19/01/2025 | 07:16 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Tập trung cải thiện ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề

Cập nhật lúc: 20/02/2019, 01:51

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 18-3-2013, của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, TP Hà Nội đã tập trung cho nhiệm vụ khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề.

ha noi tap trung cai thien o nhiem moi truong nong thon lang nghe
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 6136/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo vệ môi truờng làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kết quả khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề theo Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, Sở phân loại theo thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đối với môi trường nước: 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm. Đối với môi trường không khí: 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm. Môi trường đất (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.

Trong số các lành nghề, có 6/65 làng nghề đạt chuẩn không ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí và môi trường đất; có 13 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với môi trường nước và môi trường không khí hoặc môi trường đất; có 5 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với môi trường nước và ô nhiễm môi trường không khí.

Thành phố tiếp tục giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các quận huyện có làng nghề rà soát, tiếp tục thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề còn lại tiến tới 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá phân loại theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư Nhà máy xử lý nước thải cầu Ngà - Dương Liễu công suất 20.000m3/ngày đêm đã đi vào vận hành từ tháng 10/2016. Hiện, đang đẩy nhanh thi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng công suất 8.000m3/ngày đêm bằng nguồn vốn ngân sách thành phố dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức trong quý I/2019. Thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường khẩn trương đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Vân Canh công suất 4.000m3/ngày đêm và Nhà máy xử lý nước thải làng nghề cơ, kim khí xã Thanh Thùy công suất 1.000m3/ngày đêm; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) với công suất 500m3/ngày đêm.