19/01/2025 | 09:32 GMT+7, Hà Nội

Sắp bán đấu giá “cụ sưa” trăm tỷ, dân buôn gỗ không dám... mạo hiểm

Cập nhật lúc: 11/10/2018, 11:00

Nhiều đại gia cũng như dân buôn gỗ sưa đã thẳng thắn nêu lý do vì sao không còn hào hứng với “cây sưa 100 tỷ” ở ngoại thành Hà Nội.

Nguyện vọng của người dân là cây sưa mọc trong khuôn viên nhà chùa, thuộc về tâm linh nên nếu bán đi sẽ dùng số tiền này để thực hiện các công trình phúc lợi trên địa bàn xã.

Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc cây sưa cổ thụ trên 100 tuổi tại thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ sau khi Hà Nội có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp để hướng dẫn người dân khai thác cây sưa.

Được biết, cây sưa này cách đây khoảng 8 năm đã có người hỏi mua với giá 100 tỷ đồng nhưng khi đó dân làng Phụ Chính kiên quyết không cho bán. Một cành dài khoảng 3m của cây cũng đã bán đấu giá được 31 tỷ đồng.

 Cây sưa nằm gần cổng chùa làng Phụ Chính, xã Hòa Chính, Chương Mỹ có tuổi đời trên 130 năm. Ảnh: PV

Cây sưa nằm gần cổng chùa làng Phụ Chính, xã Hòa Chính, Chương Mỹ có tuổi đời trên 130 năm. Ảnh: PV

Là người nổi tiếng trong giới buôn sưa, ông Nguyễn Văn Hùy (đại gia gỗ ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh) tỏ ra thờ ơ, không hào hứng với thông tin trên.

Ông Hùy được biết đến sau vụ thu mua thành công cây gỗ sưa trị giá 26 tỷ đồng ở đình làng Đông Cốc (Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh). Nói về thông tin Hà Nội bán cây sưa 100 tỷ ông Hùy cho rằng giá đó là phi lý.

Ông phân tích, cây sưa ở thôn Phụ Chính đang bị mối mọt, khô mục nhiều phần trên thân cây. Vì thế, giá trị của cây sưa sẽ bị giảm đi rất nhiều. Chưa kể, phần gỗ mối mục, bị chết khô đã mất nhựa cây nên màu gỗ sẽ kém, không được đẹp nên giá trị sẽ giảm.

Hơn nữa vài năm trở lại đây, thị trường gỗ sưa đã bão hòa, giá gỗ sưa không còn nóng như nhiều năm trước nữa. Các chủ thu mua Trung Quốc cũng không còn ráo riết săn đón mặt hàng này như trước, giá cũng đã giảm nhiều.

 Do mức độ đắt đỏ của cây nên để tránh mất trộm, người dân phải quấn dây thép bảo vệ cây sưa.

Do mức độ đắt đỏ của cây nên để tránh mất trộm, người dân phải quấn dây thép bảo vệ cây sưa.

Một lý do nữa khiến ông Hùy và nhiều dân buôn gỗ sưa không hào hứng với “cây sưa 100 tỷ” này vì trước đó, người dân thôn Phụ Chính đã bán 1 nhánh của cây sưa này giá 20,5 tỷ đồng cho ông Dương Văn Thái (Đồng Kỵ, Bắc Ninh).

Khi ông Thái vận chuyển cây ra khỏi làng thì bị lực lượng chức năng thu giữ. Sau đó, chính quyền đem bán đấu giá số cây thu giữ được hơn 30 tỷ đồng. Sự việc này khiến cho dân buôn gỗ không dám mạo hiểm, sợ lại dính vào lùm xùm như ông Thái trước đó mắc phải.

 Gốc và thân cây nhiều đoạn đã bị mục nát do mối mọt.

Gốc và thân cây nhiều đoạn đã bị mục nát do mối mọt.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Minh (Hoài Đức, Hà Nội) chuyên buôn các loại gỗ thịt lâu năm, gỗ thịt nhập khẩu cho biết: “Cây sưa có nhiều loại giá, đắt nhất là sưa đỏ lõi đỏ. Loại này hiện tại có giá khoảng 15 - 20 triệu đồng/kg cho cây 40 năm tuổi. Trên 40 tuổi giá còn phụ thuộc vào niên đại của cây”.

Theo ông Minh, cây sưa trên trăm tuổi sẽ cho giá trị khoảng vài chục tỷ là chuyện bình thường. Nhưng nếu cây muốn có giá đến trăm tỷ sẽ phải là cây đại cổ thụ khỏe mạnh xanh tốt, đường kính trên 50cm, gỗ tốt từ gốc đến ngọn.

 Cây sưa đỏ nằm trong khuôn viên chùa làng Phụ Chính.

Cây sưa đỏ nằm trong khuôn viên chùa làng Phụ Chính.

“Người ta bỏ số tiền khổng lồ như thế để mua cây lấy gỗ là không chỉ mang tính chơi, thưởng thức mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh phong thủy. Chưa kể cây đã chết thì có đoạn gỗ dùng được, có đoạn mất lõi, mọt lõi thì vứt đi làm gỗ tạp, giá từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng/kg”, ông Minh bình luận.

Ông Minh cho biết thêm, gỗ sưa cách đây 10 năm - 20 năm rất có giá, nhưng vài năm trở lại đây giá cũng xuống nhiều vì cơn sốt gỗ sưa đã hết, mà gỗ cũng chẳng còn để bán. Chưa kể người chơi gỗ sưa và làm gỗ sưa còn liên quan đến rất nhiều vấn đề vì luật cấm mua bán, vận chuyển, xuất khẩu trái phép.

 Phần gốc của cây gỗ sưa.

Phần gốc của cây gỗ sưa.

Trong khi đó, ông Phí Văn Hải (Thạch Thất, Hà Nội), một người buôn gỗ và chế tác gỗ mỹ nghệ có tiếng tại khu vực cho hay: “Cái cây nó khác con người, nó không có trường hợp chết đột tử những sẽ chết dần từ gốc. Nếu cây bị mối mọt đến mục gốc, mục thân mà chết thì muốn dùng gỗ cây đó, thợ buôn phải khoan thử xem mọt vào đến lõi gỗ chưa”.

Theo ông Hải, nếu cây đã chết vào trong lõi thì chỉ có mỗi nước xẻ thành khúc, thành tấm rồi bán từng phần một chứ không thể bán nguyên cây được. Bán nguyên cây tính rủi ro cao mà giá trị sẽ không được như mong muốn.

 Bên cạnh cây sưa 130 năm tuổi ở chùa Phụ Chính vẫn còn một cây sưa cũng có tuổi đời gần trăm năm tuổi. Vào năm 2010, cây sưa này cũng từng được thương lái đến trả giá gần 50 tỷ đồng.

Bên cạnh cây sưa 130 năm tuổi ở chùa Phụ Chính vẫn còn một cây sưa cũng có tuổi đời gần trăm năm tuổi. Vào năm 2010, cây sưa này cũng từng được thương lái đến trả giá gần 50 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có nguyện vọng bán đấu giá cây sưa đỏ trăm tỉ để phục vụ chi phí cho việc tâm linh và các công trình phúc lợi của thôn, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo xử lý.

Theo văn bản do Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn ký, xét báo cáo số 612/BC-UBND ngày 20/9 của UBND huyện Chương Mỹ đề xuất việc xử lý số tiền giai đoạn 2 dự án trùng tu, tôn tạo chùa Vĩnh Phúc và khai thác số gỗ sưa còn lại ở thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính Hà Nội. UBND huyện Chương Mỹ sẽ hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính và triển khai thực hiện theo quy định.

Thành phố Hà Nội cũng giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm thành phố phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ, các đơn vị liên quan hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính trình tự thủ tục cụ thể để khai thác, sử dụng đối với gỗ sưa, cây sưa còn lại theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND thành phố trước 20/10.

 

Nhật Tân