29/11/2024 | 10:37 GMT+7, Hà Nội

Sau khởi đầu hoành tráng, Go-Viet giờ ra sao?

Cập nhật lúc: 26/09/2018, 03:01

Go-Viet chính thức đi vào hoạt động tại thị trường Hà Nội vào ngày 12/9 vừa qua, sau khi tạo ra cơn sốt cho chuyến đi dưới 6km với mức đồng giá là 1.000 đồng, được đông đảo khách hàng tham gia và hưởng ứng. Tuy nhiên sau tuần lễ khởi đầu ngọt ngào, hiện Go-Viet bị chính tài xế và khách hàng kêu than với một số hạn chế của mình.

 Go-Viet vẫn còn nhiều việc phải làm trong việc cạnh tranh thị phần ứng dụng gọi xe công nghệ với ông lớn Grab. Ảnh: N.Hiếu

Go-Viet vẫn còn nhiều việc phải làm trong việc cạnh tranh thị phần ứng dụng gọi xe công nghệ với ông lớn Grab. Ảnh: N.Hiếu.

Tài xế kêu thu nhập sụt giảm

Dưới sự hậu thuẫn từ tập đoàn Go-Jek (Indonesia), ứng dụng gọi xe Go-Viet đã đổ bộ vào thị trường Hà Nội vào ngày 12/9 vừa qua sau khi đã đạt được một số kết quả nhất định tại TPHCM. Sau khi áp dụng chương trình đồng giá cho một chuyến đi dưới 6km là 1.000 đồng và nhiều chính sách ưu đãi được đông đảo tài xế, khách hàng hưởng ứng thì ngày 19/9 vừa qua, Go-Viet đã tăng giá cho một chuyến đi dưới 6km là 10.000 đồng và nhiều chính sách cắt giảm hỗ trợ thưởng cho tài xế. Động thái này đã kéo theo chất lượng dịch vụ của ứng dụng gọi xe Go-Viet có chiều hướng đi xuống.

Anh Nguyễn Văn Ba, một tài xế của Go-Viet cho biết: “Sau khi hãng chấm dứt chương trình đồng giá 1.000 đồng cho chuyến đi dưới 6km và chuyển sang chương trình đồng giá 10.000 đồng thì có ngày tôi chỉ được vài chuyến đi. Trong khi những ngày đầu mới khai trương, tôi chạy xe mà không có thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi”.

Lý giải cho vấn đề trên, anh Ba cho hay, Go-Viet đột ngột nâng giá lên 10.000 đồng đã làm cho khách hàng cảm thấy bị lừa dối bởi trước đó, phía hãng cam kết không tăng giá đột ngột trong những tháng đầu khai trương. Và quan trọng nhất là thông báo từ phía Go-Viet, trong giờ cao điểm hiện nay, tài xế sẽ không được hưởng những chính sách ưu đãi về trợ giá, nhân giá và không được hỗ trợ 25.000 đồng cho mọi chuyến đi dưới 6km như trước nữa. Điều này khiến cánh lái xe không mấy hào hứng trong việc đón và phục vụ khách. Anh Ba lý giải, giờ cao điểm hay bị tắc đường, đi lại vất vả mà có những chuyến xe, tài xế phải đón khách xa 4-5km thì nhiều người sẽ ngại và không có động lực để đi đón khách. Từ đó, chất lượng phục vụ đi xuống.

Anh Nguyễn Tiến Cường (ở phố Chùa Láng, một lái xe của Go-Viet) cho biết thêm: “Go-Viet mới triển khai chương trình, thu nhập của chúng tôi đều trên dưới 1 triệu đồng/ngày nếu làm chăm chỉ. Nhưng hiện nay, nếu chăm chỉ làm từ 10-12h mỗi ngày cũng chỉ đạt có 250.000- 300.000 đồng”.

Theo anh Cường: “Những hạn chế trong việc sử dụng phần mềm gọi xe của Go-Viet cộng với việc hãng đột ngột thay đổi chương trình khuyến mãi đã làm cho khách hàng cảm thấy khó chịu. Dù mức giá tăng ở mức chấp nhận được, nhưng có lẽ khách hàng cảm thấy không được tôn trọng, hệ quả là thu nhập của tôi cũng bị giảm sút đột ngột do khách không gọi xe nhiều như trước nữa. Nếu thời gian tới Go-Viet không có những chính sách để cải thiện tình hình thì khó mà có khả năng cạnh tranh được với các đối thủ khác”.

Khách hàng cũng đã bắt đầu phàn nàn

Là khách hàng của các ứng dụng gọi xe công nghệ, chị Nguyễn Thu Hường (ở phố Linh Lang, quận Ba Đình) cho biết: “Lúc Go-Viet mới triển khai chương trình tại Hà Nội, tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà những ngày gần đây, cứ đến giờ tam tầm tôi gọi xe rất khó khăn vì tài xế thường ở xa, trong khi đó ứng dụng bật lên vẫn thấy có rất nhiều tài xế gần đấy”.

Sau nhiều lần trễ giờ, chị Hường quyết định quay trở lại đặt phần mềm của Grab dù giá có cao hơn đôi chút nhưng gọi xe từ hệ thống Grab vẫn tiện hơn. Bởi theo chị Hường, sau khi ứng dụng Go-Viet xuất hiện, phía Grab cũng đã có nhiều chính sách mới để thu hút khách hàng như ưu đãi tích điểm thưởng, mã giảm giá. “Đối với tôi, ứng dụng gọi xe nào ra đời tôi vẫn ủng hộ bởi cạnh tranh thì khách hàng sẽ được lợi. Tuy nhiên việc Go-Viet làm cho khách hàng mất nhiều thời gian để chờ đợi thì chắc chắn sẽ mất lòng khách và nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ mất khách”, chị Hường nhận định.

Chung quan điểm là anh Hà Văn Bắc (ở phố Đội Cấn): “Tôi thường xuyên đặt xe qua các ứng dụng để đến chỗ làm. Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi mấy ngày qua khi sử dụng ứng dụng gọi xe của Go-Viet tôi thấy, hiện ứng dụng của hãng này vẫn còn nhiều hạn chế như: Mới chỉ triển khai 6 quận nội thành Hà Nội, chưa có ứng dụng gọi xe 4 chỗ, phương thức thanh toán mới chỉ là tiền mặt chưa có hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng tạo nên sự bất tiện cho nhiều khách hàng, phần mềm còn nhiều hạn chế gây khó khăn khi sử dụng. Thời gian tới, nếu phía Go-Viet không khắc phục được những vấn đề trên, tôi e khó lòng mà cạnh tranh nổi với các ứng dụng gọi xe trong nước chứ chưa nói đến Grab”.

Khảo sát nhanh tại thị trường Hà Nội, hiện phân khúc ở thị trường gọi xe công nghệ đang dần bão hòa và phía “ông lớn” Grab vẫn chiếm thế thượng phong với hơn 200.000 đối tác tài xế (GrabBike) và tung ra nhiều chương trình khuyến mãi ưu đãi cho chính cả khách hàng lẫn tài xế. Trong khi đó, một số khách hàng sử dụng ứng dụng Go-Viet khi được hỏi đều tỏ ra khá hụt hẫng, than phiền việc gọi xe khó khăn hơn so với các ứng dụng gọi xe khác.

Có thể thấy, để thật sự chinh phục được niềm tin của khách hàng Việt, thời gian tới, Go-Viet còn rất nhiều việc phải làm, trong bối cảnh các ứng dụng gọi xe đang dần lớn mạnh và phía Grab đã có những động thái cải thiện nhất định. Trong bối cảnh cuộc chiến phân khúc thị trường gọi xe công nghệ đang khốc liệt như hiện nay thì khách hàng mới là người đóng vai trò quyết định.

Nguyễn Hiếu