22/11/2024 | 12:06 GMT+7, Hà Nội

Phim truyền hình tìm lại vị trí vàng: Áp lực giữ chân khán giả?

Cập nhật lúc: 23/08/2019, 10:00

Hiệu ứng quá lớn từ bộ phim “Về nhà đi con” khiến cho những bộ phim nối sóng tiếp theo như “Những nhân viên gương mẫu”, “Hoa hồng trên ngực trái” chịu nhiều áp lực để tạo sức hút với khán giả.

85 tập phim “Về nhà đi con”(đạo diễn Nguyễn Danh Dũng – Đức Hiếu) và 5 tập ngoại truyện đã kết thúc nhưng vẫn để lại dư âm đối với khán giả. Nhiều khán giả bày tỏ ra tiếc nuối, hụt hẫng khi thời gian qua họ gần như sống với phim, sống với nhân vật. “Về nhà đi con” tạo cú hích lịch sử khi được khán giả cả nước mong ngóng từng tập phim. Bộ phim còn mang về số tiền quảng cáo “khủng” khi chỉ cần gõ từ khóa tên phim vào thanh tìm kiếm của Google sau 0,37 giây người dùng có thể nhận về 477 triệu kết quả. Dù chỉ là những trích đoạn giới thiệu trên fangage nhưng những clip preview luôn nằm trong tab thịnh hành của YouTube với hàng triệu lượt xem.

Fanpage chính thức của “Về nhà đi con” có gần 1 triệu người theo dõi và thu hút bình luận trong từng diễn biến của phim. Nhiều bình luận cho rằng, đã khá lâu họ mới quay trở lại xem phim Việt. Nhiều lời ngợi khen cho phim Việt với dàn diễn viên ngày càng chuyên nghiệp và đầu tư kịch bản, lời thoại kỹ lưỡng cùng với công nghệ ghi hình hiện đại. “Về nhà đi con” thực sự chạm đến trái tim khán giả bởi một kịch bản rất đời. Mô típ gia đình chưa bao giờ là cũ, nhưng để vận dụng vào phim để tránh tạo nên lối mòn, nhàm chán là một thách thức không nhỏ với ê-kíp làm phim sau này.

phim truyen hinh tim lai vi tri vang ap luc giu chan khan gia
“Những nhân viên gương mẫu” chưa nhận được sự quan tâm từ khán giả sau 4 tập phát sóng.
(Ảnh: Đoàn làm phim)

Và chính dư âm thành công quá lớn của bộ phim đã lấn át sự quan tâm của khán giả với những bộ phim phát sóng ngay sau đó. “Những nhân viên gương mẫu" (đạo diễn: Vũ Trường Khoa - Lê Mạnh) nối sóng cùng khung giờ dù được đầu tư chỉn chu về kịch bản, hình ảnh, diễn viên nhưng vẫn chịu số phận “lép vế” trước hiệu ứng quá lớn từ phim “Về nhà đi con”. Thậm chí “"Hoa hồng trên ngực trái" (đạo diễn Vũ Trường Khoa) ngay từ khi ra mắt đã gây ồn ào từ scandal của diễn viên Kiều Thanh nhưng vẫn chung số phận vắng khán giả tương tác.

Trước đó, “Hoa hồng trên ngực trái” dự báo sẽ vượt mặt “Về nhà đi con” ở độ ăn khách nhưng phản ứng vài tập đầu của khán giả thì chưa được như kỳ vọng. Kịch bản cùng lời thoại không có nhiều nhân tố đặc biệt. Có lẽ, khán giả đã quen với lời thoại rất đời của “Về nhà đi con” nên với lời thoại còn nhiều đài từ cũng là “điểm trừ” của bộ phim này. Cùng với đó, lối diễn của các diễn viên chưa thực sự gây ấn tượng với khán giả. Lương Thanh (vai Trà) của “Hoa hồng trên ngực trái” được cho là sẽ đánh bại các “tiểu tam” trước đó, song nhiều khán giả nhận định có lẽ cô hợp với những vai hiền hành, nhu mì nhiều hơn.

Đạo diễn Vũ Trường Khoa từng tạo tên tuổi với các bộ phim truyền hình ăn khách như “Sống chung với mẹ chồng”, “Cả một đời ân oán”, thế nên với sự bảo chứng từ người đạo diễn tài năng này, khán giả hi vọng “Hoa hồng trên ngực trái” sẽ kể câu chuyện ấn tượng và tư duy sáng tạo trong kịch bản để đến gần hơn với khán giả. “Những nhân viên gương mẫu” quy tụ dàn diễn viên đình đám như: NSND Lan Hương, NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Vân Dung, Diễm Hương, Tiến Lộc, Mạnh Hưng, Đỗ Duy Nam, Trung “ruồi”… kể về câu chuyện “đấu đá” chốn văn phòng với những lời thoại hài hước. Phim được dự kiến 50 tập, dù mới được phát sóng vài tập đầu nên chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả. Có khán giả nhận định phim được sản xuất tương tự mô-típ phim sitcom dài tập nhiều hơn là dạng phim truyền hình.

Trong buổi ra mắt phim “Những nhân viên gương mẫu”, đạo diễn Lê Mạnh từng chia sẻ về áp lực đối với ê-kíp khi nối sóng sau “Về nhà đi con”. Tuy nhiên, đạo diễn Lê Mạnh cũng cho rằng điều này sẽ trở thành động lực để ê-kíp trau chuốt hơn cho bộ phim, để không chỉ “Những nhân viên gương mẫu” mà những bộ phim tiếp sau đó của Đài THVN phát sóng ở khung giờ này tiếp tục thu hút được khán giả truyền hình.

Được biết, bộ phim “Về nhà đi con” là bộ phim đầu tiên mở đầu cho khung giờ phát sóng mới dành cho phim trên VTV. Theo đó, những bộ phim được phát sóng khung giờ mới này được phát sóng trên kênh VTV1 – 21 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, mỗi tập phim dài 30 phút. Điều này trở thành một thách thức với đoàn làm phim là phải làm sao để phim không nhàm chán, để phim có thể giữ chân khán giả suốt năm ngày trong một tuần.

Thời điểm đó, chính ê-kíp phim “Về nhà đi con” cũng gặp áp lực không nhỏ trong tư duy sáng tạo và kịch bản cùng với áp lực vượt qua cái bóng của “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” trước đó. Nhưng, chính áp lực trở thành động lực để thành công. Một ê-kíp chuyên nghiệp cùng với sự nỗ lực của dàn diễn viên đã đưa “Về nhà đi con” thành công ngoài mong đợi. Một Thu Quỳnh lột xác hoàn toàn khỏi My “sói” mưu mô, tàn nhẫn trong “Quỳnh búp bê” để thành cô chị cả Huệ hiền lành. Bảo Thanh cũng không còn là nàng dâu có phần chịu đựng trong “Sống chung với mẹ chồng” mà hóa thân thành cô chị hai Anh Thư sắc sảo, luôn mong muốn lấy được tấm chồng giàu để có tiền phụng dưỡng bố - người cô yêu thương nhất trên đời. Một “ông bố quốc dân” Trung Anh hiền lành khác biệt với vai Lương Bổng “Người phán xử”,… Bộ phim sản xuất theo dạng cuốn chiếu, vừa sản xuất và nghe ngóng sự quan tâm của khán giả để điều chỉnh kịch bản hợp với đại chúng và mang hơi thở thời đại.

Thành công của bộ phim “Về nhà đi con” cho khán giả niềm tin vào phim Việt. Sự khởi sắc của dòng phim truyền hình cho thấy nhu cầu thưởng thức lớn từ khán giả. Chính điều này tạo động lực cho các nhà sản xuất phim truyền hình đổi mới, sáng tạo, trong đó Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) có vai trò quan trọng trong việc định hướng và đầu tư cho phim Việt ngày càng chất lượng cả nội dung và hình thức.

Mặc dù phim Việt còn có những điểm trừ, cùng với đó là sự trồi sụt về kịch bản hay, như trường hợp bộ phim “Mê cung” (đạo diễn Nguyễn Khải Anh – Trần Trọng Khôi) được giới thiệu là bộ phim “bom tấn” đề tài phim hình sự, tuy nhiên, kết thúc bộ phim không tạo được tiếng vang về kịch bản càng về cuối càng nhạt. Để tạo giá trị cho dòng phim truyền hình, nhà sản xuất đã dùng chiêu thức “đổi gió” kịch bản cũng là cách “lấy ngắn nuôi dài” để kéo khán giả trở lại với màn ảnh Việt từng một thời gian chìm nổi trước sự ép sóng của các gameshow giải trí.

 

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/phim-truyen-hinh-tim-lai-vi-tri-vang-ap-luc-giu-chan-khan-gia-159676.html