Quỹ đất miền Bắc thừa dư địa để đón làn sóng đầu tư mới
Cập nhật lúc: 05/10/2020, 13:32
Cập nhật lúc: 05/10/2020, 13:32
Việc làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam có xu hướng gia tăng kéo theo nhu cầu về bất động sản công nghiệp tăng lên. Giới nghiên cứu thị trường bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 có thể tạm thời làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam, nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn duy trì mạnh mẽ do Việt Nam được thúc đẩy là cường quốc công nghiệp mới ở khu vực. Điều này sẽ hỗ trợ cả cung và cầu đối với bất động sản công nghiệp ở Việt Nam trong tương lai.
Báo cáo mới nhất của JLL ghi nhận việc hạn chế di chuyển trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho việc thực địa dự án và gặp gỡ trực tiếp với các chủ đầu tư khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu đất công nghiệp vẫn giữ đà tăng trong quý III/2020 do Việt Nam vẫn là điểm đến thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh hạn chế này, ngày càng có nhiều nền tảng trực tuyến được đầu tư như thực địa ảo trực tuyến, hội thảo, nâng cấp trang web... Do đó, khách thuê vẫn có cơ hội đánh giá tiềm năng và thuê đất từ xa.
Ngoài ra, vẫn còn một số giao dịch bắt đầu trước dịch và ký kết trong quý này, tất cả yếu tố trên đã thúc đẩy tỉ lệ lấp đầy trung bình khu công nghiệp các tỉnh miền Bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương tăng so với quý I, đạt 74% trong quý III.
Nguồn cầu chính cho đất công nghiệp vẫn là các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất ra ngoài Trung Quốc, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Trong khi đó, khách hàng chủ chốt cho nhà xưởng xây sẵn vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với quỹ đất lớn hiện hữu, Hải Phòng và Bắc Ninh dẫn đầu về nguồn cung đất công nghiệp tại miền Bắc. Trong bối cảnh làn sóng đầu tư sắp tới, các tỉnh và thành phố phía Bắc đã lên kế hoạch thêm mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện có, trong đó Hưng Yên và Hải Dương là những địa phương năng động nhất trong việc phát triển các khu công nghiệp mới.
Theo đánh giá của đơn vị này, nhìn chung, nguồn cung đất ở miền Bắc dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực.
Với tiềm năng của Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất bền vững, hầu hết chủ đầu tư ở các thị trường phía Bắc đều duy trì lợi thế thương lượng lớn bất chấp những khủng hoảng từ đại dịch.
Theo đó giá đất đạt đỉnh mới với 102 USD/m2/chu kỳ thuê trong quý III, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ, dao động từ 4,1 - 5,2 USD/m2/tháng trong quý III, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù Covid-19 có thể tạm thời làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam, sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn duy trì mạnh mẽ do Việt Nam được thúc đẩy là cường quốc công nghiệp mới ở khu vực. Điều này sẽ hỗ trợ cả cung và cầu đối với bất động sản công nghiệp ở miền Bắc trong tương lai.
Cũng theo giới chuyên gia, từ đầu năm 2020 đến nay, dòng vốn FDI vào Việt Nam tuy đã tăng trở lại nhưng chưa thấy rõ được làn sóng chuyển dịch nên khó kỳ vọng về cuộc dịch chuyển sản xuất và đầu tư vào Việt Nam. Nhu cầu chưa rõ ràng mà giá thuê nhà xưởng khu công nghiệp được đẩy lên cao từng ngày. Dù tỷ lệ hấp thụ lớn nhưng việc phát triển ồ ạt các khu công nghiệp sẽ có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, khu công nghiệp không đơn thuần là nhà xưởng mà phải phát triển đồng bộ với các khu chức năng sản xuất và thương mại thì mới thu hút được các tập đoàn nước ngoài.
Đáng chú ý, nhận định của Công ty Cổ phần chứng khoán SSI mới đây cho hay, cuối năm 2020 khi đại dịch lắng xuống, sẽ có nhu cầu lớn về khu công nghiệp của Việt Nam đối với các công ty đã chuẩn bị chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Do đó, năm 2021, nhu cầu về đất khu công nghiệp sẽ tiếp tục có nhiều triển vọng.
Một số tập đoàn lớn đã lên kế hoạch chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp,... Hầu hết các công ty này đã có cơ sở sản xuất tại miền Bắc. Ước tính lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có thể tăng từ trên 8% đến gần 14%.
05:00, 25/07/2019
13:41, 06/07/2018
01:26, 14/06/2018