19/01/2025 | 18:27 GMT+7, Hà Nội

Quận Ba Đình: Hàng loạt công trình "ung dung" xây dựng sai quy chế phố cũ

Cập nhật lúc: 02/11/2020, 09:53

Sau gần 2 năm thực hiện thí điểm, vai trò của Đội QLTTXDĐT quận Ba Đình vẫn còn mờ nhạt, bởi những sai phạm về TTXD trên địa bàn. Nổi cộm các vi phạm tập trung tại phường Trúc Bạch đã và đi ngược lại quy chế phố cũ.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Trong những năm vừa qua, vấn nạn xây dựng sai phép và quản lý đất đai trên địa bàn quận Ba Đình đang rất “nóng” với nhiều vi phạm đã được chỉ rõ và khi chính quyền thành phố Hà Nội tiếp tục có những chỉ đạo tích cực, quyết liệt để “siết” công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) thì việc xuất hiện nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm tại phường Trúc Bạch ngày càng phức tạp. 

Hàng loạt công trình được xây dựng sai so với quy chế phố cũ đã và đang khiến dư luận bức xúc và đặt ra nhiều câu hỏi hoài nghĩ về năng lực quản lý của chính quyền sở tại. Liệu rằng có sự tiếp tay từ đơn vị quản lý cho các cá nhân tổ chức hợp thức hoá sai phạm? Có chăng UBND phường Trúc Bạch đang đi ngược lại chủ trương của UBND TP Hà Nội?

Công trình xây dựng số 75 Phạm Hồng Thái cũng có chiều cao khủng, được thi công với 7 tầng 2 lửng 2 hầm.

Cụ thể: tại các công trình xây dựng số 25 Ngũ Xã, 75 Phạm Hồng Thái, 15 Nguyễn Khắc Hiếu đang có dấu hiệu vi phạm TTXD, phá vỡ quy hoạch phố cũ khi được chủ đầu tư cho xây dựng vượt phép nhưng vẫn ngang nhiên thi công mà không bị xử lý. Qua ghi nhận thực tế cho thấy rõ các công trình này đã bị biến tướng, được chủ đầu tư thay đổi, xây dựng tràn thành tầng, mật độ 100%. 

Nhiều người dân cho biết, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra rầm rộ, công khai, kéo dài tại công trình này nhưng không thấy cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật.

Tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Hàng loạt công trình tại phố Nguyễn Khắc Hiếu ở phường Trúc Bạch  (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đang vi phạm nghiêm trọng TTXD đô thị.

Được biết, tại phụ lục 5-B của Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội có quy định quản lý chiều cao tối đa, mật độ xây dựng, tổ chức không gian kiến trúc các ô phố. Theo đó, các công trình xây dựng tại phố Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu, Ngũ Xá, Phạm Hồng Thái có chiều cao tối đa với mặt ngoài là 3-5 tầng, còn mặt trong là 5-7 tầng, mật độ xây dựng không quá 70%, khoảng lùi từ mặt ngoài vào trong từ 3-6m.

Vậy từ đâu mà các công trình nêu trên có thể "ung dung" xây dựng vượt quy chế?

Từ thực trạng trên dư luận một lần nữa đặt ra câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (Đội QLTTXDĐT) quận Ba Đình nói chung và UBND phường Trúc Bạch nói riêng.

Công trình xây dựng số 25 Ngũ Xã thuộc phường Trúc Bạch hiện đang được chủ đầu tư cho xây dựng với chiều cao, các tầng đều lấn chiếm khoảng không để chờ sắt nhằm gia tăng diện tích sử dụng, mật độ xây dựng 100%.

Theo đó, ngày 22/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg về việc Thí điểm thành lập Đội QLTTXDĐT trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội trong thời hạn 2 năm (10/8/2018 - 10/8/2020).

Theo quy định, Đội QLTTXDĐT là lực lượng quan trọng giúp UBND cấp huyện quản lý trật tự xây dựng đô thị từ khâu kiểm tra, thiết lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý đến việc tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm.

UBND quận, huyện, thị xã được tăng thẩm quyền trong điều hành, chỉ đạo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh giữa các đơn vị; các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Nhưng sau gần 2 năm thực hiện thí điểm, vai trò của Đội QLTTXDĐT vẫn còn mờ nhạt, bởi những sai phạm về TTXD trên địa bàn thành phố còn tồn tại không ít, thậm chí còn phát sinh thêm nhiều sai phạm mới mà không hề được xử lý.

Theo ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, việc hàng loạt dự án “sống lại” do các sai phạm trước đó được hợp thức hóa xuất phát từ nguyên nhân chính là là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

“Một ngôi nhà xây dựng không phép, sai phép, gia chủ “chạy chọt”, tất nhiên là phải có tiền lót tay, thậm chí còn có cái lệ bất thành văn “lót tay” theo diện tích vi phạm. Cơ quan chức năng “nể nang”. 

Ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có rất nhiều chỉ đạo tích cực, quyết liệt để “siết” công tác quản lý TTXD. Cụ thể: Ngày 04/01/2016, UBND TP Hà Nội có ban hành Công văn số 06/UBND-XDGT về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên đia bàn thành phố Hà Nội;

Ngày 5/4/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản 1448/UBND-ĐT chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý, xử lý chưa dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng;

Ngày 17/7/2018, ban hành văn bản số 3245/UBND-ĐT yêu cầu các UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng…

Ngày 25/3/2019 Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý TTXD. Đây là nội dung được HĐND thành phố Hà Nội quan tâm giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại ba kỳ họp liên tiếp của HĐND thành phố khóa 15.

Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng nhưng một số Đội, lãnh đạo chưa thực sự đề cao trách nhiệm, chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngăn chặn các vi phạm mà giao phó cho Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị giải quyết. Một số bộ phận còn nể nang, ngại va chạm dẫn đến việc xử lý chưa được dứt điểm, kịp thời.

Bí thư Thành ủy Hà Nội - Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép...

Ngày 18/2/2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành văn bản 1316/SXD-TTr đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm.

Văn bản cũng nêu rõ: Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm.

Để giúp cho Thủ đô giải quyết triệt để bài toán quy hoạch đô thị, góp phần kiến tạo không gian sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế bền vững cần các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý dám nhìn thẳng vào sai phạm để xử lý. Việc xử lý phải rứt khoát, tuân thủ pháp luật, cứng rắn ngăn chặn, dẹp bỏ các vi phạm TTXD. Mặt khác, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm (nếu có).