông và áp dụng các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Chúng tôi đã tập trung vào những nơi đó để rút kinh nghiệm. Căn cứ vào đặc tính từng vùng, đặc tính từng nơi để chỉ đạo, hướng dẫn tỉnh, địa phương vào cuộc sớm trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết", PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết.

Chính quyền cần vào cuộc

Đề cập đến vấn đề, tại sao công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết đã triển khai từ nhiều tháng trước, rõ ràng, cụ thể đến từng ban ngành địa phương, tuy nhiên dịch sốt xuất huyết đến nay vẫn bùng phát, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng: "Đây là hệ quả của tình trạng "Trên "nóng", dưới thờ ơ". Vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức hội nghị phòng chống dịch sốt xuất huyết cho 700 đầu cầu trên cả nước để tập huấn cho toàn bộ cán bộ y tế từ tuyến xã trở lên về sốt xuất huyết. Trong đó, rất chú trọng về tập huấn về kỹ thuật, chỉ đạo để chính quyền có kế hoạch thực sự tốt hơn.

Điển hình, Hà Nội đã làm gương với việc ký cam kết thực hiện nghiêm chỉnh phòng chống sốt xuất huyết giữa Giám đốc Sở Y tế với giám đốc trung tâm y tế của 30 quận huyện. Từ đó đưa ra quán triệt nếu chủ tịch UBND quận huyện, phường xã nào không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm. Chỉ khi có chính quyền vào cuộc thì mới giải quyết được triệt để tình trạng dịch trên địa bàn.

Bọ gậy là nguyên nhân trực tiếp làm sản sinh muỗi vằn và gây sốt xuất huyết do đó công tác diệt bọ gậy cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Theo đó, chính quyền phải vào cuộc, có chính sách cho cộng tác viên để hướng dẫn, tuyên truyền đến tận nơi ở của người dân. Kiểm tra chỗ ở của người dân, nơi nào có nguy cơ sản sinh muỗi vằn, cộng tác viên phải hướng dẫn tận tình cách phòng chống, lồng ghép phân tích tác hại của muỗi vằn với sức khỏe để nâng cao ý thức. Khi đã lập ra các ban ngành kiểm tra thì phải phát huy vai trò giám sát người dân xem họ có làm hay không là ở chỗ đó. Có như vậy, thì mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết, giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết gây ra của Bộ Y tế đề ra mới hiệu quả.

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu: "Chúng ta cần quan tâm, chú trọng đến biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết từ sớm thì mới có biện pháp cụ thể giảm tỉ lệ mắc. Ví dụ như Thanh Trì, đã chi 17 tỷ cho dự án phòng chống sốt xuất huyết trong khoảng 3 năm. Một huyện chủ động chi số tiền lớn như thế cho thấy quyết tâm đẩy lùi sốt xuất huyết thì không có lý do gì Thành phố lại không làm được. Quan trọng cách làm như thế nào và sâu sát đến đâu".

"Nghị định 178 đã có quy định xử phạt, nhưng trên thực tế chưa xử phạt được. Phải chăng cần áp chế tài trong công tác phòng chống sốt xuất huyết với người dân? Tôi cho rằng để nâng cao ý thức của người dân cần phải nâng cao thêm hình thức vận động, tuyên truyền, hướng dẫn. Tuy nhiên cần thay đổi về cách thức thực hiện; nên quan tâm đầu tư hình thành hệ thống cộng tác viên đi tận nơi truyền thông tại chỗ", PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh thêm.

Nguồn: https://congluan.vn/sot-xuat-huyet-tren-nong-duoi-khong-duoc-tho-o-post63835.html