18/01/2025 | 20:15 GMT+7, Hà Nội

Phí bảo hiểm dành cho xe cơ giới tăng tới 20% kể từ 1/4

Cập nhật lúc: 25/03/2016, 21:23

Kể từ ngày 01/04/2016 tới đây, Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chính thức có hiệu lực.

Theo đó, mức phí bảo hiểm trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ tăng từ 10% - 20% đối với 13 dòng xe có tỷ lệ tai nạn, rủi ro cao.

Đây là thông tư quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thay thế Thông tư 126/2008/TT-BTC và Thông tư 151/2012/TT-BTC và Thông tư 43/2014/TT-BTC.

13 dòng xe nằm trong danh mục điều chỉnh phí bảo hiểm gồm:

  • Xe dưới 6 chỗ ngồi, xe 16 chỗ ngồi, 24 chỗ ngồi và trên 25 chỗ ngồi
  • Xe tải từ 8 đến 15 tấn, trên 15 tấn
  • Một số loại xe khác (taxi, xe chuyên dùng, đầu kéo rơ-moóc, xe máy chuyên dùng)

Đại diện cơ quan quản lý cho rằng việc tăng phí này là nhằm đảm bảo an toàn tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ - đơn vị trực tiếp cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và cũng phù hợp, do mức trách nhiệm bảo hiểm đã được tăng lên.

 

Như vậy, phí bảo hiểm đối với xe ô tô dưới 6 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải tăng lên mức 437.000 đồng/năm (tăng 40.000 đồng/năm so với trước).

Các xe ô tô 16 chỗ ngồi kinh doanh vận tải là 3,054 triệu đồng/năm (tăng 509.000 đồng/năm) và xe ô tô 24 chỗ ngồi kinh doanh vận tải là 4,632 triệu đồng/năm (tăng 772.000 đồng/năm).

Mức phí đối với các loại phương tiện cơ giới còn lại vẫn được giữ nguyên.

Cụ thể, phí bảo hiểm với mô tô hai bánh là 55.000 - 60.000 đồng/năm (tùy dung tích).

Đối với xe ô tô không kinh doanh vận tải từ 6 - 11 chỗ ngồi là 794.000 đồng/năm.

Các loại xe tải dưới 3 tấn là 853.000 đồng/năm.

Ngoài ra, Thông tư mới cũng điều chỉnh hàng loạt các chính sách về bảo hiểm có lợi hơn cho người dùng. Cụ thể: Nâng số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả trong trường hợp có thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra lên 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn (trước đây là 70 triệu đồng/người/vụ).

Đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

Còn các trường hợp thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

Thông tư mới cũng nêu rõ, trong thời hạn 5 ngày (kể từ ngày xảy ra tai nạn), chủ xe gửi thông báo bằng văn bản và tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường tới doanh nghiệp bảo hiểm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm phải thanh toán bồi thường cho chủ xe trong 15 ngày, từ khi nhận được hồ sơ hoặc trong 30 ngày nếu phải tiến hành xác minh hồ sơ.