19/01/2025 | 11:57 GMT+7, Hà Nội

Quảng Ninh: Ngừng hoạt động các lò vôi thủ công gây ô nhiễm

Cập nhật lúc: 21/02/2019, 02:54

Thành phố Uông Bí là địa phương có số lượng cơ sở sản xuất vôi thủ công gây ô nhiễm nhiều nhất tỉnh Quảng Ninh. Việc dừng hoạt động các cơ sở sản xuất này là chủ trương chung của Chính phủ. Nhờ chỉ đạo quyết liệt, việc dừng lò đã được thực hiện đúng kế hoạch và đa số người dân ủng hộ.

Thành phố Uông Bí có 51 cơ sở (68 lò với 115 ống lò); nằm trên địa bàn hai phường Phương Đông, Phương Nam thuộc 2 tổ chức và 49 cơ sở sản xuất do các hộ gia đình cá thể tự đầu tư.

Ngoài ra còn có 3 cơ sở thu mua, kinh doanh, chế biến vôi trên địa bàn phường Phương Nam. Thu hút 1.090 lao động, phần lớn không được đào tạo về chuyên môn.

Đặc điểm các cơ sở sản xuất vôi ở đây là đều xây dựng trái phép trên diện tích đất nông nghiệp. Công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu, công suất nhỏ (khoảng 3.000 tấn/ống lò/năm).

Các lò được đầu tư theo nhiều giai đoạn; không có thiết kế, không tiêu chuẩn, không kiểm soát chất lượng, môi trường, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh vôi tại đây đã tác động lớn đến môi trường xung quanh nhiều năm qua.

Chính phủ đã có chỉ đạo, trước năm 2020 phải dừng hoạt động tất cả các lò sản xuất vôi thủ công.

Căn cứ tình hình thực tế, Quảng Ninh đã đưa ra lộ trình sớm hơn, đến hết ngày 31/12/2018 sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công.

Tuy nhiên, sau khi triển khai kế hoạch, tỉnh đã nhận được rất nhiều kiến nghị của người dân lùi thời hạn trên; đồng thời đề nghị có cơ chế hỗ trợ chủ cơ sở và người lao động do nhiều chủ cơ sở còn nợ ngân hàng và người lao động sẽ mất việc khi lò dừng hoạt động.

Lò sản xuất vôi thủ công tại P. Phương Nam. Ảnh: baoquangninh,com.vn

Lò sản xuất vôi thủ công tại P. Phương Nam. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Đầu tháng 12/2018, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 146/2018/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các chủ lò và người lao động trực tiếp được hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng/người và hỗ trợ vay vốn để chuyển đổi nghề.

Thời hạn dừng hoạt động lò cũng được lùi lại đến ngày 31/1/2019 và hoàn thành việc tháo dỡ, khôi phục lại mặt bằng trước ngày 31/3/2019.

Xác định việc thực hiện Kế hoạch chấm dứt hoạt động sản xuất vôi thủ công là nhiệm vụ trọng tâm, thành phố Uông Bí đã ban hành các văn bản và tổ chức đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện việc chấm dứt sản xuất vôi thủ công đảm bảo công khai, dân chủ, đúng pháp luật, giảm thiểu tối đa những tác động ảnh hưởng của việc chấm dứt sản xuất vôi thủ công đến các chủ cơ sở và người lao động.

Thực hiện công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: thông qua đài phát thanh, truyền hình, hệ thống loa truyền thanh công cộng, xe tuyên truyền lưu động, cổng thông tin điện tử; tổ chức họp, ký cam kết dừng hoạt động, tự tháo dỡ và tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với các cơ sở, người dân…

Thành lập các tổ kiểm tra liên ngành; tổ kiểm đếm, lập phương án hỗ trợ tháo dỡ, xác định thẩm định lao động để thực hiện hỗ trợ; lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy phép xây dựng.

Chỉ đạo lực lượng Công an Thành phố chủ trì phối hợp với UBND phường Phương Nam, Phương Đông, Đội kiểm tra trật tự đô thị và môi trường, Trạm kiểm soát liên ngành thực hiện kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào khu vực sản xuất vôi thủ công từ ngày 31/01/2019.

Các Lò vôi thủ công tại TP Uông Bí sẽ phải tháo dỡ trước ngày 31/3/2019. Ảnh: TL

Các Lò vôi thủ công tại TP Uông Bí sẽ phải tháo dỡ trước ngày 31/3/2019. Ảnh: TL

Thành phố đã yêu cầu các cơ sở có phương án chuyển đổi nghề cụ thể và báo cáo về UBND thành phố trước ngày 28/02/2019.

Trên cơ sở đó, Thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân về cơ chế chính sách, đất đai, vay vốn... để chuyển đổi sang ngành nghề khác phù hợp.

Tính đến ngày 19/02/2019 đã có 106/115 ống lò dừng hoạt động; 04 ống lò đang ủ lò và 05 ống lò vẫn đang hoạt động.

Thành phố đã tiến hành kiểm đếm, đo đạc 51/51 cơ sở về kích thước lò để thực hiện hỗ trợ tháo dỡ.

Lập, phê duyệt 48 hồ sơ hỗ trợ tháo dỡ, với tổng số tiền là 9,175 tỷ đồng; trong đó, đã chi trả hỗ trợ tháo dỡ 03 lò (04 ống) với số tiền 501 triệu đồng.

Thẩm định, niêm yết danh sách hỗ trợ lao động của 10 cơ sở; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho người lao động theo quy định.

Đối với 02 cơ sở còn hoạt động, thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động và thực hiện kiểm tra, lập biên bản xử lý kiên quyết để chấm dứt hoạt động lò theo đúng kế hoạch và tinh thần chỉ đạo của tỉnh.