22/11/2024 | 02:37 GMT+7, Hà Nội

Cấm lái xe uống rượu bia: Sự “giằng xé” giữa sức khỏe và kinh tế đã có lời đáp

Cập nhật lúc: 15/06/2019, 13:00

Vậy là sau nhiều ngày bàn luận, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có quy định nghiêm cấm hành vi uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông.

 Ngay lập tức, trên nhiều diễn đàn, dư luận đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ…

 Hơn 5.000 người dân Thủ đô đi bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm kêu gọi cộng đồng “Không uống rượu bia khi lái xe”. Ảnh: PV

Hơn 5.000 người dân Thủ đô đi bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm kêu gọi cộng đồng “Không uống rượu bia khi lái xe”. Ảnh: PV

Không thể phó mặc tất cả cho những cơn say

Cách đâu ít lâu nhiều người dùng mạng xã hội Facebook đã đồng loạt thay avatar với slogan “Đã uống rượu bia - không lái xe” và “Say xỉn lái xe là tội ác” như một nỗ lực cảnh tỉnh, ngăn chặn những tai nạn thảm khốc do lái xe uống rượu bia gây ra.

Trước đó, ngày 1/5, vụ tai nạn tại hầm Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) khiến dư luận phẫn nộ bởi tài xế trước khi tông chết 2 phụ nữ đi xe máy đã sử dụng 6 chai bia và thêm rượu trong cuộc họp lớp. Cũng tại Hà Nội đã xảy ra vụ việc chị lao công nghèo bị xe tông chết bởi lái xe cũng uống rượu bia...

Hàng loạt các cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng ra sức kêu gọi, tuyên truyền về việc an toàn khi tham gia giao thông, đặc biệt là vấn đề sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Thế nhưng rất nhiều các vụ tai nạn thương tâm vẫn xảy ra trên khắp mọi nẻo đường của đất nước và dường như với một bộ phận người dân, điều này chưa đủ để nâng cao được ý thức của họ.

Trong tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ, một nam tài xế đề nghị phạt nặng các “ma men”. Người này thú nhận: “Tôi cũng như nhiều tài xế khác, vẫn luôn tự nhủ bản thân trước khi đi nhậu sẽ không uống say, sẽ không lái xe đi trên đường để gây nguy hiểm cho người khác. Nhưng không, bản thân tôi không ít lần lái xe trong tình trạng bản thân không kiểm soát được vì say rượu. Chỉ có ơn trên phù hộ, may mắn mới giúp tôi chưa gây tai họa cho người khác”.

“Hô hào khẩu hiệu là việc dễ nhưng để thay đổi ý thức thực sự của từng lái xe là việc cực khó. Khi đã say rồi thì còn biết, còn nhớ gì đâu”, anh Nguyễn Văn Mạnh (38 tuổi, ở Bắc Ninh), một tài xế container chạy tuyến Bắc - Nam nói.

Ghi nhận thực tế của PV, không khó để bắt gặp hình ảnh các đấng mày râu ngồi tụ tập “chén chú, chén anh”, sau đó loạng choạng ra bãi để xe và tự tin điều khiển phương tiện giao thông của mình như thể họ không hề có chút cồn nào trong máu.

Trên các trục đường Tố Hữu, Lê Trọng Tấn, Phạm Văn Đồng… ở Hà Nội vào các buổi chiều tối, rất nhiều các quán bia hơi hoạt động kinh doanh và quán nào cũng khách ra vào nườm nượp. Có thể thấy, nhu cầu sử dụng rượu, bia của người dân không hề ít.

Chúng tôi quan sát một người đàn ông điều khiển xe ô tô đến một quán nhậu trên đường Tố Hữu (Hà Đông) vào lúc 19h30. Trên bàn nhậu đã có sẵn 3 người bạn chờ đợi. Cuộc nhậu vui vẻ đầy nhiệt tình và cả 4 người đều “hết mình”. Những cốc bia trống không nhanh chóng được thay thế bằng những cốc đầy đặn khác. Cuộc nhậu kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, người đàn ông này với những bước đi không vững về phía chiếc xe của mình và điều khiển phương tiện đó rời đi.

Tiếp tục quan sát một quán bia vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), chúng tôi thậm chí còn bắt gặp một tài xế taxi bước vào quán với 4 người đàn ông khác. Khoảng 40 cốc bia là số lượng mà họ đã sử dụng trong hơn 1 giờ. Tài xế taxi này gần như không ngừng uống cạn số bia trong cốc. Tàn cuộc nhậu, anh lại tiếp tục lái chiếc taxi của mình. Liệu người tài xế này có đi thẳng về nhà, hay lại tiếp tục đón khách và phó mặc sự an toàn của bản thân cũng như những hành khách này cho cơn say của mình?

Cần thực thi nghiêm pháp luật

Khi Quốc hội thông qua quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhiều người cho rằng, khâu thực thi pháp luật phải thật chặt chẽ để đảm bảo quy định được áp dụng đúng người, không bỏ lọt.

“Văn hóa nước ta còn giỗ quẩy, tiệc tùng, hiếm khi thiếu cốc rượu, chai bia. Để thay đổi điều này không thể một sớm một chiều, nhưng tôi thấy mới đây có đám cưới không bia rượu ở Bình Phước rất hay. Tôi ủng hộ việc không lái xe khi đã uống rượu, bia và phải thực thi nghiêm pháp luật”, bạn đọc Nguyễn Trung chia sẻ.

Theo số liệu mới nhất của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó, nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ).

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, vai trò của người mẹ, người vợ, người yêu đối với nhóm người có tỷ lệ tai nạn giao thông lớn là nam giới trẻ rất quan trọng. Hội họp anh em, nhiều người cố gắng kiềm chế nhưng không tránh khỏi việc bị dồn ép, chúc tụng nhau. Ông Khuất Việt Hùng bày tỏ: “Cho nên, tôi nghĩ, việc đầu tiên, nếu đi uống rượu sẽ đi taxi, không lái xe, mà tốt nhất là vợ chở mình về. Cá nhân tôi cho rằng, nếu những người phụ nữ thực sự tích cực, họ sẽ giúp đỡ rất nhiều cho công tác tuyên truyền người thân “Đã uống rượu, bia thì không lái xe. Trong gia đình hiện đại, vai trò và tiếng nói của người phụ nữ ngày càng quan trọng, việc các ông chồng có bê tha hay không cũng có trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Những người thân nhất cùng nhau nhắc nhở và lên án mạnh mẽ, tôi tin, không có ông chồng nào yêu vợ, yêu con lại vẫn tiếp tục bê tha chè chén”.u

Những trăn trở hơn 10 năm đã được “đền đáp”

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) bày tỏ sự vui mừng khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được Quốc hội bỏ phiếu thông qua. “Những trăn trở vất vả của chúng tôi hơn 10 năm nay đã được “đền đáp”. Đây là thắng lợi lớn cho sức khoẻ người dân và cho cả những nhà quản lý y tế, hoạch định chính sách y tế”, TS Nguyễn Huy Quang cho hay.

Riêng khoản 6, Điều 5 của Luật (các hành vi bị nghiêm cấm: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…” - PV), TS Nguyễn Huy Quang cho rằng, đây là một trong những quy định thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội và Chính phủ, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Tỷ lệ hơn 77% đại biểu Quốc hội đồng ý đưa điều này vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước cử tri, trước sức khoẻ, tính mạng con người, liên quan tác hại rượu bia đối với xã hội, chính trị, kinh tế. Trong đó có vấn đề về tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng.

TS Nguyễn Huy Quang chia sẻ, điều ông cho là thắng lợi trong việc này là đạt được sự dung hoà trong việc “giằng xé” giữa lợi ích sức khoẻ - xã hội với lợi ích về kinh tế. Trong đó, lợi ích sức khoẻ - xã hội đặt lên hàng đầu. Như vậy, những yếu tố phát triển mang tính chất bền vững liên quan đến con người được thể hiện trong Luật.

 
Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cam-lai-xe-uong-ruou-bia-su-giang-xe-giua-suc-khoe-va-kinh-te-da-co-loi-dap-20190614201027996.htm