20/01/2025 | 23:56 GMT+7, Hà Nội

Phim Việt tháng 8: Không ồn ào nhưng đáng để tò mò

Cập nhật lúc: 26/08/2019, 14:01

Ba phim Việt ra mắt tháng 8 đều không được quảng bá giới thiệu quá rầm rộ, nhưng mỗi phim lại có một màu sắc thú vị riêng.

Sự “nhảy sân” của ca sĩ nổi tiếng một thời Đan Trường liệu có đánh bật được nhưng lời khen đang dành cho chuyện tình đồng tính của “Thưa mẹ con đi”? Hay bộ phim nhiều tâm huyết của đạo diễn Đức Thịnh với bối cảnh đảo xa, có đủ đưa khán giả đến rạp để cùng nghĩ về những giá trị sống đẹp giữa mùa thu này?

“Thưa mẹ con đi” đang bước vào những ngày công chiếu đầu với nhiều lời khen ngợi. Chỉ qua một teaser ngắn giới thiệu về chuyện tình yêu đồng giới của hai chàng trai, vài lời than phiền của đạo diễn về số suất chiếu ít ỏi khi ra rạp, đến ngày gần công chiếu, bộ phim mới gợi được vài “tình huống” tò mò. Nhưng, qua những suất chiếu sớm, “Thưa mẹ con đi” lại nhận được nhiều phê bình tích cực. Có ý kiến cho rằng: Trong bối cảnh điện ảnh Việt đang thừa mứa những bộ phim giải trí hời hợt và thiếu vắng những tác phẩm độc lập chân thực, gần gũi và mang hơi thở của cuộc sống đương đại, “Thưa mẹ con đi” là một sự cố gắng đáng cổ vũ của những nhà làm phim độc lập.

“Thưa mẹ con đi” kể câu chuyện về Văn, một chàng thanh niên 28 tuổi trở về Việt Nam sau nhiều năm sống tại Mỹ. Sự trở về của Văn khiến cả gia đình ba thế hệ, đặc biệt là người mẹ của anh rất ngạc nhiên, nhất là khi anh không về một mình mà đi cùng Ian - một anh chàng Việt kiều mới 20 tuổi. Và bối cảnh phim bắt đầu làm “lộ” ra những quan hệ tình cảm đồng giới của hai chàng trai - ở nơi mà những quan niệm, những quan hệ gia đình vẫn còn nhiều “lề thói”.

Mọi thứ trong “Thưa mẹ con đi” được thể hiện mạch lạc với cấu trúc rõ ràng. Nhưng cái đáng khen nhất ở chỗ phim đã xử lý câu chuyện đồng tính rất khéo léo. Không lố lăng, kệch cỡm hóa như nhiều nhân vật đồng tính trong các bộ phim hài Việt; đồng tính trong phim được xử lý vừa đủ và văn minh, cùng vài khoảnh khắc tinh tế. Và quan trọng hơn cả, câu chuyện đồng tính đó được đặt trong những giá trị gia đình thấm đẫm tình thương yêu.

phim viet thang 8 khong on ao nhung dang de to mo
Cảnh trong phim “Anh thầy ngôi sao” , sẽ ra rạp vào cuối tháng 8-2019. Ảnh: Đoàn làm phim

Chỉ sau “Thưa mẹ con đi” mấy ngày, “Anh thầy ngôi sao” cũng rục rịch ra rạp. Đạo diễn Đức Thịnh cho biết, “Anh thầy ngôi sao” là đứa con tâm huyết suốt nhiều tháng trời của anh. Ê-kíp đã vật lộn với nắng gió ở đảo xa - bối cảnh chính của phim để có những cảnh quay chân thực nhất. Trong phim, Huyme vào vai thầy giáo Hoàng có ước mơ trở thành ngôi sao nhưng không thành công. Anh làm nghề giáo theo ước muốn của ba mẹ và bị cử ra đảo Quý dạy học. Quá trình sống chung với người dân đảo, với các học sinh vùng khó khiến anh thấm thía được nhiều giá trị của cuộc sống.

Đáng chú ý ở chỗ, đây là phim đánh dấu dự trở lại của đạo diễn Đức Thịnh sau dự án phim Tết – “Trạng Quỳnh” – bị chê lên chê xuống. Những nhận xét đầu tiên về “Anh thầy ngôi sao” khá tốt. Nhiều khán giả cho rằng, đạo diễn Đức Thịnh đã có một cú lội ngược dòng rất đáng khen. “Anh thầy ngôi sao” thực sự là phim rất dễ thương, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần thấm thía. Chưa kể, các diễn viên nhí trong phim thực sự hợp vai và là một “phát hiện” của Đức Thịnh.

Cùng thời điểm ra mắt với “Anh thầy ngôi sao”, dự án phim kinh dị đầu tiên của điện ảnh Việt trong năm 2019 cũng ra mắt. Đó là “Cha ma” của đạo diễn Bá Vũ. Vậy là sau hơn 4 năm, kể từ “Ngủ với hồn ma”, đạo diễn Bá Vũ mới ra phim mới. “Cha ma” được coi là phim Việt hiếm hoi mà yếu tố dọa ma do chính ma dọa, được kể với lối “cân não”, căng thẳng từ đầu chí cuối.

Đạo diễn Bá Vũ chia sẻ trước khi phim công chiếu rằng: “Điều hài lòng nhất là câu chuyện trên màn ảnh hiện giờ đã vượt xa hơn mong muốn của kịch bản ban đầu. Đây là điều thực sự kỳ lạ. Vì vẫn câu chuyện ấy, vẫn chất liệu đã quay ấy, thế mà tôi lại không thể hình dung nổi là diễn tiến của bộ phim lại rẽ sang một hướng khác - một diễn tiến mà ban đầu tôi và hai đồng biên kịch đã không thể nào nghĩ ra”.

Gây tò mò nhất của “Cha ma” có lẽ là sự xuất hiện của nam ca sĩ vạn người yêu thích: Anh Bo – Đan Trường. Bản thân Đan Trường trong sự nghiệp của mình đã từng nhiều lần đóng phim, cả truyền hình và điện ảnh, nhưng đây là lần đầu tiên anh xuất hiện trong phim kinh dị với một hình ảnh hoàn toàn khác biệt. Khán giả cũng đã quá quen thuộc với hình ảnh một Đan Trường quá đỗi chỉn chu, thân thiện và hiền lành, nên lần “thay đổi hình tượng” này của anh nhận được rất nhiều chú ý. Đạo diễn của phim chia sẻ: Nhân vật của Đan Trường xuất hiện không nhiều trong “Cha ma”, nhưng đó là vai diễn chìa khóa của phim.

Sau suốt một mùa hè lặng lẽ và im ắng, ít ỏi phim ra rạp, kiểu “nhắm mắt để nhường sân cho bom tấn ngoại”, ba phim Việt đã cùng trở lại trong những ngày đầu thu, với những màu sắc hết sức khác biệt – mở màn cho chặng đường quay lại rạp của phim nội nửa cuối năm 2019. Và mặc dù không được chú ý quảng bá theo kiểu… mỗi động thái đều gây chú ý như “Mắt biếc” của Victor Vũ, thì những phim này cũng có những cốt truyện rất đáng trông đợi, đa phần của những nhà làm phim độc lập, chịu khó tìm tòi và muốn tìm một hướng đi khác biệt, mới mẻ cho điện ảnh trong nước. Đúng như nhiều nhận xét, rằng tư duy làm phim trong nước đang có những thay đổi tiến bộ, mà ở đó, họ quan tâm đến cách giải quyết các tình huống phim và giá trị sống mà họ gửi gắm trong mỗi sản phẩm phim ra mắt.

 

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/phim-viet-thang-8-khong-on-ao-nhung-dang-de-to-mo-159994.html