Sai lầm khiến con mắc bệnh sởi càng trầm trọng thêm
Cập nhật lúc: 20/02/2019, 15:40
Cập nhật lúc: 20/02/2019, 15:40
Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu bệnh sởi. Ảnh: N.Mai
Hơn 1.000 ca mắc sởi từ đầu năm tới nay
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2018, trên thế giới, bệnh sởi vẫn ghi nhận tại 184/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt có sự gia tăng số mắc tới 2,6 lần tại khu vực châu Âu, trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi. Tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn, nơi tập trung đông dân cư.
Trên thực tế, thống kê từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tháng đầu năm, thành phố đã ghi nhận 114 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc sởi xuất hiện rải rác trên địa bàn, chủ yếu tập trung vào đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi. Còn tại TPHCM, tính từ đầu tháng 1/2019 đến ngày 10/2, toàn thành phố cũng đã ghi nhận tới 978 bệnh nhân sởi, trong đó, đáng chú ý 95% bệnh nhân mắc sởi đều chưa được tiêm phòng. Như vậy, theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 1.000 trường hợp mắc sởi phải vào viện điều trị.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, dịch sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm/lần, do đó, năm 2019 nằm trong chu kỳ dịch. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng ở nước ta khá thấp do số người chưa tiêm vaccine phòng sởi vẫn còn cao. Mặt khác, quá trình dịch chuyển, giao lưu, buôn bán giữa các địa phương trên cả nước sẽ khiến cho nguy cơ bùng phát dịch tăng cao nếu như không có các biện pháp phòng ngừa cũng như khống chế dịch thật tốt.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sởi là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp do virus gây ra. Khả năng lây nhiễm của virus sởi rất mạnh. Do đó, những người chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ vaccine sởi nếu không may nhiễm phải virus gây bệnh thì 90% sẽ mắc bệnh sởi.
Khi mắc bệnh sởi, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng ban đầu như: Mắt đỏ, chảy nước mắt, sốt nhẹ, ho khan. Sau đó, bệnh nhân sốt cao và bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ. Các nốt ban mọc từ đầu, mặt, cổ rồi lan xuống ngực, lưng, cánh tay và cuối cùng là ở bụng, đùi, chân. Nếu được điều trị đúng cách và dinh dưỡng hợp lý, bệnh nhân sẽ nhanh hồi phục và không để lại di chứng. Tuy nhiên, với một số trường hợp do không được điều trị kịp thời hoặc kiêng khem quá mức, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, viêm loét giác mạc, tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa…
Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai mắc sởi, nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng khá lớn. Theo đó, nếu thai phụ mắc sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể gây dị dạng thai nhi hoặc sẩy thai. Trong 3 tháng giữa nguy cơ dị dạng thai ít hơn, nhưng vẫn có thể gây thai lưu, sẩy thai. Nếu mắc sởi ở thời điểm 3 tháng cuối thì không gây dị dạng thai nhưng có thể gây đẻ non, thai chết lưu, ảnh hưởng tới tính mạng cả mẹ và thai nhi.
Tránh nhầm lẫn sởi với phát ban thông thường
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), về cơ bản, đa phần bệnh nhân mắc sởi thông thường có thể điều trị ngoại trú tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ là bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, một số bố mẹ khi thấy con bị sốt, phát ban, chưa tìm hiểu kỹ về bệnh sởi đã lập tức đưa con đến bệnh viện. Điều này thực chất không cần thiết vì gia tăng nguy cơ trẻ bị lây chéo các bệnh truyền nhiễm từ các trẻ khác.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, bố mẹ cần biết cách phân biệt đâu là bệnh sởi, đâu là sốt hoặc phát ban thông thường, từ đó có cách điều trị cho hợp lý, tránh việc điều trị sai bệnh, khiến tình trạng của trẻ càng trầm trọng thêm. Theo đó, với trường hợp bị sốt phát ban thông thường, triệu chứng hay gặp là người bệnh bị nổi đồng loạt khắp cơ thể những nốt nhỏ màu hồng hoặc đỏ mịn, ẩn dưới bề mặt da. Khi nốt ban “bay” hết, da bệnh nhân sẽ trở về bình thường, không để lại vết thâm hoặc sẹo.
Còn với trường hợp bị bệnh sởi, nốt ban xuất hiện ở từng bộ phận, sau đó vài ngày mới lan xuống toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi “bay” sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.
Bên cạnh việc xác định chính xác bệnh sởi để có biện pháp điều trị phù hợp, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ cũng nên tránh những sai lầm hay mắc khi chăm sóc trẻ bị bệnh sởi để hạn chế làm bệnh trầm trọng thêm. Chẳng hạn, khi thấy trẻ bị sởi, người lớn thường có quan niệm phải kiêng gió, kiêng nước bằng mọi cách cho trẻ, kể cả việc trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể hàng ngày cho trẻ. Việc làm này sẽ khiến trẻ không những không hạ sốt mà còn có khả năng bị sốt cao hơn. Kèm theo đó, việc kiêng không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng da và gây các biến chứng bội nhiễm vi khuẩn nếu tình trạng quá nặng.
Chính vì vậy, với những trẻ mắc sởi, bố mẹ cần thường xuyên rửa mặt, lau miệng và vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ; nhỏ nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt, mũi được bác sĩ chỉ định để vệ sinh mũi, mắt cho trẻ hàng ngày. Bên cạnh đó, cho trẻ nằm ở phòng thoáng, tránh gió lùa; đeo khẩu trang khi trò chuyện, tiếp xúc với trẻ và phải cách ly với những trẻ khác. Trong giai đoạn bị bệnh sởi, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá và uống nhiều nước hoa quả sẽ cung cấp năng lượng giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ. Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như các loại thủy hải sản có vỏ. Ngoài ra, khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú sữa mẹ nhiều hơn.
Trong thời gian phát bệnh, cần đặc biệt chú ý, nếu thấy trẻ sốt cao liên tục >39 độ, kèm theo khó thở, thở nhanh, mệt mỏi, chán ăn, li bì, mắt lờ đờ hoặc phát ban toàn thân mà vẫn sốt cao… thì cần lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.
Để tránh lây lan dịch sởi trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp như: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Che miệng khi ho, hắt hơi. Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch Cloramin B. Các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vaccine sởi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh sởi. Do đó, khi đến độ tuổi tiêm sởi, bố mẹ cần đưa con em mình đến cơ sở y tế để tiêm vaccine. Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng.
Mai Thùy
11:01, 12/02/2019
03:31, 24/01/2019
09:00, 17/01/2019