19/01/2025 | 02:37 GMT+7, Hà Nội

Rét đậm kéo dài, người bị đột quỵ nhập viện tăng 10-20%

Cập nhật lúc: 05/01/2019, 02:30

Hà Nội đang trong những ngày rét sâu khiến cho lượng bệnh nhân đột quỵ, tim mạch tăng đột biến.

PGS.TS Mai Duy Tôn - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 160 bệnh nhân, trong đó 30-40% bị đột quỵ. Trong những ngày qua, số bệnh nhân đến cấp cứu giảm còn 130-140 bệnh nhân, song người đột quỵ chiếm tới 40%, tương đương 40-55 người mỗi ngày.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân đột quỵ gia tăng là do miền Bắc đang trong giai đoạn rét đậm, rét hại. Ngoài ra, số bệnh nhân bị các bệnh hô hấp, tim mạch, thần kinh cũng tăng nhiều. So với ngày thường, thời gian này, bệnh nhân đột quỵ tăng20%, số ca phải can thiệp cấp cứu và tử vong cũng cao hơn.

"Đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, loạn nhịp tim, bệnh van tim... Khi trời lạnh sẽ gây co thắt mạch làm bất ổn các yếu tố nguy cơ, là nguyên nhân gây đột quỵ”, PGS Tôn giải thích.

Rét đậm kéo dài, người bị đột quỵ nhập viện tăng 10-20%

Điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, "thời gian vàng" để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là 6 giờ đầu. Thống kê trong năm 2016, tỷ lệ bệnh nhân đến khung giờ vàng được điều trị tái thông bằng thuốc chỉ chiếm 1,5% bệnh nhân. Con số này tăng lên 2,5% trong 2017 và đến năm 2018 trong tổng số gần 7.000 bệnh nhân được điều trị, số bệnh nhân đến viện vào giờ vàng đã tăng lên 3,5%.

Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ bệnh nhân đến sớm cao hơn, khoảng 5 – 7% bệnh nhân vào điều trị "trong giờ vàng". Chia sẻ thêm thông tin, PGS.TS Nguyễn Văn Chi vẫn bày tỏ đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân nhập viện muộn do những suy nghĩ sai lầm.

“Rất nhiều người nhà bệnh nhân khi được hỏi vì sao giờ này mới đưa bệnh nhân đột quỵ đến nhập viện thì họ bảo nghe nói đột quỵ phải nằm yên một chỗ nên không đưa đi ngay. Đây là nhận thức hết sức sai lầm. Theo nguyên lý không để bệnh nhân vận động là áp dụng đối với bệnh nhân có thể đi được, vì nếu vận động bệnh nhân có thể ngã, bệnh thêm nặng. Còn với bệnh nhân đột quỵ nói chung thì phải đặt bệnh nhân lên cáng hoặc đưa lên ô tô cấp cứu. Lúc đó, xe ô tô hoạt động, chứ bệnh nhân có hoạt động đâu?!”, PGS Chi nói.

Theo các chuyên gia, cách đơn giản nhất để ai cũng có thể nhận biết được dấu hiệu đột quỵ là yêu cầu người bệnh Nói – Cười – Giơ tay, chân:

- Nói: Có biểu hiện nói ngọng, khó nói, nói không tròn vành rõ chứ, không nói được.

- Cười: Mồm méo, lệch một bên.

- Giơ tay chào, nhấc chân: Không giơ được tay lên để chào hoặc giơ hai tay lên ngang vai nhưng 1 bên tay bị sệ hơn. Nhấc chân lên nhưng không nhấc được hoặc nhấc khó…

Nếu có 3 dấu hiệu này thì chính là đột quỵ và cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để tránh bị đột quỵ, mọi người nên giữ ấm, tránh cơ thể lạnh đột ngột, đặc biệt giữ ấm ngực và chân. Lưu ý, người dân không nên tập thể dục vào sáng sớm hoặc tối ở ngoài trời. Mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ phát hiện những bệnh lý sớm về tim mạch, tiểu đường, huyết áp; kiểm soát cholesterol trong máu, thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động rèn luyện thể chất, ổn định trọng lượng cơ thể, bỏ thuốc lá…