18/04/2024 | 15:28 GMT+7, Hà Nội

Quận Ba Đình: Ai chịu trách nhiệm khi quy hoạch phố cũ bị "băm nát"?

Cập nhật lúc: 04/12/2020, 13:00

Hàng loạt bất cập trong việc xử lý vi phạm xây dựng vẫn tồn tại ở quận Ba Đình đang "thách thức" quy chế quy hoạch phố cũ và những chỉ đạo "nóng" từ UBND TP Hà Nội.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý TTXD của UBND các cấp được chỉ rõ

Trước hàng loạt những vi phạm sử dụng quỹ đất sai mục đích mang tính "lịch sử" hay thực trạng xây dựng vượt phép, sai quy hoạch trên địa bàn Thủ đô trong những năm qua, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo kịp thời.

Cụ thể: Ngày 04/01/2016, UBND TP Hà Nội có ban hành Công văn số 06/UBND-XDGT về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên đia bàn thành phố Hà Nội.

Ngày 5/4/2018, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản 1448/UBND-ĐT chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý, xử lý chưa dứt điểm các công trình vi phạm TTXD. Ngày 17/7/2018, ban hành văn bản số 3245/UBND-ĐT yêu cầu các UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm TTXD tồn đọng…

Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành… 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép...

Nhiều năm qua, công tác xử lý vi phạm TTXD đô thị tại TP Hà Nội nói đã thực hiện nhưng chưa chạm đến gốc, đến rễ vấn đề khiến các vi phạm vẫn tiếp tục phát sinh ở nhiều nơi, nhiều cấp, tồn tại như một vấn nạn, gây thiệt hại chung cho xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng cần luật hóa các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm khắc phục một cách cơ bản những vướng mắc, tồn tại sẵn có, đơn giản hóa những vấn đề phức tạp.

Trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã và lãnh đạo địa phương về quản lý TTXD được thể hiện vô cùng chi tiết và đầy đủ trong Quyết định 04/2019/QĐ-UBND Hà Nội về Quy định quản lý TTXD. Cụ thể, tại Điều 5. Trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý TTXD của UBND cấp huyện của Quy định ghi rõ:

1. Nhiệm vụ của UBND cấp huyện

a) Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND TP về tình hình quản lý TTXD trên địa bàn.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện việc tuyên truyền, vận động hướng dẫn các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về TTXD trên địa bàn.

c) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Đội quản lý TTXD đô thị, UBND cấp xã và các cơ quan liên quan thực hiện trách nhiệm quản lý TTXD trên địa bàn theo quy định của pháp luật nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý TTXD.

d) Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND cấp xã trong công tác quản lý TTXD trên địa bàn; Cung cấp các thông tin về quy hoạch, giấy phép xây dựng và các thông tin liên quan phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về TTXD trên địa bàn quản lý.

đ) Kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý vi phạm TTXD của cấp thẩm quyền đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; Xem xét, giải quyết kiến nghị chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát của Đội Quản lý TTXD đô thị cấp huyện.

e) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo đề nghị của Sở Xây dựng để phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

g) Cử cán bộ tham gia các hoạt động phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, pháp luật về TTXD và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn khi có yêu cầu của cơ quan có liên quan.

h) Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, cơ sở vật chất cho Đội quản lý TTXD và các cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý TTXD trên địa bàn quản lý.

i) Xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân do buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ để xảy ra vi phạm TTXD nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

k) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng trong việc nhận xét, đánh giá Trưởng phòng Quản lý đô thị, Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị theo yêu cầu về công tác quản lý cán bộ.

l) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất đầy đủ và chính xác về tình hình quản lý TTXD trên địa bàn theo yêu cầu của UBND TP và Sở Xây dựng.

m) Căn cứ Quyết định này, UBND cấp huyện có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp giữa UBND cấp xã, Đội Quản lý TTXD đô thị cấp huyện và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện trong công tác quản lý TTXD trên địa bàn.

2. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện

a) Chỉ đạo các bộ phận, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 1 Điều này.

b) Kiểm tra, giám sát Chủ tịch UBND cấp xã trong việc thực hiện quản lý TTXD trên địa bàn quản lý; Thực hiện thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Điều 77 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.

c) Xử lý Chủ tịch UBND cấp xã, Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị cấp huyện, cán bộ, công chức dưới quyền không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ quản lý TTXD.

d) Chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn theo quy định tại Điều 29, Điều 50 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

đ) Đề xuất Chủ tịch UBND TP ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý TTXD có hiệu quả.

e) Hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch UBND TP ban hành các quyết định xử lý vi phạm TTXD vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

Những sai phạm về TTXD thường gặp trên địa bàn Hà Nội

Về cơ bản, sai phạm về TTXD trên địa bàn Hà Nội thường thuộc 4 nhóm sau đây:

- Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép xây dựng;

- Xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng do cấp có thẩm quyền cấp;

- Xây dựng công trình gây lún, nứt, có nguy cơ gây sụp đổ công trình bên cạnh;

- Xây dựng công trình sai quy hoạch chi tiết 1/500; sai thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trong trường hợp được miễn giấy phép).

Công trình đang được xây dựng tại số 75 phố Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) có chiều cao khủng, được thi công với 7 tầng 2 lửng 2 hầm khác biệt với quy chế quy hoạch phố cũ. Hiện công trình này đang gấp rút hoàn thiện đi vào sử dụng.

Trong đó, các công trình xây dựng sai quy hoạch chi tiết 1/500 và không phép thường diễn ra phổ biến nhất. Đáng chú ý, loạt sai phạm thường xảy ra mang tính hệ thống có nơi xây dựng thành các khu dân cư hàng vài trăm hộ, kéo dài từ năm này qua năm khác nhưng chính quyền cũng không thể xử lý được điển hình.

Chỉ đạo càng "nóng" vị phạm càng có xu hướng bùng phát? Quy định pháp luật chỉ rõ trách nhiệm, chế tài xử lý nhưng sai phạm vẫn tràn lan?

UBND quận Ba Đình có đang đi ngược chỉ đạo của TP

Điển hình cho loạt sai phạm ở các quận trung tâm TP Hà Nội phải kể đến quận Ba Đình. Trong đó vi phạm về TTXD tại phường Trúc Bạch là nổi cộm. Bởi theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký ban hành ngày 13/8/2015 tại Phụ lục 5-B nêu rõ quy định quản lý chiều cao tối đa, mật độ xây dựng, tổ chức không gian kiến trúc các ô phố. Theo đó, các công trình xây dựng tại phố Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu, Ngũ Xá, Phạm Hồng Thái có chiều cao tối đa với mặt ngoài là 3-5 tầng, còn mặt trong là 5-7 tầng, mật độ xây dựng không quá 70%, khoảng lùi từ mặt ngoài vào trong từ 3-6m.

Hàng loạt công trình tại phố Nguyễn Khắc Hiếu ở phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đang vi phạm nghiêm trọng TTXD đô thị.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình xây dựng có chiều cao bất thường, mất độ 100%, khiến cho tổng thể quy hoạch phố cũ trở nên nhếch nhác. Cụ thể tại số 25 Ngũ Xã, 75 Phạm Hồng Thái, 15 Nguyễn Khắc Hiếu đang có dấu hiệu vi phạm TTXD, phá vỡ quy hoạch phố cũ khi được chủ đầu tư cho xây dựng vượt phép nhưng vẫn ngang nhiên thi công mà không bị xử lý.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên đã đi tìm hiểu thực tế và nhận thấy phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Theo đó, công trình xây dựng số 25 Ngũ Xã thuộc phường Trúc Bạch hiện đang được chủ đầu tư cho xây dựng với chiều cao, các tầng đều lấn chiếm khoảng không để chờ sắt nhằm gia tăng diện tích sử dụng, mật độ xây dựng 100%.

Bên cạnh đó công trình xây dựng số 75 Phạm Hồng Thái cũng có chiều cao khủng, được thi công với 7 tầng 2 lửng 2 hầm. Theo quan sát, phần lửng của công trình đã bị biến tướng, được chủ đầu tư thay đổi, xây dựng tràn thành tầng. Theo tìm hiểu công trình này cũng đang nằm trong quy hoạch phố cũ với với chiều cao tối đa đối với mặt ngoài là 3-5 tầng, còn mặt trong là 4-6 tầng, mật độ xây dựng không quá 70%, khoảng lùi từ mặt ngoài vào trong từ 3m đến 6m.

Để trao đổi và làm rõ thông tin cấp giấy phép xây dựng cho các công trình, dự án tại phường Trúc Bạch, PV đã liên hệ làm việc với UBND quận Ba Đình. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng qua,  UBND quận Ba Đình sau khi tiếp nhận thông tin lại im lặng một cách khó hiểu?!

Công trình xây dựng số 25 Ngũ Xã thuộc phường Trúc Bạch hiện đang được chủ đầu tư cho xây dựng với chiều cao, các tầng đều lấn chiếm khoảng không để chờ sắt nhằm gia tăng diện tích sử dụng, mật độ xây dựng 100%.f

Trước những chỉ đạo nóng từ UBND TP Hà Nội thì UBND quận Ba Đình lại chọn cách "phớt lờ"? Phải chăng lợi ích chung của người dân là mong mỏi một không gian sống giữa đô thị xanh đã bị UBND quận Ba Đình vô tình lãng quên?

Việc quản lý TTXD đô thị vẫn luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, được các cấp lãnh đạo các thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng, những bất cập trong việc xử lý vi phạm vẫn tồn tại, thách thức các nhà quản lý.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm TTXD đô thị kéo dài và lan rộng trên các địa bàn nói chung bắt nguồn từ đâu? Có thể điểm lại hàng chục đầu lý do được đưa ra để lý giải cho tình trạng chậm trễ trong xử lý dứt điểm các sai phạm về TTXD như khung pháp lý chưa hoàn thiện; chưa có chế tài hoặc chế tài chưa hoàn thiện; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp qua nhiều giai đoạn của khung chính sách pháp luật; việc xử lý đúng luật lại có thể dẫn đến phát sinh vấn đề xã hội phức tạp... Thậm chí có cả những nguyên nhân do những hành vi hành chính không phù hợp, vận dụng sai quy định pháp luật hoặc vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch...

Chính vì lẽ đó, các cấp có thẩm quyền cần nhanh chóng chỉ đạo làm rõ các vi phạm tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Đồng thời ngăn chặn việc xây dựng vượt phép làm vỡ quy hoạch phố cũ, truy cứu trách nhiệm cá nhân và tập thể đã buông lỏng để xảy ra sai phạm hay "tiếp tay" cho sai phạm tồn tại (nếu có).