PMI tháng 10 giảm còn 50,6 điểm
Cập nhật lúc: 03/11/2022, 13:18
Cập nhật lúc: 03/11/2022, 13:18
Theo báo cáo S&P Global mới công bố, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,5 điểm của tháng 9 còn 50,6 điểm trong tháng 10. Đây là mức thấp nhất trong thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng gần đây.
"Mặc dù các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục cải thiện vào đầu quý IV, đã có những dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn.
Trên thực tế, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng yếu nhất trong hơn một năm, từ đó sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tăng chậm hơn. Trong khi đó, áp lực chi phí vẫn giảm, và các công ty cũng chỉ tăng nhẹ giá bán hàng", các chuyên gia tại đây cho hay.
Báo cáo chỉ ra số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu hơn do nhu cầu giảm là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tổng thể chậm lại.
Tổng số lượng đơn đặt hàng mới chỉ tăng nhẹ, mức tăng ít nhất từ tháng 10/2021. Ở những nơi số lượng đơn đặt hàng mới tăng, nguyên nhân được cho là do nhu cầu tăng, do cạnh tranh giá cả và nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm, kể cả nhu cầu hàng xuất khẩu cũng tăng với tốc độ chậm hơn.
Tốc độ tăng sản lượng cũng chậm lại, là mức thấp nhất trong ba tháng do nhu cầu giảm. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn được phản ánh vào tình trạng tăng yếu hơn của hoạt động mua hàng và việc làm trong tháng 10. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng với mức ít đáng kể nhất trong bảy tháng, trong khi tốc độ tạo việc làm là thấp nhất kể từ tháng 7.
Tuy nhiên, số lượng nhân viên vẫn tăng mạnh trong tháng, từ đó góp phần làm giảm lượng công việc tồn đọng khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn đồng nghĩa với việc năng lực sản xuất không phải chịu áp lực.
Tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm đều giảm trong tháng 10, từ đó đã đảo ngược xu hướng tăng được ghi nhận trong kỳ khảo sát trước. Mức giảm của hàng tồn kho trước sản xuất trên thực tế là đáng kể nhất trong 16 tháng khi số lượng đơn đặt hàng mới và hoạt động mua hàng tăng chậm hơn, trong khi tồn kho hàng thành phẩm thường giảm do sản xuất tăng chậm hơn.
Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn nhưng vẫn tương đối thấp và chậm hơn nhiều so với thời gian trước đó trong năm. Những người trả lời khảo sát ghi nhận giá cả đầu vào tăng thường cho rằng nguyên nhân là do chi phí dầu, khí đốt, nguyên vật liệu thô và vận tải tăng. Mức tăng giá đầu ra vẫn còn nhẹ và trên thực tế đã giảm nhẹ so với tháng 9.
Báo cáo cũng cho biết mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới được kỳ vọng cải thiện và đại dịch COVID-19 không còn gây gián đoạn sản xuất giúp các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, niềm tin kinh doanh đã giảm thành mức thấp trong 13 tháng với những lo ngại nhu cầu có dấu hiệu giảm.
Nguồn: https://congly.vn/pmi-thang-10-giam-con-50-6-diem-217858.html
13:57, 24/10/2022
09:42, 12/09/2022
07:33, 11/09/2022
09:15, 17/08/2022