19/01/2025 | 02:32 GMT+7, Hà Nội

Những lưu ý “cơ hội vàng” để xử trí bệnh đột quỵ

Cập nhật lúc: 08/12/2018, 21:00

Thời tiết đang có sự thay đổi thất thường, lúc nóng, lúc lạnh. Đây là thời điểm các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo rất dễ gây đột quỵ, đặc biệt ở người cao tuổi. Khi bệnh nhân bị đột quỵ cứ 1 phút lại có 2 triệu tế bào thần kinh mất đi. Theo các chuyên gia, thời gian “vàng” để đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế là trong 6 giờ đầu, đặc biệt, đối với bệnh nhân xuất huyết não.

  Thời gian “vàng” để đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế là trong 6 giờ đầu. Ảnh: T.L

Thời gian “vàng” để đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế là trong 6 giờ đầu. Ảnh: T.L

50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong

GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 6 người thì có 1 người tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ. Trong đó, đột quỵ do nhồi máu não chiếm từ 80-85% các trường hợp, là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến nhất là những người có tiền sử bệnh lý tiểu đường, tim mạch, huyết áp, hay tăng Cholesterol máu, hút thuốc lá...

Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý do tổn thương mạch máu não. Bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần của não bộ bị ngừng trệ đột ngột. Đột quỵ có thể xảy ra do 2 nguyên nhân: Do nhồi máu não (tắc mạch) làm ngừng trệ dòng máu lên nuôi não hoặc chảy máu não (vỡ mạch) làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài tràn vào mô não phá hủy và chèn ép mô não.

Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư trên toàn thế giới, đứng hàng đầu về tàn tật ở người trưởng thành, là thảm họa cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, là gánh nặng kinh tế cho toàn xã hội.

Theo WHO, tại Việt Nam đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Mỗi năm, nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi.

Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, đột ngột, có tính chất nguy hiểm cao. Bệnh có thể khiến cho phần não liên quan bị tổn thương, không thể hoạt động được. Người bị đột quỵ rơi vào tình trạng bỗng dưng đổ gục xuống, hôn mê, đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí tử vong. Chính vì tính chất nguy hiểm của căn bệnh này, nên việc phòng ngừa nguy cơ xảy ra đột quỵ rất quan trọng. Đồng thời, việc phát hiện sớm những dấu hiệu của chứng bệnh này là cực kỳ quan trọng để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm của bệnh, rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Nói cách khác điều trị đột quỵ phải đạt được 2 mục tiêu: “Hạn chế tàn tật và giảm tỷ lệ tử vong” theo phương châm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, điều trị tích cực, toàn diện và dự phòng là cơ bản.

Lưu ý giờ “cao điểm”

 Đặc biệt, đối với bệnh nhân xuất huyết não, việc cấp cứu trong thời gian này càng quan trọng.

Đặc biệt, đối với bệnh nhân xuất huyết não, việc cấp cứu trong thời gian này càng quan trọng.

Khi đột quỵ xảy ra, việc chẩn đoán nhanh, kịp thời, làm việc theo nhóm, chăm sóc và điều trị đúng từ các tuyến ban đầu theo từng giai đoạn cần phải hết sức khẩn trương để đem lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh.

Thời gian “vàng” để đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt, đối với bệnh nhân xuất huyết não việc cấp cứu trong 6 giờ đầu càng quan trọng hơn vì bệnh nhân bị chảy máu nếu để lâu thì máu càng chảy nhiều hơn, đe dọa tính mạng càng nghiêm trọng.

“Đột quỵ xảy ra đột ngột theo phút, theo giờ. Vì thế, khi bệnh nhân có các dấu hiệu như: đột ngột mất thị lực, không nhìn thấy một hoặc cả hai bên mắt; đột ngột nói khó, méo miệng, không thể nói được; bệnh nhân đột ngột yếu tê bì, giảm vận động một hoặc hai bên cơ thể; đột ngột đau đầu dữ dội chưa bao giờ gặp phải. Ngoài ra, bệnh nhân có thể chóng mặt, dấu hiệu tiền đình nếu nghi ngờ đột quỵ nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất”, PGS Mai Duy Tôn – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo.

PGS.TS Vũ Đăng Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay với những bệnh nhân đến sớm trước 6 tiếng kể từ khi đột quỵ xảy ra, việc chụp cắt lớp vi tính và chụp mạch cắt lớp vi tính mạch máu cần thiết hơn, sau đó bác sĩ sẽ quyết định lấy huyết khối hoặc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, hoặc phối hợp cả hai. Còn đối với những bệnh nhân đến muộn từ 6 - 24 tiếng, lõi hoại tử chưa quá lớn bác sĩ vẫn có chỉ định lấy huyết khối, sẽ giúp phục hồi những phần não chưa bị hoại tử, hạn chế tối đa các tổn thương của não.

Theo các chuyên gia y tế, có hai thời khắc “cao điểm” khiến huyết áp dễ tăng cao, gây tai biến mạch máu não: Đó là thời điểm 9h sáng và 6h chiều. Thông thường khi ta ngủ, huyết áp giảm xuống và thấp nhất là vào lúc 3 - 4h sáng. Đến 6 – 7h sáng khi chúng ta thức dậy, huyết áp tăng lên dần và đến 9h sáng là ở đỉnh cao nhất. Sau đó huyết áp hạ dần về chiều và lại tăng cao vào lúc 18h rồi trở lại bình thường và hạ dần về đêm. Do đó, để kiểm tra huyết áp của mình, bạn cần kiểm tra vào các thời điểm: Sau khi thức dậy, 9h sáng, 6h chiều và 9h tối. Ngoài ra cần chú ý: Nếu vừa vận động thì nên nghỉ 10 phút, sau đó mới kiểm tra huyết áp để có kết quả chuẩn xác. Thêm vào đó những trạng thái xảy ra hàng ngày trong cuộc sống như lo lắng, căng thẳng, tức giận… cũng góp phần làm cho huyết áp người cao tuổi không dễ khống chế. Các chấn động tâm lý có thể gây rối loạn tuần hoàn não. Khi có những đột biến về tâm lý, người cao tuổi rất dễ bị chấn động tâm lý và nếu có đang bệnh cao huyết áp thì tai biến mạch máu não sẽ rất dễ xảy ra…

Theo bác sĩ CK1 Trần Quốc Tuấn (Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM), nhiều bệnh nhân đột quỵ nhập viện với tình trạng nặng thêm do ảnh hưởng của việc di chuyển, xử trí ban đầu sai. BS Tuấn cho biết, khi có người bị đột quỵ, thân nhân cần sơ cấp cứu ban đầu gồm:

- Hồi sức tim phổi nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim.

- Người bệnh cần được nằm ở tư thế thoải mái nhất nếu họ tỉnh, hoặc nằm nghiêng về phía nửa người bị ảnh hưởng (yếu liệt) nếu họ không tỉnh táo hẳn. Việc nằm nghiêng là để ngừa hít sặc do nôn ói. Nằm nghiêng về phía bên liệt là để phía không liệt còn có thể cử động ra hiệu được khi cần.

- Cần cố định các phần cơ thể khi di chuyển. Trong đó, việc vận chuyển người bệnh đột quỵ cần theo ba nguyên tắc: Đảm bảo đường thở và tim đập. Cố định bảo vệ được các bộ phận có thể tổn thương như đầu cổ, tứ chi.

Hãy yêu cầu “Nói - Cười - Chào”

Theo các chuyên gia, hiện tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được phát hiện sớm còn thấp. Nhiều người bệnh đột quỵ chưa được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức, đây là thiệt thòi cho người bệnh bởi khi người bệnh đến viện sau 4,5 – 6 giờ có biểu hiện đột quỵ thì cơ hội điều trị tối ưu đã bị bỏ qua. Thời gian đó càng lâu thì phần tế bào não bị chết do thiếu oxy càng lớn vì không thể phục hồi. Người bệnh sẽ phải chấp nhận các di chứng: Hôn mê, liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn nuốt, mất ngôn ngữ không thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân…

PGS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng hướng dẫn cách đơn giản để nhận biết, xác định sơ bộ có đột quỵ bằng cách yêu cầu thực hiện 3 động tác “Nói - Cười - Chào”: Hãy yêu cầu bệnh nhân NÓI - Nếu bệnh nhân nói không lưu loát như thường ngày là có bất thường; Hãy yêu cầu bệnh nhân CƯỜI - Quan sát nếu thấy khóe miệng, một bên sệ xuống là bất thường; Hãy yêu cầu bệnh nhân giơ cả hai tay lên CHÀO - tay 1 bên nào đó không giữ được rơi xuống trước, điều đó là bất thường. “Khi có cả 3 dấu hiệu bất thường, nguy cơ đột quỵ rất cao, trên 95% phải đưa đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất có thể”, PGS Mai Duy Tôn khuyến cáo.

Do chứng bệnh này không có triệu chứng báo hiệu kéo dài nên không ai có thể biết trước mình sẽ bị đột quỵ. Chính vì thế, cần nắm vững những dấu hiệu trên đây là có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ ở bản thân hay những người xung quanh để có thể cấp cứu kịp thời.

Minh Trang