24/01/2025 | 07:39 GMT+7, Hà Nội

Phát triển vùng liên kết nguyên liệu nông - thủy sản và tăng lợi thế cạnh tranh

Cập nhật lúc: 08/01/2020, 09:18

Ngày 6/1/2020, tại TP Long Xuyên, An Giang, Tập đoàn Sao Mai đã tổ chức tổng kết công tác phát triển vùng nguyên liệu nông - thủy sản niên vụ 2019.

Đại diện Sở NN&PTNT, Hiệp Hội cá Tra Việt Nam và gần 200 nông dân là hộ nuôi (cá tra) và hộ trồng khoai mì trong mô hình liên kết ở các tỉnh An Giang - Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang đã đến tham dự.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trong năm, bất chấp giá cá tra sụt giảm mạnh so với năm 2018 nhưng sản lượng của vùng nuôi liên kết rộng khoảng 350 ha vẫn đạt hơn 10.000 tấn cá/tháng, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho 3 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty IDI (thành viên Sao Mai Group) hoạt động ổn định. 12 năm duy trì và ngày càng khẳng định hướng đi phù hợp, mô hình liên kết với nông dân đã giúp Công ty hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu để linh hoạt thực hiện chiến lược mở rộng thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường cá da trơn thế giới. Nhiều năm liên tục, IDI giữ vững vị trí TOP đầu trong các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, đóng góp tích cực vào ngành hàng cá tra của đất nước.

Ông Khưu Đức Hùng - Hộ nuôi cá ở Long Xuyên, Dù giá cá tra xuống thấp nhưng các hộ dân tham gia mô hình nuôi liên kết với Sao Mai vẫn có lãi ổn định

Khác hẳn với 2018, giá cá tra thương phẩm hiện đang dao động từ 17.000 -18.000 đồng/kg khiến cho hàng loạt hộ nuôi ĐBSCL điêu đứng tìm doanh nghiệp tiêu thụ, riêng các thành viên liên kết với Sao Mai vẫn “sống khỏe” khi được Tập đoàn này mua vào theo hợp đồng với giá 25.000 đồng/kg. Lãnh đạo Sao Mai Group chia sẻ: “Tập đoàn đã chi 600 - 700 tỷ đồng để bù lỗ vào sự chênh lệch khi giá cá đang rơi tự do như hiện nay. Sao Mai chấp nhận chịu thiệt để giữ chữ tín trong kinh doanh một khi cam kết bao tiêu cá thương phẩm cho hộ nuôi”. Việc làm thiết thực ấy đã góp phần ổn định nghề nuôi cá tra ở khu vực, đồng thời minh chứng cho câu nói “Ai nuôi cá cho IDI mà lỗ thì chính tôi lấy tiền túi ra bù” của người đứng đầu Sao Mai.

Ông Chao Sóc Khon - Thành viên trong mô hình liên kết trồng mì với Tập đoàn Sao Mai gửi lời tri ân với doanh nghiệp

Cũng tương tự như vậy, năm 2018, Sao Mai đã chi hơn nửa tỷ đồng để tài trợ vốn, giống, chuyển giao phương thức canh tác cho 17 hộ dân người Khmer tham gia mô hình trồng mì (KM140) khảo nghiệm ở Tịnh Biên - An Giang. Vụ đầu tiên, cây khoai mì đã cho mùa bội thu với năng suất bình quân 35 tấn/ha và Tập đoàn Sao Mai thực hiện bao tiêu. Kết quả thành công bước đầu là nền tảng quan trọng để niên vụ KM140 - 2019 nhanh chóng nhân rộng lên 100 ha của hơn 80 hộ. Đầu tháng 2 năm nay, nông dân sẽ bước vào thu hoạch đại trà và dự báo năng suất sẽ đạt từ 40 tấn/ha trở lên, Sao Mai tiếp tục bao tiêu cao hơn giá thị trường.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam đánh giá cao mô hình hộ nuôi liên kết của Tập đoàn Sao Mai

Theo kế hoạch, diện tích KM140 sẽ được Tập đoàn phát triển mạnh khoảng 5.000 ha trải dài qua 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của vùng Bảy Núi. Khi ấy, sản lượng khoai mì sẽ đảm bảo cung cấp 100% nguồn nguyên liệu cho Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản (Sao Mai Super Feed) đang được nâng công suất từ 375.000 tấn/năm (hiện nay) lên 500.000 tấn/năm (2020 - 2022).

Vẫn còn mang tính thời sự khi giữa năm 2019 Tập đoàn Sao Mai đã phát điện thương mại thành công Nhà máy điện năng lượng mặt trời ở huyện Tịnh Biên. Sao Mai Solar PV1 trong giai đoạn I có công suất 104 MW, trên diện tích 130 ha, vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Hiện nay, bên cạnh những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật được đào tạo chuyên môn từ Nhật Bản còn có nhiều lao động người dân tộc Khmer đang làm việc trong nhà máy với mức thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày/người.

Ông Lê Thanh Thuấn - Tổng Giám đốc Sao Mai Group khẳng định, 'Ai nuôi cá cho IDI, trồng mì cho Sao Mai Super Feed mà lỗ thì chính tôi lấy tiền túi ra bù'

Giai đoạn II của dự án có vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, công suất 106MW, trên tích 145 ha sẽ được Sao Mai xúc tiến xây dựng trong 2 năm tới. Theo kế hoạch, cánh đồng pin NLMT sẽ trở thành mô hình du lịch đặc biệt kết hợp với phát triển nông nghiệp sạch dưới tầng pin. Sao Mai Solar ngoài việc cung cấp điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân, giảm hiệu ứng khí thải CO2, đảm bảo nguồn năng lượng sạch cho quốc gia và góp phần quan trọng ổn định chính trị, phát triển kinh tế biên giới Tây Nam.

1 năm nhìn lại công tác phát triển vùng nguyên liệu nông - thủy sản và nhận diện sự thay đổi rõ nét ở nông thôn, nơi Sao Mai đầu tư mới thấy hết sự “bao dung” của Tập đoàn này dành cho nông dân Đất Chín Rồng ở ngay thời điểm khó khăn của nghề nuôi cá tra. Và cũng chính Sao Mai đã vạch một hướng đi mới cho cây khoai mì ở vùng đất khô cằn Tịnh Biên, để cứu cánh cho cộng đồng người dân tộc Bảy Núi.

Lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai chụp ảnh lưu niệm với hộ nuôi cá tra, hộ trồng mì tại Hội nghị

Những con số kết quả “biết nói” ở diện tích, sản lượng thành phẩm có thể cân đong đo đếm được, còn sự ổn định đời sống từ vật chất đến tinh thần của hàng ngàn hộ nghèo đã đổi đời thì không thể đơn giản bằng cách đo lường. Tất cả đã được đánh giá khách quan qua những câu chuyện thật cảm động không kém phần thú vị. Trên những gương mặt rạng ngời của những hộ nuôi - trồng liên kết với Sao Mai ngay tại Hội nghị này, thể hiện sự mỹ mãn của sự bắt tay giữa họ với đối tác. Nông dân- chính họ đã chia sẻ với các nhà báo đề nghị khắc ghi và nhắc nhớ về văn hóa đẹp trong ứng xử của Tập đoàn lớn.

Qua những minh chứng sống động đó, mong sao có nhiều doanh nghiệp như Sao Mai để làm nơi nương tựa cho người nuôi cá, hộ trồng mì hoặc các sản phẩm nông nghiệp khác, ở các địa phương để họ yên tâm sản xuất. Đấy cũng là cách thực tế hóa xúc tác sức thuyết phục cho chủ trương lớn của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới mà “mô hình liên kết phát triển vùng nguyên liệu” của Sao Mai là một điển hình.