Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Rất cần áp dụng chính sách bồi thường
Cập nhật lúc: 18/02/2025, 09:37
Cập nhật lúc: 18/02/2025, 09:37
Sáng 17/2, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2009, nhưng tạm dừng năm 2016 và nay được tái khởi động.
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân sáng 4/2/2025, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, để bảo đảm dự án hoàn thành và vận hành vào năm 2030, toàn bộ mặt bằng phải được hoàn thành giải phóng trong năm 2025. Song, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì rất khó đạt được mục tiêu này.
Phát biểu tại hội trường, ông Trần Quốc Nam – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngày 25/11/2009, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm nhà máy 1 và 2, với tổng công suất 4.000MW.
Đến nay đã hơn 15 năm, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế để thực hiện dự án. Nhân dân đang chờ đợi sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhà ở, đất sản xuất, sinh kế… cho Nhà nước để triển khai thực hiện dự án.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng cả 2 nhà máy phải hoàn thành trong năm 2025; thời gian qua, Ninh Thuận đã tiến hành ngay các công việc với tinh thần "việc gì làm được thì làm ngay không chờ đợi", ông Trần Quốc Nam khẳng định và cho biết, tỉnh Ninh Thuận đã khảo sát ý kiến của 2.000 hộ dân trong vùng dự án, kết quả cho thấy 90% số hộ đồng thuận với chủ trương của Nhà nước, phần còn lại chủ yếu do chưa nắm rõ thông tin.
Ông Trần Quốc Nam - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Tuy nhiên, nếu không có cơ chế đặc thù, ưu tiên, việc giải phóng mặt bằng sẽ là thách thức rất lớn. Theo ông Nam, bà con vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận rất thiệt thòi. Qua khảo sát, mong muốn của người dân là dự án sớm được triển khai, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành theo thời hạn mà Chính phủ đề ra. Đối với diện tích đất thuộc vùng dự án người dân đã sinh sống, canh tác lâu dài, là vùng ven biển có giá trị cao, người dân mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp, bảo đảm tốt nhất cho dự án cũng như sinh kế của người dân.
Thông thường, các dự án điện hạt nhân trên thế giới cần 8-12 năm để hoàn thành, nhưng với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, để hoàn thành trong 5 năm, bao gồm cả giải phóng mặt bằng, thì rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên.
Vì vậy, tại Tờ trình số 74/TTr-CP của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, tại Khoản 9, Điều 3, tỉnh Ninh Thuận có 7 nội dung đề xuất. Sau đó, tỉnh đã có đề nghị bổ sung thêm 5 nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Trong đó, theo quy định của Luật Đất đai 2024, việc xác định quyền lợi sử dụng đất ổn định trước ngày 1/7/2024 đang rất khó khăn. Từ năm 2009, nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch dự án phải tạm dừng hoạt động sản xuất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sang nhượng hay đầu tư xây dựng, ảnh hưởng lớn tới đời sống, tài chính. Do đó, tỉnh đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù để giải quyết quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng quy hoạch treo kéo dài.
Bên cạnh đó, đất khu vực dự án là mặt biển có giá trị cao, nếu thu hồi mà không có chính sách đền bù hợp lý sẽ rất khó khăn. Nhiều hộ dân đã dừng sản xuất trong thời gian dài và chịu nhiều thiệt thòi. Do đó, tỉnh đề xuất bổ sung các chính sách hỗ trợ và giao địa phương chịu trách nhiệm thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận đề xuất áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở mức cao nhất theo quy định nhân (x) với 1,5 lần. Cùng với đó, cho áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đối với người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận mà đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận, như đối với đối tượng có giấy chứng nhận sử dụng đất.
Đây cũng là những nội dung đã được các đơn vị, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và có kiến nghị, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã họp thẩm tra bổ sung trình Quốc hội. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận mong muốn Quốc hội xem xét, để việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thật sự an toàn, thành công, nhân dân tin tưởng tuyệt đối, nhất là bà con vùng dự án di dời có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, tiếp thêm niềm tin, sự lan tỏa… để triển khai các dự án tiếp theo.
"Nhân dân vùng dự án chỉ có một nguyện vọng đó là đề nghị nơi ở mới của bà con phải thực sự tốt hơn, tốt nhất có thể, đời sống của bà con hiện nay và các thế hệ mai sau phải thật sự ổn định, ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là mong muốn và căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhân chuyến về thăm tỉnh Ninh Thuận và bà con vùng dự án vào đầu tháng 12/2024", Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận chia sẻ./.
Nguồn: https://reatimes.vn/du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-rat-can-ap-dung-chinh-sach-boi-thuong-ho-tro-tai-dinh-cu-o-muc-cao-nhat-202250217154602758.htm
09:38, 06/02/2025
06:55, 06/02/2025
08:57, 01/02/2025
09:47, 28/01/2025
09:19, 22/01/2025