21/11/2024 | 20:12 GMT+7, Hà Nội

Xã Mai Lâm, huyện Đông Anh: Chưa xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường

Cập nhật lúc: 29/12/2018, 09:20

Những ngày cuối năm 2018, phóng viên (pv) đã có cuộc gặp và trao đổi trực tiếp với Phó Chủ tịch UBND xã Mai Lâm, huyện Đông Anh về thực trạng ô nhiễm môi trường đến từ các nhà, xưởng sản xuất gỗ ép, ván ép trên địa bàn.

UBND xã thừa nhận thiếu sót trong quản lý

Thời điểm cuối tháng 10/2018, tại địa bàn thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội có những nhà xưởng sản xuất gỗ ép, gỗ dán, sơn tĩnh điện … bị người dân phản ánh ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Mặc dù UBND xã đã chấm dứt hợp đồng cho các hộ này thuê đất từ năm 2013 nhưng những nhà xưởng này vẫn không hề bị di dời.

Ngày 28/12, pv đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Mai Lâm liên quan đến các nhà xưởng này và quá trình giải quyết ô nhiễm môi trường.

Ông Lâm cho biết, từ khoảng 20 năm trước, khu đất hiện tại của các nhà xưởng vốn là đất hoang, được xã giao khoán cho 1 số hộ gia đình để trồng cây, làm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc canh tác không hiệu quả nên các hộ này đã xin xã chuyển sang làm xưởng gỗ, ván ép.

So với hiện nay, công tác quản lý nhà nước tại thời điểm đó còn chưa bao quát, chặt chẽ, hướng dẫn còn chưa chi tiết. Những hồ sơ liên quan đến các nhà xưởng đa số còn thiếu sót, cũng không có kết hoạch bảo vệ môi trường, đồng thời các nhà xưởng cũng nằm ở những khu vực xa dân cư.

Nhà, xưởng gỗ, ván ép tại Mai Lâm từng là vấn đề nhức nhối trong ô nhiễm môi trường

Nhà, xưởng gỗ, ván ép tại Mai Lâm từng là vấn đề nhức nhối trong ô nhiễm môi trường

Trải qua 20 năm, với tốc độ phát triển cả về kinh tế lẫn mật độ dân cư, người dân khai hoang, xây nhà ngày càng gần những nhà xưởng này, trong khi việc hoạt động của các nhà xưởng thì vẫn như vậy. Từ đó các hộ dân cư bị ảnh hưởng bởi khói thải từ việc sản xuất của các nhà xưởng này. Kết hợp với việc thay đổi về các chính sách, điều kiện kinh tế theo thời gian, các nhà xưởng trên đất này trở thành trái phép.

Tại buổi làm việc, ông Lâm cũng khẳng định UBND xã Mai Lâm không hề chối bỏ tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh các nhà xưởng, mà đang cùng các chủ xưởng xử lý, tìm hướng đi thích hợp. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng từng được một số người dân nêu ra trong các kỳ họp, và đã được nhiều cơ quan truyền thông, báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua.

Nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, UBND xã Mai Lâm đã nhiều lần làm việc với các chủ nhà, xưởng gỗ, ván ép và yêu cầu di dời tới địa điểm khác, bổ sung các phương cách bảo vệ môi trường trong sản xuất và hoạt động kinh doanh.

Hạn chót di dời là 30/8/2019

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mai Lâm, các chủ nhà, xưởng bị phản ánh cũng rất hợp tác và đồng ý việc di dời nhà, xưởng tới địa điểm khác. Tuy nhiên, các chủ nhà, xưởng này cũng có đơn đề nghị cơ quan địa phương tạo điều kiện về thời gian để sắp xếp cho người lao động và tìm địa điểm mới do đã đến thời điểm cuối năm và sát Tết. Việc tháo dỡ nhà, xưởng trong thời gian này sẽ gây tổn thất không nhỏ đến kinh tế của các xưởng, đồng thời phải ngừng toàn bộ hoạt động kinh doanh, dẫn đến việc các lao động mất việc làm, không có cái Tết trọn vẹn.

Được biết, một số chủ xưởng đã tiến hành vay vốn ngân hàng để đầu tư kinh doanh sản xuất, trường hợp xưởng bị dỡ khi chưa tìm được địa điểm thì các chủ xưởng vẫn phải chịu lãi suất, thậm chí có thể phhải phá sản. Do đó, các chủ nhà, xưởng đề xuất việc di dời sẽ diễn ra khi Dự án cầu Tứ Liên chính thức đi vào khởi công.

Ông Lâm cho biết UBND xã không đồng ý với đề xuất này, vì để xác định thời gian bắt đầu thực hiện Dự án cầu Tứ Liên thì rất khó, vì có thể phải chờ là 1 năm, 2 năm hay thậm chí là 10 năm. UBND xã Mai Lâm đã có công văn gửi lên UBND huyện Đông Anh liên quan đến đề nghị của các chủ xưởng và tình trạng ô nhiễm tại địa bàn và xin ý kiến chỉ đạo.

UBND huyện Đông Anh đã có chỉ đạo xử lý đến hết 30/8/2019

UBND huyện Đông Anh đã có chỉ đạo xử lý đến hết 30/8/2019

Ngày 11/12/2018, UBND huyện Đông Anh đã có văn bản chỉ đạo chung, những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai trong năm 2018 mà xã Mai Lâm chưa xử lý dứt điểm sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình xử lý dứt điểm từ nay đến hết 30/8/2019.

Qua làm việc với các chủ nhà xưởng, UBND xã cho biết thời điểm cuối cùng để di dời sẽ là ngày 30/8/2019 và sẽ không đồng ý gia hạn thêm, thậm chí sẽ có những biện pháp xử lý mạnh nếu cố tình chậm trễ. Về vấn đề này, các chủ xưởng hoàn toàn đồng ý.

Ông Lâm cho hay, thời gian gần đây, UBND xã vẫn luôn cho cán bộ theo dõi sát sao việc xử lý vệ sinh môi trường của các nhà xưởng này. Các nhà xưởng cũng đã tiến hành dọn dẹp khu vực xung quanh nơi sản xuất, cũng không còn hiện tượng sử dụng các mầu gỗ, ván thừa để đốt nữa mà chuyển sang sử dụng củi khô, hạn chế tối đa tình trạng khói thải ra môi trường.

Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề nan giải, không chỉ tại địa phương xã Mai Lâm cần chú ý lưu tâm và theo dõi sát sao mà phải trên địa bàn cả nước. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi cá nhân, là ý thức của từng người để đảm bảo cho tương lại xanh - sạch - đẹp của thế hệ mai sau.