19/01/2025 | 06:01 GMT+7, Hà Nội

Vì sao bệnh sốt xuất huyết tăng cao bất thường dù chưa vào mùa dịch?

Cập nhật lúc: 19/06/2019, 09:21

Hiện nay số người mắc sốt xuất huyết vẫn không ngừng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố.

Hiện nay số người mắc sốt xuất huyết vẫn không ngừng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Bên cạnh việc vắc xin phòng sốt xuất huyết chỉ mới thử nghiệm tại một số quốc gia thì một số địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt cũng là nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh tăng cao và phức tạp hơn.

Dự báo trong những tháng còn lại của năm 2019, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa. Dự báo trong những tháng còn lại của năm 2019, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa.

Theo Cục y tế Dự phòng Bộ Y tế, 5 tháng nay cả nước có khoảng 65.000 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp 3 lần so với năm trước.

Còn theo các chuyên gia y tế, chiếu theo quy luật thông thường từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, dịch bệnh sốt xuất huyết mới xuất hiện. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay bệnh sốt xuất huyết đã bùng phát mạnh mẽ, số bệnh nhân không ngừng gia tăng. Dự báo trong những tháng còn lại của năm 2019, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Cho đến nay vắc xin phòng sốt xuất huyết chỉ mới thử nghiệm tại một số ít quốc gia. Do vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là chủ động diệt lăng quăng ngay tại chính nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, môi cơ quan, đơn vị. Điều này đòi hỏi ý thức tự giác của mọi người, mọi thành phần trong xã hội.

Trên thực tế, một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, còn phó mặc cho ngành y tế thì việc kinh phí đầu tư cho phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh tăng cao và phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch, nhất là chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ bọ gậy, đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khuyến cáo, sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm nhất là gây tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…

Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Đặc biệt, không được tự mua thuốc về điều trị bởi khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện, thì việc điều trị sẽ phức tạp, khó cứu chữa.

Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân nắm thông tin về tình hình dịch bệnh, biết cách và chủ động tham gia phòng, chống; khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

- Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nguồn: https://congluan.vn/vi-sao-benh-sot-xuat-huyet-tang-cao-bat-thuong-du-chua-vao-mua-dich-post63798.html