19/01/2025 | 01:59 GMT+7, Hà Nội

Phó Tổng giám đốc EVN nói về việc hóa đơn điện tăng đột biến

Cập nhật lúc: 12/07/2015, 01:31

Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua thì hóa đơn tiền điện của các hộ sinh hoạt tăng cao hơn so với các tháng trước đó. Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lý giải nguyên nhân chủ yếu cũng như biện pháp gì để xử lý tình trạng trên.

Ông Tri cho biết: Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, cả nước đã trải qua thời điểm nắng nóng cao điểm, có ngày trên 40 độ C. Trong những ngày đó, nhu cầu của cả hệ thống điện tăng trên 520 triệu kWh/ngày. Thông thường thì lượng tiêu thụ điện thường dưới 500 triệu kWh. Như vậy là vào những ngày nóng mức độ tiêu thụ điện đã tăng vọt.

“Nguyên nhân là do hiện nay người dân đang sử dụng rất nhiều các thiết bị để làm mát, nhiều nhà chạy điều hòa, tăng cường quạt và các cửa hàng tăng cường sản xuất nước đá, v.v...

Nói chung mức độ tiêu thụ điện kể cả sản xuất lẫn tiêu dùng tăng vọt. Đây là một nguyên nhân khách quan. Và thực tế số liệu thống kê của chúng tôi, sản lượng tháng 6 tăng gần 40% so với sản lượng của tháng 3. Thực tế tiêu thụ điện chung của cả hệ thống điện Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 tăng hơn khoảng 30-40% so với tháng 3/2015 vì tháng 3 thời tiết mát”- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phân tích.

Nguyên nhân hóa đơn điện tăng theo EVN là do hiện nay người dân đang sử dụng rất nhiều các thiết bị để làm mát.

Về biện pháp gì để xử lý tình trạng trên, ông Đinh Quang Tri khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm.

“Vì khi chúng tôi huy động hết công suất phát điện vào những ngày nắng nóng thì phải huy động các nhà máy có giá thành rất cao, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện.

Như chúng ta thấy, trong các ngày nóng vừa qua, hầu như không bị cắt điện ở bất kỳ khu vực nào, trừ những trường hợp các khu vực bị sự cố là do bị quá tải lưới hoặc máy biến áp gặp sự cố. Tại các khu vực nhỏ đó bị gián đoạn trong cung cấp điện nhưng chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị tiến hành sửa chữa, thậm chí thay máy biến áp ngay để đáp ứng nhu cầu của người dân”- ông Tri nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết: Theo quy định tại Luật Điện lực, khi có nghi ngờ về cách tính hóa đơn tiền điện thì các khách hàng sử dụng điện có thể kiến nghị đến các đơn vị bán lẻ điện trực tiếp bán điện cho khách hàng và hiện nay theo quy định, cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chính là các Sở Công Thương.

Khi khách hàng có thắc mắc về công tơ, về hóa đơn tiền điện, cách tính hóa đơn tiền điện, cách tính chỉ số công tơ thì hoàn toàn có quyền kiến nghị trực tiếp đến đơn vị bán lẻ điện. Ông Tuấn dẫn ví dụ như trong trường hợp khách hàng không thỏa mãn với giải thích của các Công ty điện lực này thì khách hàng có quyền gửi đơn kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương là các Sở Công Thương.

"Và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của khách hàng sử dụng điện và người dân, Sở Công Thương phải có trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra và trả lời cho khách hàng sử dụng điện. Như vậy, với quy định của Luật Điện lực hiện nay chúng ta đã có cơ quan độc lập để kiểm định hóa đơn tiền điện cũng như các thiết bị đo đếm điện, công tơ điện cho khách hàng" - Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định./.