19/01/2025 | 12:05 GMT+7, Hà Nội

Shopee đang tạo cơ hội cho các hành vi lừa đảo qua internet

Cập nhật lúc: 11/04/2020, 08:30

Shopee là đơn vị trung gian bán hàng, khi các lệnh thanh toán không đúng mà vẫn cố thực hiện thì đây là lỗ hổng của Shopee và sẽ tạo tiền đề cho hành vi lừa đảo, nếu có.

Shopee sai và phải bồi thường cho người bán

Như chúng tôi đã thông tin trước đó, anh Anh Quân (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) – chủ một gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee đã bán một món đồ trên sàn này, nhưng khi nhận hàng, khách báo bị thiếu và yêu cầu trả lại tiền, anh Quân đã đồng ý, nhưng yêu cầu khách chọn hình thức trả lại hàng rồi mới hoàn tiền và người mua chấp nhận phương án giải quyết này.

Sau đó, người mua đã nhập mã vận đơn sai, không gửi lại hàng và Shopee biết nhưng vẫn tiến hành thủ tục hoàn trả tiền cho khách mà không thông báo cho bên bán bất kỳ thông báo nào.

Khi phản ánh với Shopee, sàn này đã chối đẩy trách nhiệm và sàn này còn chối đẩy trách nhiệm và thông báo hết sức bất ngờ “Đơn hàng Shopee đã thanh toán cho người mua và đóng khiếu nại, Shopee rất tiếc chưa can thiệp hỗ trợ các phát sinh về sau”. 

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, về mặt pháp lý, người nào kiện hành vi trái pháp luật, liên quan tới vấn đề giao dịch mua bán hàng hóa gây thất thoát, thiệt hại thì phải bị bồi thường. Như vậy, chúng ta phải xác định được lỗi thuộc về ai?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối thuộc đoàn luật sư TP.Hà Nội 

Đơn vị Shopee là công ty là đơn vị trung gian bán sản phẩm và thanh toán, trách nhiệm ở đây là giữa người mua hàng với Shopee, sàn TMĐT phải kiểm tra xem khi giao nhận hàng hóa đúng chủng loại, chất lượng hay chưa, nếu chưa đúng đơn vị này phải gửi lại người nhận. Đồng thời, Shopee phải thông báo, thương lượng với người bán.

Như vậy, ở đây, Shopee biết lỗi sai của khách hàng nhưng vẫn hoàn trả tiền là sai và phải hoàn lại tiền cho chủ gian hàng. Trong TMĐT, Shopee là đơn vị thanh toán, khi các lệnh thanh toán không đúng mà sàn vẫn cố thực hiện thì đây là lỗ hổng của Shopee cần phải khắc phục, tránh để những kẻ lừa đảo lợi dụng.

Sau đó, Shopee cần phải làm rõ hành vi của khách hàng kia. Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì phải báo các cơ quan có thẩm quyền.

Trong trường hợp Shopee chối đẩy trách nhiệm, không bồi thường thiệt hại thì người bán có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có đủ căn cứ để chứng minh Shopee sai.

Nhưng theo tôi, trong trường hợp này, người bán nên thông qua các cơ quan quản lý, bảo vệ người tiêu dùng hoặc đơn vị quản lý TMĐT sẽ được xử lý nhanh gọn hơn.

Shopee đang dần đánh mất niềm tin từ người bán hàng tới khách hàng

Đây không phải là lần đầu tiên sàn TMĐT này khiến người tiêu dùng bức xúc. Trước đó, chúng tôi cũng đã có những bài viết liên quan tới khách hàng tố cáo Shopee. Cụ thể, công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) tung ra bằng chứng chứng minh các sàn thương mại điện tử (TMĐT), trong đó có Shopee tiếp tay kinh doanh tiêu thụ sách giả.

First News đặt 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên từ tất cả các sàn, thật bất ngờ, tất cả 128 đơn hàng ngẫu nhiên đó đều là sách in lậu, sách giả và đã được lập vi bằng ngay khi mở kiện hàng.

Shopee liên tục bị người bán và người mua tố về cách làm việc không công bằng

Hay cuối năm 2018, anh Thành (30 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM) phản ánh với báo về việc anh đặt mua 1kg hạt chia tím, 1kg hạt chia Organic Seeds và 1kg hạt chia Úc Black Bag với tổng số tiền 305.000 đồng, của shop Boncosmetics trên trang thương mại điện tử Shopee.

Tuy nhiên, sau khi nhận các đơn hàng, khách hàng đặt nghi vấn khi những sản phẩm trên đều không có tên công ty phân phối độc quyền hay nhà nhập khẩu và nhà phân phối ở Việt Nam. Thêm nữa, chữ trên bao bì sản phẩm hoàn toàn bằng tiếng Anh, mã vạch đều được in trực tiếp lên bao bì, hoàn toàn không có thêm thông tin nào bằng tiếng Việt về nhà sản xuất, nhà phân phối…

Anh Thành cho rằng, những sản phẩm đặt mua nói trên không có thông tin nhà sản xuất, phân phối, có dấu hiệu làm giả bao bì mẫu mã, hoặc là hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thể kiểm chứng được chất lượng và cũng không biết ai bán mà khiếu kiện nếu sự cố xảy ra.

Cũng theo khách hàng, sau khi kiểm tra đã thấy nhiều bất thường, bởi giá sản phẩm bán trên Sendo, Lazada hay Shopee lại thấp hơn giá bán lẻ tại nước xuất khẩu. Trước đó, sàn này giới thiệu sản phẩm "hạt nhập khẩu Úc", nhiều chương trình khuyến mãi, có gian hàng giảm tới 50% giá một sản phẩm.

Mới đây nhất là vào ngày 24/2, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong công tác kiểm soát các sản phẩm, hàng hóa phòng dịch Covid-19, các sàn thương mại điện tử đã rà soát tổng số 463.865 gian hàng và 1.755.559 sản phẩm; đã xử lý khoảng 5.200 gian hàng với trên 21.000 sản phẩm vi phạm.

Sàn có nhiều sản phẩm vi phạm thứ hai là Shopee.vn với gần 3.000 gian hàng và hơn 3.500 khẩu trang y tế vi phạm. Cơ quan chức năng cũng phát hiện gần 400 gian hàng kinh doanh dung dịch/gel rửa tay khô vi phạm, với gần 500 sản phẩm bị xử lý.

Chưa hết, ngay trường hợp của anh Quân - chủ một gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee đã nói ở trên cũng đã chia sẻ với báo rằng, trường hợp Shopee chối đẩy trách nhiệm khi khách nhập mã sai nhằm lừa đảo lấy tiền không hề hiếm. “Trong nhóm hội lập nghiệp trên Shopee có rất nhiều anh em chia sẻ trường hợp bị khách hàng lừa lấy tiền như mình, nhưng họ đều ngại phản ánh với báo chí vì lo ngại bị Shopee sẽ khóa tài khoản, trong khi việc bán hàng là miếng cơm, manh áo của mọi người”, anh Quân chia sẻ.

Như vậy, với cách xử lý và quy định của Shopee, sàn này không chỉ tự tạo lỗ hổng, tiếp tay cho hành vi lừa đảo của khách hàng mà Shopee còn đang dần đánh mất niềm tin từ người mua cho tới người bán bởi hành động luôn chối đẩy trách nhiệm khi sai.