19/01/2025 | 13:22 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung

Cập nhật lúc: 12/09/2022, 09:42

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, TP Hà Nội tiếp tục phối hợp cùng các tỉnh, thành triển khai hiệu quả Chương trình OCOP.

Theo số liệu của Sở Công thương Hà Nội, thời gian qua, nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên, đối với một số nhóm hàng hóa, TP chưa thể tự cung, tự cấp. Chẳng hạn, nhu cầu tiêu dùng gạo mỗi năm của người dân Thủ đô vào khoảng 1,16 triệu tấn, trong khi sản lượng sản xuất của TP mới đạt khoảng 680.000 tấn/năm. Nhu cầu tiêu dùng rau củ các loại gần 1,3 triệu tấn/năm nhưng năng lực sản xuất mỗi năm của Hà Nội cũng mới dừng ở hơn 723.000 tấn.

Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu, Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng cường kết nối giao thương với các tỉnh, TP trên cả nước. (ảnh: Tuyết Nhi)
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu, Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng cường kết nối giao thương với các tỉnh, TP trên cả nước. (ảnh: Tuyết Nhi)

Ngoài một số sản phẩm tiêu dùng thiết yếu mà TP có khả năng tự cung, tự cấp như thịt lợn, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm…, các nhóm lương thực, thực phẩm khác còn thiếu so với nhu cầu được khai thác từ các tỉnh, thành lân cận Hà Nội và nhập khẩu từ nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… Đặc biệt có một số mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng của người dân Thủ đô phải khai thác hoặc nhập khẩu hoàn toàn từ các tỉnh, thành và các quốc gia.

Đơn cử, hiện nay trung bình mỗi năm, Hà Nội vẫn khai thác từ ngoại tỉnh khoảng 38.700 tấn đường, 19.300 tấn gia vị, 77 triệu lít dầu ăn và hơn 50.000 tấn thực phẩm chế biến các loại.

Để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho gần 11 triệu người dân đang cư trú trên địa bàn Thủ đô, thời gian qua, các sở ngành đã tập trung rà soát, nắm bắt các cơ sở sản xuất chăn nuôi, trồng trọt; từ đó có những hỗ trợ nhằm phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm, nhất là thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, thực phẩm chế biến các loại.

Theo Sở Công thương Hà Nội, tính cả năm 2022 sẽ triển khai 30 chương trình, sự kiện kích cầu tiêu dùng hàng hóa, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thương mại cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Tổ chức nhiều chương trình như: Chương trình giảm giá, khuyến mại lên tới 100% đã diễn ra từ tháng 4, trọng tâm vào các tháng 5, 7, 11/2022; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến… đẩy mạnh hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài…

Ngành nông nghiệp cũng tập trung xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, GMP… Hỗ trợ nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay, cải tiến kỹ thuật sản xuất nông lâm sản và thủy sản. Đồng thời, tổ chức có hiệu quả các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian từ nay đến cuối năm chi phí vật tư "đầu vào" còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn như: Gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây... Mặt khác, thời tiết diễn biến bất thường, từ tháng 9 sẽ bước vào mùa mưa bão, trong khi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.

Nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2,5%-3% trong những tháng cuối năm 2022, ngành nông nghiệp Thủ đô tiếp tục hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh việc tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm; đồng thời chỉ đạo các địa phương trồng rải vụ các lứa rau; chủ động triển khai kế hoạch vụ đông trên cơ sở có điều chỉnh phù hợp về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng...

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, TP Hà Nội tiếp tục phối hợp cùng các tỉnh, thành triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, xây dựng được nhiều thương hiệu sản phẩm OCOP có chất lượng, giá cả phù hợp; thường xuyên hỗ trợ giới thiệu, kết nối sản phẩm nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm…

“Bên cạnh đó, nhiều địa phương đẩy mạnh hình thành, duy trì phát triển nhiều vùng sản xuất chuyên canh trái cây, nông sản có hiệu quả kinh tế cao như: Sơn La, Hưng Yên, Lâm Đồng…), đưa ra thị trường nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng tốt; các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển mạnh với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng trên cả nước. Điều này sẽ góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường Thủ đô”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-on-dinh-san-xuat-bao-dam-nguon-cung-304572.html