23/11/2024 | 02:02 GMT+7, Hà Nội

Quý I/2019: Thị trường căn hộ đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn cung

Cập nhật lúc: 15/04/2019, 15:10

Theo ghi nhận của VEPR, trong quý đầu năm 2019, nguồn cung căn hộ giảm trên tất cả các phân khúc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I công bố mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách đánh giá thị trường bất động sản tại các thành phố lớn đã và đang được hỗ trợ bởi nguồn cầu lớn. Tuy nhiên, trong quý I vừa qua, nguồn cung căn hộ đã giảm trên tất cả các phân khúc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể, tại Hà Nội, căn hộ hạng A giảm 84%, hạng B và C giảm 35% so với đầu quý. Nhưng theo số liệu thống kê của Savills, số lượng căn hộ được tung ra thị trường vẫn tăng 76%, nhóm căn hộ tầm trung vẫn là phân khúc được ưa chuộng nhất, chiếm hơn 70% số lượng giao dịchso với cùng kỳ năm 2018.

Tại Hà Nội, giá bán căn hộ hạng B khoảng 1.390 USD/m2, giảm 2% theo quý nhưng tăng 8% theo năm.

Tình hình thị trường căn hộ để bán tại Hà Nội trong quý I/2019.

Tình hình thị trường căn hộ để bán tại Hà Nội trong quý I/2019.

Trong khi đó, tại TP.HCM, các diễn biến cũng xảy ra tương tự, số lượng căn hộ được tung ra thị trường đạt 4.500 căn, giảm 51,5% theo quý và giảm 57% so với quý I/2018.
Tình hình thị trường căn hộ để bán tại Hà Nội trong quý I/2019.

Tình hình thị trường căn hộ để bán tại TP.HCM trong quý I/2019.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nguyên nhân giảm cung là do quá trình thẩm duyệt pháp lý kéo dài.

"Không chỉ ở phân khúc căn hộ hạng A và hạng B mà thị trường căn hộ hạng C cho người thu nhập thấp chiếm hơn 85% thị phần tập trung nhiều ở ngoại thành cũng đối diện với giảm cung dù nhu cầu luôn tăng cao", ông Thành cho hay.

Dự báo nguồn cung trong các quý tiếp theo, VEPR lạc quan rằng tình hình sẽ nhanh chóng được cải thiện bởi hơn 34 dự án sẽ được gia nhập thị trường như VinCity Ocean Park, BRG Smart City tại Hà Nội... Đồng thời, quá trình xét duyệt pháp lý được đẩy nhanh cũng sẽ góp phần khiến cho thị trường sôi động hơn.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu VEPR vẫn lưu ý về việc các ngân hàng liên tục siết vốn vay với lãi suất ở mức cao hơn so với 2018 sẽ khiến thị trường bất động sản phải đối mặt với không ít khó khăn từ cả phía cung và cầu.

"Việc siết vốn ngân hàng được coi là biện pháp cần thiết khi thị trường bất động sản phát triển nóng trong 5 năm trở lại đây, quỹ đất hạn chế. Để vượt qua rào cản này, doanh nghiệp cần phải xây dựng quỹ đất sạch cùng với các dự án đang triển khai trong khi các nhà đầu tư cá nhân cần tránh tận dụng đòn bẩy tài chính để đầu cơ",PGS.TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.

Mặc dù thị trường bất động sản 2019 đối mặt với nhiều thách thức nhưng VEPR cho rằng đây sẽ tiếp tục là lĩnh vực thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Dẫn chứng cụ thể nhất là số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) về tình hình đầu tư nước ngoài trong những tháng đầu năm 2019, theo đó, bất động sản tiếp tục được đầu tư 500 triệu USD, chiếm 5% tổng FDI, đứng thứ hai sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Gia Minh