27/04/2024 | 07:37 GMT+7, Hà Nội

Quận Nam Từ Liêm soạn thảo tờ rơi bằng 5 thứ tiếng để tuyên truyền chống dịch

Cập nhật lúc: 21/08/2020, 15:53

Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đặc biệt coi trọng việc thông tin đầy đủ, kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 và thường xuyên cập nhật mới nội dung tuyên truyền cho người dân về các giải pháp của Chính phủ...

Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đặc biệt coi trọng việc thông tin đầy đủ, kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 và thường xuyên cập nhật mới nội dung tuyên truyền cho người dân về các giải pháp của Chính phủ, TP, quận để người dân nâng cao nhận thức và đồng hành cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch.

Nâng cao ý thức phòng chống dịch cho người dân

Là địa bàn có nhiều người nước ngoài cư trú và làm việc tại các tổ hợp văn phòng, thương mại dịch vụ, trong 6 tháng đầu năm 2020, quận Nam Từ Liêm đã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 một cách sâu rộng, kịp thời và thiết thực. Nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, linh hoạt để phù hợp với điều kiện thực tế tạo chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến phòng chống dịch trong đại bộ phận người dân, cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; góp phần kiểm soát dịch bệnh, ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận.

Theo bà Nguyễn Thu Hiền, Trưởng Phòng Tư pháp quận Nam Từ Liêm, nội dung định hướng tuyên truyền tập trung vào các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch và các chế tài xử lý gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, giai đoạn dịch lây lan trong cộng đồng, quận tập trung tuyên truyền để nhân dân thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 05 của UBND TP Hà Nội về cách ly xã hội. Quận cũng chủ động thuê phiên dịch, tự soạn thảo tờ rơi tuyên truyền bằng 5 thứ tiếng: Việt, Anh, Trung, Hàn, Nhật. Đưa nội dung tuyên truyền vào nội dung sinh hoạt chi bộ Đảng; hệ thống phát thanh phường từ 5-7 lượt/ngày; treo dán 1.000 áp phích, 12 cụm pano, 10 khẩu hiệu; 450 banner, cổng thông tin điện tử quận liên tục đăng tải bản tin và nội dung về phòng chống dịch.

Ngoài ra, quận cũng phối hợp phát 14.000 tờ rơi tuyên truyền tìm hiểu một số quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm do Sở Tư pháp Hà Nội phát hành. Chỉ đạo các phường hướng dẫn người dân khai báo y tế, sử dụng ứng dụng NCOVI, Ha Nội Smartcity… để cập nhật tình hình dịch bệnh. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm không có các hoạt động tụ tập đông người nơi công cộng, hội họp tôn giáo, đám hiếu hỉ không tổ chức ăn tiệc. Các di tích lịch sử, cơ sở kinh doanh lưu trú, karaoke, game, masage, quán bar, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu… tạm dừng hoạt động, đóng cửa.

Ngành văn hóa thông tin tiếp tục tăng cường tuyên truyền các hoạt động phòng, chống dịch sau khi dừng cách ly xã hội. Thông qua tuyên truyền sáng tạo, đa dạng, phong phú đã giúp người dân nhận thức rõ và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, góp phần đẩy lùi dịch bệnh trong giai đoạn vừa qua. Trong tình hình mới khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, quận tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, tập trung tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn mới.

Cán bộ tổ dân phố thường xuyên tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa bàn dân cư.

Chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, quận Nam Từ Liêm cũng rất chú trọng công tác thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở bằng việc chỉ đạo, xây dựng kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn quận và đã đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận. Ngay từ đầu năm 2020, UBND quận đã phối hợp với MTTQ quận ban hành hướng dẫn liên tịch về công nhận tổ hòa giải, hòa giải viên và bầy tổ trưởng tổ hòa giải. Đến ngày 30-5, các phường đã kiện toàn xong tổ hòa giải với tổng số 620 hòa giải viên tại 124 tổ hòa giải. Quận đã chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng sổ tay nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, tổ chức 4 lớp tập huấn cho các hòa giải viên nắm vững nghiệp vụ hòa giải để đảm bảo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở, đồng thời phát động phong trào thi đua tổ hòa giải “5 tốt”.

Thống kê từ Phòng Tư pháp quận cho thấy, đội ngũ hòa giải viên đa số là cán bộ nhà nước về hưu, cư trú tại cơ sở nên trình độ hiểu biết pháp luật trong nhiều lĩnh vực đáp ứng được yêu cầu của công tác hòa giải. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, 10 phường thuộc quận đã hòa giải thành công 42/50 vụ việc, đạt 85%; số vụ hòa giải chưa thành và đang hòa giải là 8 vụ, chiếm 15%. Kinh phí hỗ trợ cho tổ hòa giải/hòa giải viên là gần 92 triệu đồng, trong đó kinh phí chi thù lao hòa giải viên là hơn 21 triệu đồng. UBND quận đã phối hợp với MTTQ tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị trao đổi và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn các phường triển khai mô hình tổ hòa giải “5 tốt”. Đồng thời, tổ chức khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong công tác hòa giải tại cơ sở. Năm 2020, Phòng Tư pháp tiếp tục tham mưu cho UBND quận thực hiện đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2021” trên địa bàn Thủ đô theo Kế hoạch số 159 ngày 23-7-2019 cỉa UBND thành phố.

Các phường chú trọng củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở phù hợp với đặc điểm dân cư, địa lý của địa phương, bố trí cơ cấu, thành phần tổ hòa giải hợp lý. Xây dựng đội ngũ hòa giải viên tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm, uy tín, hiểu biết pháp luật, có khả năng vận động quần chúng. Các tổ hòa giải đã có sự phân công thành viên phụ trách cụm dân cư, tổ dân phố để kịp thời phát hiện, hòa giải các mâu thuẫn khi mới phát sinh, không nhất thiết phải đợi đơn yêu cầu hòa giải.

Ngoài những mặt thuận lợi, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn có một số khó khăn nhất định như chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự tổ chức, tiến hành hòa giải của tổ hòa giải nên khi thực hiện còn thiếu thống nhất. Cơ chế đãi ngộ với hòa giải viên hiện còn thấp, chưa phụ hợp với tình hình thực tế. Để hoạt động hòa giải ở cơ sở đạt kết quả tốt, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đối với công tác hòa giải.

Các cơ quan liên quan cần quan tâm hơn nữa tới việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kỹ năng hòa giải, tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Trang bị cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho hòa giải viên tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục tính tự nguyện lựa chọn hình thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp…