18/01/2025 | 19:19 GMT+7, Hà Nội

Sản xuất khẩu trang: Cơ hội trước mắt hay hướng đi lâu dài?

Cập nhật lúc: 04/05/2020, 07:20

Sản xuất khẩu trang trở thành giải pháp để các DN dệt may có thể duy trì hoạt động sản xuất, giảm bớt thiệt hại do Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, đây là cơ hội trước mắt hay hướng đi lâu dài còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Lời tòa soạn:

Thời gian gần đây, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng khẩu trang phòng dịch tăng cao, dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp trục lợi, đặt lợi ích kinh tế lên trên những quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Trên tinh thần thượng tôn người tiêu dùng, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề xung quanh câu chuyện “chiếc khẩu trang” thời Covid-19. Thông qua đó, mỗi người tiêu dùng sẽ nhận thức thông thái hơn, tránh mua phải các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường và cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Do những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các ngành kinh tế nói chung và ngành dệt may Việt Nam nói riêng đã và đang phải đối mặt với những "cú sốc kép". Tháng 2/2020, khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam bị gián đoạn, tạm dừng nguồn cung nguyên liệu. Khi nguồn cung được "mở cửa" lại vào tháng 3 thì dịch tiếp tục bùng phát tại châu Âu, Hoa Kỳ khiến các đơn hàng xuất/nhập khẩu bị hoãn hoặc hủy.

Ngành dệt may "gồng mình" trước đại dịch Covid-19 (Nguồn: Forbes VN)

Theo thống kê, thiệt hại ước tính với ngành dệt may lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020. Nếu tình hình kéo dài thêm thì mỗi tháng ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng. Giả thiết dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính ngành dệt may Việt Nam thiệt hại 11.000 tỷ đồng.

Trước những khó khăn đó, sản xuất khẩu trang (khẩu trang vải, khẩu trang y tế, khẩu trang y tế) trở thành một giải pháp "cứu cánh" để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng. Thế nhưng, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Việt Nam - đại công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới?

Ngành dệt may chịu khủng hoảng chưa từng có trước đại dịch nhưng cũng tìm được cơ hội chưa từng có khi có thể có khả năng trở thành "đại công xưởng" khẩu trang của thế giới khi sự thiếu hụt mặt hàng này là rất lớn ở châu Âu, Mỹ - những nước thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khẩu trang là sản phẩm không đòi hỏi đầu tư nhiều, về cơ bản nhà xưởng, thiết bị và công nhân ở các doanh nghiệp dệt may đều có thể làm được khẩu trang. May một chiếc khẩu trang khá đơn giản với một số công đoạn như xếp, cắt vải, may diềm, may quai, kiểm tra và đóng gói nên hiện nay, nhiều công ty vốn chỉ sản xuất quần áo, chăn ga gối, hay thậm chí ngành nghề khác, cũng mở rộng các dây chuyền để làm khẩu trang phòng chống Covid-19. Chính vì thế, khả năng sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì có thể xuất khẩu.

Sản xuất khẩu trang - một giải pháp "cứu cánh" để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất (Ảnh minh họa)

Theo Cục Công nghiệp, tính riêng 50 doanh nghiệp đã báo cáo Bộ Công Thương về năng lực sản xuất khẩu trang vải đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tương đương 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều. 

Trước đây, nếu như doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn thì hiện nay một số đơn vị đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay còn có thể nâng cao hơn nữa.

Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, trong tháng 4/2020, Tổng công ty thiếu hụt gần 30% đơn hàng: "Sản xuất khẩu trang là việc "chẳng đừng" vì không thể so với giá trị sản xuất hàng may mặc. Tuy nhiên, vì nỗ lực bảo đảm việc làm cho 12.000 công nhân lao động nên doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi để thích ứng".

Song song với mấy khẩu trang vải, doanh nghiệp cũng đã quyết định sản xuất thêm khẩu trang y tế. Hiện có một đối tác lớn đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu trong năm 2020). Đồng thời, có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế.

Việt Nam đủ năng lực trở thành "đại công xưởng" sản xuất khẩu trang của thế giới (Ảnh: Tuổi trẻ)

Một số đơn vị khác trong nước cũng nhận được đơn hàng “xuất ngoại". Trước nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng cao dẫn đến khả năng khan hiếm mặt hàng này, TNG đã tiến hành sản xuất khẩu trang với năng lực dự kiến 50.000-60.000 chiếc/ngày. Ngoài ra, năng lực sản xuất khẩu trang vải của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng lên tới 100 triệu chiếc/tháng. Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG khẳng định, cánh cửa sang Mỹ của khẩu trang vải kháng khuẩn cũng đang rộng.

Quy trình để khẩu trang được cấp giấy chứng nhận CE cực kỳ phức tạp, nhưng bao gồm 3 điểm chính:

- Sản phẩm hoàn thành các yêu cầu của chỉ thị sản phẩm châu Âu

- Đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và hiệu suất hài hòa được công nhận của Châu Âu

- Phù hợp với mục đích của nó và sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc tài sản.

Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (Bộ Công thương) lưu ý, để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu về mặt hàng này. Bộ Công thương lấy ví dụ như tiêu chuẩn dán nhãn CE (theo quy định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE để xuất khẩu đến từng quốc gia cụ thể.

Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới, không chỉ trong mùa dịch Covid-19 này mà cả trong tương lai hay không, Bộ Công thương khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới nhưng cần phải tỉnh táo.

Sản xuất khẩu trang: Cơ hội trước mắt hay hướng đi lâu dài?

Khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu khẩu trang cũng sẽ giảm. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.

Cần phải nhìn nhận thực tế, trước mắt, khẩu trang chỉ mang tính thời vụ giữa dịch Covid-19. Để kỳ vọng trở thành “đại công xưởng” sản xuất khẩu trang của thế giới, Việt Nam còn phải tính đường dài rất nhiều dù những đơn hàng sản xuất mặt hàng khẩu trang thời điểm này có giảm bớt phần nào áp lực cho ngành dệt may. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang nhưng con số còn rất ít.

“Chúng ta có thể sản xuất và thậm chí đẩy mạnh xuất khẩu ở hiện tại nhưng đó không nên là một chiến lược tương lai. Không ai biết khi nào dịch xảy ra. Lấy một nhu cầu ngắn hạn để làm cơ sở cho một chiến lược dài hạn là một sai lầm”, TS. Quách Mạnh Hào - đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế Việt Nam tại Anh nhận định.

Theo Bộ Công thương cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển hướng đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, để tìm kiếm nguồn đơn hàng xuất khẩu, cơ hội kinh doanh trong mùa dịch Covid-19. "Việc sản xuất đại trà khẩu trang mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác”, Bộ Công thương nhấn mạnh.

CE (được viết tắt từ Conformité Européenne - Theo tiếng Pháp. Dấu CE là cực kỳ quan trọng, một sản phẩm đạt chứng nhận CE mới đủ điều kiện được phép lưu thông tại châu Âu.

Để tính đường dài, các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang cũng cần lưu ý thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn để đáp ứng, xin giấy chứng nhận phù hợp để thuận lợi cho việc xuất khẩu.

"Việt Nam có đủ năng lực để có thể trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố như: Trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này. Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ thêm về vấn đề này.

Cấu tạo 4 lớp của một khẩu trang y tế đạt chuẩn (Nguồn: Internet)

Trước đó, khi dịch Covid-19 "gõ cửa" Việt Nam, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác đến làm việc ngay với các doanh nghiệp dệt may, nắm bắt tình hình và quy mô sản xuất khẩu trang vải. Đồng thời, Bộ cũng tổ chức kết nối các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn để đẩy mạnh tiêu thụ khẩu trang vải ở trong nước. 

Thông qua những thông tin hữu ích về Covid 19 và câu chuyện xung quanh chiếc khẩu trang phòng dịch, trên tinh thần thượng tôn người tiêu dùng, chúng tôi hy vọng người tiêu dùng sẽ nhận thức thông thái hơn, tránh mua phải các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường và cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.