19/01/2025 | 15:23 GMT+7, Hà Nội

Phòng, chống xâm hại trẻ em được Quốc hội giám sát

Cập nhật lúc: 03/06/2019, 22:10

Có gần 80% ĐBQH có mặt biểu quyết đồng tình với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 về thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em.

Sáng ngày 3/6, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến 23/3, Tổng ký thư Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Quốc hội sẽ giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh minh họa.

Quốc hội sẽ giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh minh họa.

Sáng nay, các đại biểu đã tiến hành biểu quyết thông qua chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” với 79,13% đại biểu tán thành.

Về tổ chức thực hiện, Tổng Thư Ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, Quốc hội giao UBTVQH tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn đoàn ĐBQH, ĐBQH trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị giám sát, báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội; nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện, tăng cường các điều kiện đảm bảo để hoạt động giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình. Căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, đoàn ĐBQH, ĐBQH chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/phong-chong-xam-hai-tre-em-duoc-quoc-hoi-giam-sat-20190603111845736.htm