18/01/2025 | 17:46 GMT+7, Hà Nội

Sau Covid-19, chọn đầu tư cổ phiếu bất động sản nào?

Cập nhật lúc: 04/05/2020, 09:00

Nếu cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp chờ đợi vào làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi Trung Quốc, thì nhóm vật liệu xây dựng lại ngóng đầu tư công.

Bất động sản khu công nghiệp hấp dẫn hơn sau Covid-19

Sàn chứng khoán khả năng sẽ có nhiều thay đổi đáng chú ý trong quý II và phần còn lại của năm 2020 dựa trên các gói hỗ trợ kích cầu nền kinh tế từ Chính phủ trước ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra một số nhóm ngành và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm dưới tác động suy giảm của giá dầu và dịch Covid-19. Một số nhóm ngành doanh nghiệp có thể kể đến được hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu như nhóm ngành phân bón với giá khí là một trong các nguồn nhiên liệu chính, săm lốp (cao su là nhóm nguyên vật liệu đầu vào), hóa chất, nhựa, thép (giá quặng sắt), xi măng (than).

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 là một cú hích tiếp theo sau chiến tranh thương mại khiến làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn. Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới, việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do dịch bệnh khiến sản xuất của các doanh nghiệp bị gián đoạn. Các nhà máy nhận ra sự cần thiết của việc đa dạng hóa (vị trí, danh mục sản phẩm), giảm phụ thuộc vào một quốc gia như Trung Quốc, doanh nghiệp lên kế hoạch dịch chuyển sang các nước lân cận.

Trong khi, với lợi thế vị trí địa lý, chi phí nhân công giá rẻ, ưu đãi thuê phí của Chính phủ và thu hút FDI từ các hiệp định kinh tế, Việt Nam được cho rằng sẽ là điểm đến hấp dẫn trong chuỗi dịch chuyển này. Một số ngành sẽ được hưởng lợi rõ nét như xây dựng và cơ sở hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp với những doanh nghiệp có quỹ đất lớn sẵn sàng đón đầu cơ hội.

Tuy nhiên BSC lưu ý tiến trình này có thể chậm lại vào năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 khiến việc thực địa, khảo sát bị trì hoãn, sau đó trở đi, làn sóng dịch chuyển vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh, thu hút nguồn vốn đầu tư mới vào Việt Nam, các doanh nghiệp (cơ sở hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng,…) sẽ có triển vọng tích cực về dài hạn.

Ngay trong khi dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư cũng đã quan tâm hơn đến nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Ảnh Internet

Báo cáo của Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), quý I/2020 cho biết, dịch bệnh khiến mọi phân khúc đều bị ảnh hưởng, trong đó nặng nhất là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và phân khúc bán lẻ, văn phòng cho thuê. Thậm chí, ngay cả phân khúc căn hộ, đất nền cũng bị thiệt hại do nhu cầu mua nhà giảm mạnh.

Tuy nhiên, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn “sống” tốt nhờ nhu cầu tìm kiếm vẫn ở mức cao. Thậm chí, trong quý I/2020, giá đất bình quân đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo mới công bố trong quý I/2020, giá đất bình quân đã tăng lên ngưỡng 9 USD/m2/chu kỳ thuê. Trong đó, nhà xưởng xây sẵn – lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4 - 5 USD/m2/tháng, và đều đã được lấp đầy.

Báo cáo của JLL cũng tiết lộ, sở dĩ giá đất bình quân của bất động sản công nghiệp tăng mạnh trong thời gian qua là do nhu cầu tìm kiếm vẫn đang ở mức cao. Trong đó, Bắc Ninh và Hải Phòng đang trở thành điểm nhấn của thị trường bất động sản miền Bắc với cơ sở hạ tầng tốt, nguồn cung lớn và có vị trí địa lý thuận tiện, giáp ranh với Trung Quốc.

Bên cạnh làn sóng dịch chuyển công xưởng từ Trung Quốc, các Hiệp định thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA), IPA cũng sẽ trở thành động lực thu hút các doanh nghiệp châu Âu tìm cơ hội mở nhà máy công nghiệp tại Việt Nam.

Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất - vốn đã được đẩy nhanh vì căng thẳng thương mại vào năm ngoái diễn ra nhanh hơn.

Trong bối cảnh này, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng khẳng định vị thế là điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp trong tương lai. Nhờ diễn biến đó, mà cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trong thời gian dịch bệnh.

Nhóm vật liệu xây dựng có thể hưởng lợi từ đầu tư công

Nhận định về cơ hội sau đại dịch, các nhà phân tích chứng khoán cho rằng, giải ngân đầu tư công dự kiến sẽ được đẩy mạnh triển khai hơn trong năm 2020 nhờ việc chuyển đổi 8 dự án từ hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

Tổng cộng vốn đầu tư công ngân sách Nhà nước ước tính khoảng 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực hiện giải ngân năm 2019. Một số ngành và doanh nghiệp có thể được hưởng lợi trực tiếp nhờ đầu tư công như thép, xi măng, nhóm vật liệu xây dựng, xây dựng, thi công điện, nhựa đường và một số ngành được hưởng lợi gián tiếp từ hạ tầng được triển khai như bất động sản và khu công nghiệp.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu liên quan đến thoái vốn từ SCIC, Theo danh sách thoái vốn dự kiến trong năm 2020, dự kiến SCIC sẽ thoái vốn tại 85 công tỷ cổ phần. Một số khoản đầu tư có giá trị lớn có thể chú ý lớn như Tổng công ty thép – VNsteel (94% vốn), Vinatex (53% vốn), BMI (51% vốn), BVH (3% vốn), FPT (6% vốn), NTP (37% vốn), TRA (36% vốn) và DMC (36% vốn).

Thép, xi măng,..sẽ bứt phá dần khi dịch kết thúc. Ảnh Internet

Một điểm đáng chú ý nữa là việc nâng hạng của Kuwait bị dời lại sang tháng 11 ảnh hưởng đến thời gian nhà đầu tư kỳ vọng thu hút từ dòng tiền khối ngoại. Với ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm để các nhà đầu tư nước chuẩn bị nguồn lực cũng như cân đối danh mục, MSCI đã tiến hành lùi thời hạn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi sang thời điểm tháng 11 thay vì tháng 5 như trước đó. Do đó, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ cận biên (Frontier) tiếp tục giữ nguyên dẫn đến thu hẹp về kỳ vọng thu hút dòng tiền khối ngoại từ việc tăng tỷ trọng này. Tuy nhiên BSC cho rằng vẫn có thể kỳ vọng vào khả năng đột biến Việt Nam được nâng hạng trong năm 2021.

Về ngân hàng, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngân hàng, bán lẻ và IT. Theo đó, riêng triển vọng nhóm ngân hàng sẽ không còn được quá lạc quan như đầu năm và trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt trong quý II, BSC cho rằng ngành ngân hàng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số ở mức 16,5%.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 10,5% và NIM có thể sẽ bị ảnh hưởng giảm do việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cuối cùng là hạn chót về lộ trình niêm yết của nhóm ngân hàng theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Tương tự, nhóm ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng do việc giãn cách xã hội và thói quen tiêu dùng thay đổi.

Thị trường chứng khoán tháng 4 hồi phục rất tốt từ mức đáy của VN-Index được xác lập vào cuối tháng 3. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, VN-Index đứng ở mức 769,11 điểm, tương ứng tăng 16,1% so với cuối tháng trước. HNX-Index cũng tăng 15,3% lên 106,84 điểm. UPCoM-Index tăng 9,38% lên 52,22 điểm.

Việc thị trường tăng tốt kéo theo sự hồi phục của nhiều nhóm ngành trong đó có nhóm bất động sản. Thống kê khoảng 112 mã bất động sản đang giao dịch trên thị cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM thì có đến 82 mã tăng, trong khi chỉ có 20 mã giảm giá. Đà tăng của nhiều cổ phiếu bất động sản cũng diễn ra rất mạnh. Trong số 82 mã tăng thì có đến 20 mã tăng giá trên 30%.