22/01/2025 | 18:09 GMT+7, Hà Nội

Sai phạm “rõ như ban ngày”, vì sao chưa bị xử lý?

Cập nhật lúc: 18/10/2018, 20:10

Luật sư cho rằng, việc “mổ xẻ” đất quy hoạch dự án Công viên thể thao cây xanh Hà Đông để cho thuê và xây dựng các công trình kiên cố là có dấu hiệu sai phạm rõ ràng. Theo đó, để giải quyết tình trạng này, cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát.

 Như Reatimes đã phản ánh trong bài viết “Doanh nghiệp vô tư làm xiếc, công viên thành tụ điểm ăn chơi”, hàng nghìn mét vuông đất công tại Dự án công viên cây xanh Hà Đông đang bị chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông “xẻ thịt” cho các doanh nghiệp thuê với mức giá bèo 5.000 đồng/m2/năm (đơn giá cho thuê đất được tính bằng giá thuê đất nông nghiệp).

Điều đáng nói, mặc dù chỉ được phép xây dựng các công trình bằng vật liệu khấu hao nhằm mục đích khai thác tạm để tránh bị lấn chiếm, lãng phí, tuy nhiên, các doanh nghiệp lại đầu tư xây dựng các công trình kiên cố để kinh doanh thu lời, đi ngược lại chỉ đạo của UBND thành phố.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 7/4/2017, UBND quận Hà Đông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng và buộc phải tháo dỡ công trình kiên cố nhưng cho đến nay, các sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, không có dấu hiệu nào của việc tháo dỡ thu hồi.

Khu đất được quy hoạch làm công viên thể thao Hà Đông đang bị

Khu đất được quy hoạch làm công viên thể thao Hà Đông đang bị "xẻ thịt" thành các nhà hàng, sân golf kiên cố.

Bàn về vấn đề này, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Minh Bạch khẳng định, các doanh nghiệp thuê đất của Dự án Công viên cây xanh Hà Đông có nhiều dấu hiệu sai phạm rõ ràng khi cho thuê đất làm các nhà hàng, nhà kho, kiốt kiên cố..., trái với mục đích sử dụng đất ban đầu.

“Những hành vi thuộc trường hợp vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng có thể là: xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng, xây dựng công trình sai quy hoạch, tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép hoặc sai phép. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với mỗi hành vi trên có thể lên đến 50.000.000 đồng, buộc cưỡng chế, phá dỡ”, luật sư cho hay.

Quy định là thế, tuy nhiên vì sao đến nay những sai phạm “rõ như ban ngày” này vẫn chưa bị xử lý, theo luật sư Trần Tuấn Anh, còn nhiều câu chuyện bên trong cần phải bàn đến.

Theo ông Tuấn Anh, doanh nghiệp khi tiến hành thực hiện dự án hầu hết đều có chuyên gia về pháp lý tư vấn, nên việc nắm bắt pháp luật đối với họ là chắc chắn. Bản thân các doanh nghiệp biết rõ việc đất thuê sử dụng, quản lý tạm, có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào hay bị hạn chế kinh doanh, cấm xây dựng công trình kiên cố nhằm phục vụ mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, các công trình kiên cố vẫn vô tư được xây dựng không phải vì chế tài, quy định không đủ sức răn đe mà do “họ biết những cơ quan có thẩm quyền, những người thực thi pháp luật có thể vì một vài lý do, một cách vô tình hay cố ý không làm tròn trách nhiệm của mình trong việc xử lý những hành vi vi phạm kể trên. Vì vậy, những hành vi vi phạm này vẫn còn đang tiếp diễn”.

Bên cạnh đó, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, việc xử lý sai phạm lẽ ra phải thực hiện ngay từ lúc mới manh nha hình thành, còn đã để doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng để xây dựng thì việc tháo dỡ, xử lý sai phạm vốn đã khó lại càng khó hơn.

“Quan trọng là sự quản lý của chính quyền ngay từ đầu. Còn khi đã để các công trình kiên cố xây lên thì rất khó xử lý bởi doanh nghiệp có thể bị mất trắng số tiền vốn đã bỏ ra đầu tư và phải chịu nhiều chi phí về phá dỡ, khôi phục lại nguyên trạng của đất, thiệt hại là rất lớn”, luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Việc kéo dài tình trạng cho thuê, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích tại khu đất quy hoạch dự án Công viên thể thao cây xanh Hà Đông đang kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết là việc quỹ đất công của nhà nước bị thất thoát, giá trị đất đai không được khai thác đúng mục đích, số tiền chênh lệch từ việc cho thuê, mua bán đất tại đây nghiễm nhiên rơi vào túi một nhóm lợi ích còn tiền nộp vào ngân sách chỉ là một phần rất nhỏ.

Đáng nói hơn, trong khi thành phố đang “khát” không gian xanh, khu sinh hoạt cộng đồng thì vẫn còn những diện tích đất bị “xẻ thịt” gây lãng phí, thất thoát và chưa biết đến bao giờ quỹ đất này mới được hoàn trả trở lại đúng chức năng của nó.

Có thể khẳng định, việc để cho doanh nghiệp bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kinh doanh cùng với sự buông lỏng, có phần “dễ dãi” trong việc quản lý, giám sát của chính quyền đã khiến cho bài toán này càng trở nên khó giải quyết.

Trước những sai phạm đang ngày một gia tăng mức độ này, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của chính quyền quận Hà Đông cũng như UBND TP. Hà Nội ở đâu? Và bao giờ khu đất hơn 50ha này mới được trở lại nguyên trạng?