22/11/2024 | 16:42 GMT+7, Hà Nội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa

Cập nhật lúc: 26/05/2019, 06:00

Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia năm 2019 với chủ đề: “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ phát động

Ngày 25/5, tại TP. Thanh Hoá, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức Lễ Phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia năm 2019 với chủ đề: “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”.

Tham dự Lễ phát động có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em; đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em; đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, đại diện các Tổ chức quốc tế, đại diện các thầy cô giáo và hơn 1.300 học sinh tỉnh Thanh Hoá.

Các hành vi vi phạm quyền trẻ em phải bị xử lý nghiêm

Tại buổi lễ Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát động: “Hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Ủy ban quốc gia về trẻ em với Thanh Hóa tổ chức phát động với 3 chủ đề phù hợp. Tháng hành động là 1 tháng để nhắc nhở chúng ta cần chú ý vấn đề này, công việc cần thực hiện trong cả 12 tháng với 365 ngày trong năm”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không cần nói nhiều về sự quan trọng của trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Việt Nam đang phát triển, đất nước còn nghèo, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn nhiều trẻ em thấp còi, chưa được tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục như các bạn ở vùng đồng bằng. Trong hơn 26 triệu trẻ em, còn nhiều em bị bỏ rơi (do lỗi lầm của người lớn), nhiều em bị suy dinh dưỡng, không ít trẻ em bị bạo hành, bóc lột sức lao động, cả về tình dục. Còn không ít trẻ em bị thương do tai nạn, thậm chí bị chết do đuối nước”.

Phó Thủ tướng cho biết thêm: “Năm 2019 là năm thứ 30 chúng ta ký Công ước về quyền trẻ em, năm thứ 25 chúng ta tổ chức Tháng hành động vì trẻ em. Theo Luật Trẻ em quy định, trẻ em có 25 quyền, các cháu cần được phổ biến đầy đủ. Bên cạnh các phong trào phát động, cần chú ý thực hiện thật tốt quyền của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, các cấp, các ngành, xã hội. Cần làm cho mọi người trong xã hội, nhất là trẻ em biết được quyền của mình. Khi đó, các tổ chức, cá nhân cần phải được ràng buộc trách nhiệm thực hiện về công tác đảng, chính quyền, tổ chức, các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm”.

Phó Thủ tướng lưu ý: “Trong những năm qua, tôi thấy có 2 điểm cần đặc biệt lưu ý, từ xưa, cách giáo dục của người Á Đông “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, nghĩa bóng là phải nghiêm khắc uốn nắn trẻ em. Xã hội ngày càng văn minh, câu đó cần được hiểu cho đúng với thời đại. Chúng ta cần nghiêm khắc với trẻ em bằng tấm lòng, tình thương, trẻ em bị tổn thương không chỉ phải bởi roi vọt mà còn bởi cả những lời nói, lời nói nặng làm các em rất buồn – đó cũng là xâm hại.

Điều thứ 2 là chúng ta đừng coi trẻ em là những đối tượng chỉ biết vâng lời, làm theo người lớn. Hãy coi trẻ em cũng là đối tác tiến bộ, cần tôn trọng trẻ em. Có 1 năm chúng ta đã phát động “Lắng nghe trẻ em nói” hãy để các em thể hiện, các em có quyền tham gia, bày tỏ chính kiến của mình, không nên chỉ một chiều, điều này rất quan trọng với các bậc cha mẹ, giáo viên. Đổi mới giáo dục không phải chỉ một chiều, mà thầy và trò cần trao đổi với nhau trong tiết học, học những cái mới trong các tiết học. Tôi mong rằng tất cả chúng ta cùng chăm lo cho thế hệ mai sau, quan tâm đến trẻ em trong dòng họ,quê hương, đất nước mình…”

Bảo đảm xử lý các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em với 3 cái nhất

Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Bảo đảm xử lý các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em với 3 cái nhất: Xử lý kịp thời nhất; Xử lý nghiêm minh nhất; Hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em. Trẻ em có quyền được sống và hưởng thụ tất cả những gì tốt đẹp nhất dành cho trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 cần tập trung: Tổ chức chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; Vận động toàn xã hội chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số… Bảo đảm cho các em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 2Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ phát động

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 3Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng phát biểu tại buổi Lễ phát động

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 4Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ

Bộ trưởng cho biết thêm: “Cả nước ta hiện nay vẫn còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo theo phương thức tính thiếu hụt các quyền của trẻ em (chiếm khoảng 21% tổng số trẻ em của cả nước), trong đó vùng Trung du - miền núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ em nghèo cao nhất (chiếm 41,5% số trẻ em nghèo).

Việc triển khai thực hiện các quyền trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn gặp nhiều thách thức (khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về cơ hội phát triển và đặc biệt là tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em giữa các vùng kinh tế và dân tộc vẫn còn khác nhau); mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và trên 1.500 trẻ em là nạn nhân của của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em...”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 5Lễ phát động thu hút đông đảo các em học sinh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 6Một trong những tiết mục văn nghệ đặc sắc do các em học sinh biểu diễn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 7Đại diện trẻ em tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi lễ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 8

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 9Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Đào Ngọc Dung in dấu tay trên quả cầu

mang thông điệp "Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng,

chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 10Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chụp ảnh cùng các em học sinh

”Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu: “Đây là một trong những sự kiện quan trọng về công tác tuyên truyền bảo vệ quyền trẻ em, Việt Nam đã đạt được những kết quả và đi đầu trong công tác bảo vệ quyền trẻ em. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển kinh tế trong tương lai…”.

Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là việc làm thường xuyên

Phát biểu hưởng ứng tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng cho biết: “Tỉnh Thanh Hóa có dân số trên 3,6 triệu người; trong đó trẻ em dưới 16 tuổi khoảng 890.000 em, chiếm 25%. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng. Thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 của tỉnh; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã có những bước tiến vượt bậc. Năm 2018, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn 4,8%, giảm 0,6% so với năm 2016; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT; tỷ lệ trẻ em đi học Tiểu học đúng tuổi đạt 99%; tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 98%; 100% trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau như trợ cấp, hỗ trợ theo chính sách, cấp học bổng, thăm hỏi tặng quà, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập; toàn tỉnh có 569/635 xã, phường, thị trấn được công nhận là xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 11Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Quốc gia tại Thanh Hóa - Ảnh 11

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà và học bổng cho các em học sinh

Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh: “Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp phải những vấn đề cấp thiết cần được quan tâm, giải quyết đó là tình trạng đuối nước trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn đang còn xảy ra và diễn biến phức tạp”.

Em Quách Thị Ngọc – HS Trường tiểu học Xuân Phúc, huyện Như Thanh chia sẻ: “Em sinh ra tại huyện miền núi Thanh Hoá, ngay trong trường chúng em cũng đã được các thầy cô dạy kỹ năng sống, dạy cách tự bảo vệ bản thân, đặc biệt là đối với các bạn nữ, cần phải nhận biết các hành vi xâm hại tình dục và bạo lực để phòng tránh và tự bảo vệ cho bản thân”.

Em Trương Công Quốc - HS Trường THCS Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thuỷ cho biết: “Em ở huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá. Cẩm Thuỷ là một trong những huyện miền núi có nhiều sông suối, có con sông Mã chảy qua, các bạn ở trường em sau khi đi học về thường rủ nhau ra tắm sông, nguy cơ xảy ra đuối nước với các bạn là rất cao. Vì vậy, ngay khi đang đi học, em và các bạn đã được nhà trường cho học bơi và cách phòng chống đuối nước”.

Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Hưởng ứng Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, phòng, chống đuối nước trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng phát động: “Tiếp tục cụ thể hóa và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu hành động vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020, trong đó trọng tâm là các hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong tỉnh về thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, tạo dư luận kiên quyết đấu tranh với những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức, vi phạm pháp luật về quyền trẻ em. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ chăm sóc trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em: chú trọng giáo dục kiến thức kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục, tổ chức dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, để phòng, chống đuối nước cho trẻ em… Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em và “không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”…

Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là việc làm thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh vì tương lai của quê hương, đất nước. Nhân dịp này, đã tặng 300 bộ áo phao, 500 mũ bảo hiểm, 100 suất quà và 70 suất học bổng cho trẻ em Thanh Hóa./.