19/01/2025 | 07:08 GMT+7, Hà Nội

Sau khi uống rượu, bia bao lâu mới được lái xe?

Cập nhật lúc: 12/01/2020, 16:00

Nhiều người thắc mắc sau khi uống rượu bao lâu cơ thể không còn nồng độ cồn, có thể tiếp tục tham gia giao thông mà không bị phạt.

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định rõ hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị nghiêm cấm. Nhiều người dân đang rất thắc mắc việc sau khi uống rượu bia bao lâu thì sẽ không còn kiểm tra được nồng độ cồn?

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ethanol hay rượu thông thường cơ bản là chất độc gây tổn thương não, đặc biệt là hệ thần kinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

"Bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu thì cũng đều có ảnh hưởng tới hệ thần kinh của người sử dụng, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn. Thời gian từ lúc uống rượu đến khi có xét nghiệm âm tính (không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở) khi kiểm tra thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: lượng rượu, nồng độ rượu, thời gian uống kéo dài, uống lúc đói...

Ngoài ra, còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý, bởi có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn, nhưng có người thì không. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Từ 1/1/2020, mức phạt hành chính cao nhất với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn có thể lên tới 8 triệu, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng

Vị chuyên gia của Trung tâm Chống độc cũng cảnh báo, hiện các thức ăn hay một số loại quả lên men cũng có thể có ethanol trong đó. Socola, thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng... một số đồ uống cũng có thể có một lượng ethanol.

Tuy nhiên, vấn đề này thì người dân hoàn toàn yên tâm bởi nồng độ cồn trong các loại thực phẩm đều không cao và bay hơi sau một thời gian ngắn. Cùng với đó, quy trình kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn của lực lượng chức năng hiện nay cũng rất chính xác.

Bác sĩ Nguyên cho biết thêm, ở một số nước trên thế giới thì việc test sàng lọc ban đầu nếu dương tính sẽ làm bước 2. Ở Việt Nam hiện nay, việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu và hơi thở cũng đang được thực hiện như vậy.

Tuy vậy, vị bác sĩ này cũng khuyến cáo, nếu chúng ta không may ăn phải những đồ ăn, thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông để tránh việc bị xử phạt oan.

Là cơ quan soạn thảo Luật Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là "uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe" hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể. Điều này phụ thuộc vào lượng bia rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân, từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu.

Theo bà Trang, thông thường đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường sau 1 giờ đồng hồ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa.

Đối với người khỏe mạnh, bình thường, không có bất cứ loại bệnh gì thì phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể, lúc đó mới có thể lái xe nếu như trước đó người này uống 1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 lon bia 330 ml, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%. Ngược lại, đối với những người có chức năng gan suy yếu hoặc những người có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì nồng độ cồn chuyển hóa sẽ lâu hơn nhiều.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo không có một tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại. Lý do là nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau, phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia khác nhau.

Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định. Theo nghiên cứu công bố trong Báo cáo về sử dụng rượu bia tại Cộng đồng Châu Âu năm 2012, nguy cơ tử vong do bệnh tật và tai nạn thương tích tăng lên đáng kể nếu một người uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn trong một ngày và nguy cơ tử vong tăng tương quan với mức độ uống.

Cơ quan y tế của Anh khuyến cáo để phòng chống tác hại do rượu bia gây ra, nam giới không nên uống quá 14 đơn vị trong một tuần.