19/01/2025 | 15:17 GMT+7, Hà Nội

Quy định của pháp luật về việc lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo khách hàng

Cập nhật lúc: 01/06/2020, 15:09

Bạn đọc hỏi: Trên mạng xã hội lan truyền thông tin một loại thẻ có tác dụng phòng dịch bệnh Covid-19 hay tuyên truyền các sản phẩm thuốc, đồ dùng mình đang bán có khả năng chữa khỏi dịch bệnh Covid-19...

Bạn đọc hỏi: Trên mạng xã hội lan truyền thông tin một loại thẻ có tác dụng phòng dịch bệnh Covid-19 hay tuyên truyền các sản phẩm thuốc, đồ dùng mình đang bán có khả năng chữa khỏi dịch bệnh Covid-19; nhiều người đã tin tưởng mua và sử dụng như hướng dẫn trên mạng nhưng kết quả là tiền mất tật mang. Những người bán các sản phẩm này bị xử lý như thế nào? Nguyễn Duy Tiến (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Luật sư Vũ Quang Vượng trả lời:

Luật sư Vũ Quang Vượng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng; Số 6, ngõ 29 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội)

Điều 174, Bộ luật Hình sự quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó (Ảnh minh họa)

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động… Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản mắc lừa và giao tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.

Trường hợp này, những người bán hàng đã lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến dấu hiệu về giá trị tài sản. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì phải thuộc một trong các trường hợp: đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này và các tội chiếm đoạt tài sản được quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175, 290 chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: [email protected]