14/11/2024 | 22:21 GMT+7, Hà Nội

Phương thức thu hút đầu tư, phát triển các dự án bất động sản tại khu vực có sự

Cập nhật lúc: 06/05/2024, 08:46

Để các dự án hạ tầng giao thông thực sự phát huy vai trò dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của địa phương một cách bền vững, việc thu hút đầu tư, phát triển dự án BĐS tại các khu vực có sự đầu tư hạ tầng rất cần lưu tâm.

Ba yếu tố tạo động lực đóng vai trò quyết định tăng trưởng của bất động sản trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đó là quy hoạch, chính sách ưu tiên đầu tư và hạ tầng giao thông. Trong đó, hạ tầng giao thông là vấn đề được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá, bởi những cam kết và hành động quyết liệt của Chính phủ, bộ ngành và các địa phương nhằm giải ngân vốn đầu tư công trong năm vừa qua.

Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Việc tập trung giải ngân đầu tư công, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; đồng thời tạo không gian phát triển mới vì đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ…

Hạ tầng giao thông - Động lực cho sự phát triển thị trường bất động sản

Hạ tầng giao thông là yếu tố tác động rất lớn đến thị trường bất động sản. Đây là hiện tượng đã được minh chứng và thường thấy ở bất cứ đô thị nào trên thế giới. Khi giao thông thuận tiện, giá bất động sản tăng và các dự án được đầu tư nhiều hơn.

Kế hoạch đầu tư công của Chính phủ vào các dự án trọng điểm trên cả 3 miền từ sân bay, các tuyến đường vành đai, đường cao tốc đang gấp rút được triển khai xây dựng sẽ thúc đẩy các đô thị ly tâm phát triển. Đây là cơ hội với các địa phương giáp ranh, vùng ven các tỉnh, thành phố lớn.

Năm 2023, việc phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng đã thực sự được chú trọng. Sự xuất hiện của những dự án trọng điểm giúp các vùng Đông Nam Bộ, Tây Bắc và Đông Bắc Bộ có những bước đột phá mạnh mẽ về hạ tầng để chuẩn bị bước vào giai đoạn bùng nổ đa lĩnh vực.

Trong đó, giới đầu tư kỳ vọng rất lớn vào sự "trỗi dậy" của thị trường bất động sản. Việc nhiều dự án hạ tầng giao thông cùng triển khai sẽ giúp nâng giá trị bất động sản tại khu vực, đặc biệt là bất động sản hưởng lợi trực tiếp từ các hạ tầng.

Hạ tầng giao thông là yếu tố tác động rất lớn đến thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa)

Thị trường bất động sản phía Nam với trung tâm là TP.HCM và phía Bắc là Hà Nội với bán kính xung quanh hàng trăm ki-lô-mét sẽ là vùng đất đầy tiềm năng thời gian tới. Giới đầu tư bất động sản sẽ lựa chọn "bỏ tiền" vào những nơi có yếu tố hạ tầng giao thông thuận lợi. Các khu công nghiệp cũng "mọc" lên ở những địa bàn có hạ tầng tốt, đường sá giao thông thông thoáng và có cảng biển.

Theo giới chuyên gia, việc tăng tốc giải ngân đầu tư công, phát triển hạ tầng giao thông, cùng sự xuất hiện của các đại đô thị có hệ sinh thái tiện ích - dịch vụ chuẩn chỉnh, đáp ứng nhu cầu người dân sẽ là cơ sở giúp thị trường bất động sản lấy lại đà tăng giá ngay từ cuối năm 2023 và trong cả năm 2024.

Kỳ vọng trong thời gian tới, với sự phục hồi của nền kinh tế góp phần cải thiện thu nhập của người dân, cũng như sự hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng tại các địa phương trên cả nước.

5 phương thức thu hút đầu tư, phát triển dự án bất động sản "ăn theo" hạ tầng

Để các dự án hạ tầng giao thông thực sự phát huy vai trò dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của địa phương một cách bền vững, việc thu hút đầu tư, phát triển dự án bất động sản tại các khu vực có sự đầu tư hạ tầng cần những phương thức sau:

Thứ nhất, các địa phương cần tạo quỹ đất sạch làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn; tạo niềm tin, làm cầu nối, sức lan tỏa để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư mới. Cần nghiên cứu thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, nghiên cứu giải pháp để thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách.

PGS.TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế

Các địa phương cần tạo quỹ đất sạch làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn...


Thứ hai, lựa chọn các chủ đầu tư có uy tín. Sự uy tín của chủ đầu tư đóng vai trò cốt lõi đến mức độ thành công của dự án và khả năng thu hút khách hàng. Một chủ đầu tư có nền tảng tài chính mạnh và danh tiếng tốt trên thị trường sẽ đảm bảo tiến độ xây dựng dự án được thực hiện nhanh chóng.

Do đó, cần mở rộng, tìm kiếm các đối tác tiềm năng, nhất là các nhà đầu tư lớn đã khẳng định thương hiệu thông qua các dự án phát triển đô thị, làm hạt nhân tạo sự lan tỏa để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Thứ ba, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng lập và phê duyệt quy hoạch, tổ chức tốt việc quản lý quy hoạch và thực hiện đầu tư theo quy hoạch; phân rõ trách nhiệm của địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch. Xây dựng hệ thống dữ liệu, thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trên các nền tảng thiết bị thông minh; đảm bảo cơ sở dữ liệu có đủ độ tin cậy và bao quát, minh bạch các số liệu để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận. Đổi mới cách quản lý và tiếp cận quy hoạch đô thị bằng công nghệ số, đảm bảo các thông tin đồng bộ, chính xác và thuận lợi; quản lý quy hoạch theo mục tiêu phát triển bền vững, với chiến lược dài hạn và đặc biệt có giải pháp phân kỳ đầu tư theo giai đoạn, phù hợp với nguồn lực hiện có và đảm bảo tính khả thi.

Thứ tư, cần xác định rõ các tiềm năng, lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, văn hóa, truyền thống và các nguồn lực hiện có để xây dựng, sắp xếp thứ tự ưu tiên trong thu hút đầu tư các dự án bất động sản. Trên cơ sở nguồn lực và thực trạng trong những năm qua, cần xác định lại các dự án bất động sản, cân nhắc lựa chọn cho phù hợp theo hướng giảm thiểu các yếu tố gây tổn thất xã hội và hướng đến mục tiêu cải thiện chỉ số tăng trưởng xanh.

Thứ năm, cần có chính sách quản lý hoạt động và đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản. Đặc biệt, cần minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch cũng như chính sách phát triển, đầu tư hạ tầng của địa phương. Ngoài ra, để phát triển bền vững cũng cần kiểm soát giá bất động sản, đất đai, tránh tạo cơn sốt, tạo bong bóng.

Ảnh minh họa

Khuyến nghị cho nhà đầu tư

Để tránh rủi ro, mắc kẹt, các nhà đầu tư cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư bất động sản "ăn theo" dự án sẽ có hạ tầng trọng điểm. Việc xây dựng mới, mở rộng hạ tầng giao thông sẽ đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận, tuy nhiên, việc đầu tư vào khu vực này chỉ phù hợp với người có nguồn tiền nhàn rỗi vì các dự án hạ tầng sẽ thực hiện trong thời gian dài, thậm chí chậm tiến độ. Theo đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị dòng tài chính bền vững, ổn định trong 3 - 5 năm. Cùng với đó, cần xem xét kỹ pháp lý dự án và quy hoạch của địa phương, tránh bỏ tiền vào dự án vướng quy hoạch.

Khi xác định "đón sóng" hạ tầng, nhà đầu tư cần chú trọng tính chuẩn xác của thông tin. Nếu không nắm được thông tin, người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo "cơn sốt" mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn… Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh "tiền mất tật mang" bởi thực tế đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc "ôm" đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều./.

Nguồn: https://reatimes.vn/phuong-thuc-thu-hut-dau-tu-phat-trien-cac-du-an-bat-dong-san-tai-khu-vuc-co-su-dau-tu-ha-tang-202240502161851154.htm