19/01/2025 | 02:26 GMT+7, Hà Nội

Quy chế mới về lãi suất cho vay Ngân hàng Nhà nước mới ban hành

Cập nhật lúc: 14/02/2017, 22:49

Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39) và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư 43) góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý mới về cho vay của Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính đối với khách hàng.

Thông tư 39/2016/TT-NHNN nhằm thay thế Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN và một số văn bản khác liên quan đến hoạt động cho vay.

Các quy định về hoạt động cho vay của TCTD với khách hàng tại Thông tư được điều chỉnh cho phù hợp với quy định tại Luật các TCTD năm 2010, Bộ Luật dân sự năm 2015, các quy định hiện hành khác của pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2017.

 

Trên cơ sở quy định tại Điều 466, 468 BLDS 2015 và quy định tại Điều 91 Luật các TCTD 2010 và kế thừa quy định về lãi suất cho vay tại Thông tư 12/2010/TT-NHNN, Thông tư 08/2014/TT-NHNN, quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã quy định về lãi suất cho vay như sau:

Thứ nhất, TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 05 lĩnh vực ưu tiên doThống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.

Như vậy, quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Thứ hai, Thông tư 39/2016/TT-NHNN bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả, cụ thể: Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Thứ ba, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên phần dư nợ gốc quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả; lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Nợ gốc quá hạn gồm: (i) Nợ gốc đến hạn không trả được; và (ii) Nợ gốc chưa đến hạn bị chuyển sang đến hạn theo thỏa thuận do vi phạm hợp đồng và khách hàng không trả được.

Thông tư cũng quy định rõ một loạt các nhu cầu vay mà TCTD không được cho vay. Đó là vay để mua vàng miếng; để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh mà pháp luật; để thanh toán các chi phí, giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm; để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh; để trả nợ khoản nợ vay tại chính TCTD cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình; để trả nợ khoản nợ vay tại TCTD khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định.

TCTD tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động cho vay Trong hoạt động cho vay, Thông tư nêu rõ các quyền của TCTD như TCTD có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình.

Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cho vay của TCTD. TCTD có quyền từ chối các yêu cầu của khách hàng không đúng với quy định tại Thông tư này và thỏa thuận cho vay.

TCTD có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay. Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì TCTD có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với TCTD, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho TCTD.

Trường hợp khách hàng hoặc bên bảo đảm bị tòa án quyết định mở thủ tục phá sản hoặc tuyên bố phá sản, thì việc thu hồi nợ của TCTD đối với khách hàng, bên bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. TCTD cũng có quyền quyết định miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của TCTD.