18/01/2025 | 19:21 GMT+7, Hà Nội

Sắp tăng mức xử phạt đối với những vi phạm nào?

Cập nhật lúc: 12/07/2016, 07:19

Kể từ ngày 1/8 tới đây, Nghị định 46/2016/NĐ-CP mới về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014 sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, một số lỗi vi phạm sẽ được điều chỉnh tăng mức phạt nhằm tăng sự răn đe, giáo dục.

Cụ thể, tăng mức phạt tiền đối với 194 hành vi vi phạm giao thông gồm 153 hành vi trên đường bộ và 41 hành vi trên đường sắt. 

Ngoài ra, Nghị định mới còn bổ sung nội dung tăng cường sự giám sát của nhân dân với quy định người dân có thể ghi hình các trường hợp vi phạm và gửi đến cơ quan công an. Nhà chức trách sẽ lấy đó làm căn cứ xác minh và xử lý người vi phạm.

Nghị định mới nâng mức phạt đối với một số sai phạm để nhằm tăng tính răn đe

Có thể kể đến một số điều chỉnh tăng mức phạt theo Nghị định mới:

Đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn: Nghị định 46/2016/NĐ-CP tăng mức phạt tiền tất cả hành vi của tài xế ô tô: Tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước GPLX 4-6 tháng.

Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3-5 tháng.

Đối với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt cũng tăng cao. Theo đó, người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 500.000 - 1 triệu đồng thay vì mức 200.000 - 400.000 đồng trước đây. 

Nghị định cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng.

Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây TNGT sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. 

Cũng theo Nghị định mới, người dân khi quay được hình ảnh vi phạm giao thông có thể phản ánh hoặc gửi cho các phòng cảnh sát tại các địa phương hoặc liên lạc với Cục Cảnh sát giao thông theo đường dây nóng 069.2342608 hoặc Email: [email protected].

Người cung cấp thông tin được giữ kín danh tính. Quá trình tiếp nhận thông tin, phòng các đội, phòng tuyên truyền của các phòng, Cục CSGT sẽ xác minh biển số xe và mời chủ phương tiện lên làm việc.

Nội dung chi tiết Nghị định số 46/2016/NĐ-CP xem tại đây