Phát triển thiếu quy hoạch: Thiếu tiền hay thiếu tầm?
Cập nhật lúc: 25/10/2019, 10:00
Cập nhật lúc: 25/10/2019, 10:00
Dù không muốn nhưng tôi vẫn phải nhắc lại, nếu không được chính quyền bật đèn xanh, có... cho kẹo chủ đầu tư cũng chẳng dám xây dựng ngôi nhà to oành trên Mã Pì Lèng như thế.
Thực ra, cũng có thể hiểu được sự sốt ruột của huyện Mèo Vạc khi ngồi trên đống vàng di sản mà người dân vẫn nghèo đói. Muốn khai thác di sản để phục vụ du khách và phát triển kinh tế địa phương là động cơ chính đáng, nhưng khai thác như thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát triển bền vững di sản thì lại cần có một quy hoạch xứng tầm. Nhưng vì quy hoạch chưa có, thế là như anh nhà nghèo chữa dột, thấy nước chảy ở đâu thì vá đó, nào ngờ nó lại trở nên kệch cỡm và vấp phải sự phản ứng của dư luận.
Còn nhớ năm 2010, khi Hà Nội xẻ đường Hoàng Hoa Thám để thi công nút giao với đường Văn Cao đã phát lộ đoạn thành cổ và phát hiện hiện vật thời Lý, Trần, Lê nên phải tạm dừng thi công. Cũng từ chuyện này mà thành phố yêu cầu tổ chức hội nghị liên tịch để xây dựng kế hoạch khai quật tuyến đê Bưởi phục vụ nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích, hiện vật khảo cổ. Việc này là cần thiết nhưng thực ra cũng chỉ là sự chữa cháy.
Cần một quy hoạch xứng tầm để khai thác nhưng vẫn bảo tồn và phát triển bền vững di sản
Liên quan đến lĩnh vực này, đâu đó vẫn lưu truyền câu chuyện có những công trình khi đào móng phát hiện các hiện vật khảo cổ, thậm chí là dấu hiệu của một di chỉ nhưng chủ đầu tư và nhà thầu giấu nhẹm, vì nếu trình báo cơ quan chức năng rất có thể sẽ bị đình lại hoặc ít nhất cũng gây chậm trễ tiến độ công trình… Và, đã có bao nhiêu giá trị mang tính di sản đã và sẽ còn tiếp tục mất vì những nguyên nhân như thế? Nhưng, tất cả những điều này sẽ tránh được nếu có một quy hoạch về khảo cổ.
Đầu mùa hè năm nay, khi khách du lịch đổ lên Sa Pa đông tới mức gây quá tải đã tạo ra một cuộc khủng hoảng về nước sinh hoạt. Từ đó, người ta mới giật mình nhận ra nguyên nhân là thiếu một quy hoạch về phát triển du lịch đồng bộ cho địa phương này. Bức tranh về kiến trúc nham nhở ở Sa Pa và cả Đà Lạt suy cho cùng cũng là do thiếu một quy hoạch phát triển tổng thể.
Cũng gần đây, nghịch lý ngập lụt ở Phú Quốc - một hòn đảo giữa bốn bề sóng nước, cũng được cho là do phát triển thiếu quy hoạch, công trình xây dựng phá vỡ dòng chảy tự nhiên, công trình sau chặn dòng chảy của công trình trước nên nước không thoát được, gây ngập lụt. Hay như ở Đà Lạt là đồi núi dốc nhưng do phát triển nhà kính quá nhiều, che phủ mặt đất, khiến nước mưa không thấm được đã gây ra lũ lụt.
Tất cả những điều đó cũng đều do phát triển thiếu quy hoạch.
Ngay ở Hà Nội, nhiều khu vực động mưa là ngập cũng có một phần nguyên nhân do thiếu quy hoạch cốt nền nên các công trình chắn dòng chảy thoát nước của nhau.
Và, có một vấn đề cốt tử cho việc phát triển đô thị hiện đại, văn minh là không gian ngầm. Nhưng cho đến nay, chưa có một đô thị nào ở nước ta lập được quy hoạch ngầm. Ngay cả Thủ đô Hà Nội là địa phương đầu tiên giao nhiệm vụ lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa thấy mặt mũi đâu. Điều đó gây hệ lụy không nhỏ khi nhìn từ góc độ không gian ngầm, việc phát triển tràn lan các công trình nổi và chìm hiện nay sẽ cản trở và băm nát đô thị ngầm sau này…
Còn rất nhiều dẫn chứng cho việc thiếu quy hoạch gây nên những hậu quả khôn lường cho cả trước mắt và lâu dài.
Có thể coi quy hoạch như chiếc la bàn, tấm bản đồ của người đi biển. Không có quy hoạch chẳng khác nào người mù bị lạc giữa trùng khơi và mất phương hướng. Hậu quả là dẫn đến sự phát triển vô tổ chức, lệch lạc, thiếu đồng bộ, cản trở lẫn nhau và phá vỡ tổng thể chung, gây tốn kém, lãng phí cả về tiền của và thời gian. Điều đó một phần lý giải cho việc nhiều địa phương, nhiều ngành, lĩnh vực ở nước ta có nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú nhưng lại không thể phát triển hoặc phát triển manh mún, thiếu bền vững.
Ấy vậy mà, cứ hỏi đến quy hoạch là động đâu thiếu đó.
Nhiều người lý giải cho việc thiếu quy hoạch này là do thiếu tiền. Trong khi ngân sách còn eo hẹp, người ta phải tập trung cho những vấn đề nước sôi lửa bỏng trước mắt như việc làm, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế… hơn là quan tâm đến những vấn đề xa xôi như… quy hoạch. Điều đó có thể thông cảm. Tuy nhiên, nếu cứ luẩn quẩn trong cái tư duy ăn đong, chạy ăn từng bữa như vậy thì sẽ chẳng bao giờ có được tiền để làm quy hoạch; và khi không có một quy hoạch xứng tầm thì sẽ chẳng bao giờ thoát được đói nghèo. Và rồi cái vòng luẩn quẩn ấy cứ đeo đuổi, bám chặt không thể nào thoát ra được.
Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.
(Điều 3, Luật Quy hoạch)
Kinh nghiệm của một số địa phương tạo được sự bứt phá chính là dám phá vỡ vòng luẩn quẩn, một mặt vẫn tập trung giải quyết vấn đề dân sinh nhưng mặt khác vẫn dám đầu tư (kể cả vay vốn), thuê chuyên gia nước ngoài xây dựng quy hoạch, mà Quảng Ninh là một ví dụ điển hình.
Tài nguyên lãng phí, di sản ngủ quên, tiềm năng không được khai thác hiệu quả; hoặc phát triển ồ ạt, mất cân đối, thiếu bền vững, kinh tế hủy hoại môi trường… đang là thực trạng kìm hãm sự phát triển ở không ít địa phương, mà nguyên nhân rốt cuộc là do thiếu một quy hoạch khoa học và xứng tầm. Đừng đổ lỗi cho thiếu tiền, mà hãy xem lại tư duy của lãnh đạo địa phương, tư lệnh của ngành hay lĩnh vực nào đó.
Suy cho cùng, việc thiếu quy hoạch hoặc phát triển không có quy hoạch thực chất là thiếu sự làm việc khoa học, thiếu cái tầm nhìn xa trông rộng chứ không phải thiếu tiền. Không có tiền có thể huy động, đi vay; nhưng thiếu tầm nhìn của người lãnh đạo thì sẽ mãi nhốt mình và cả cộng đồng, lĩnh vực trong cái vòng luẩn quẩn đói nghèo không lối thoát.
08:00, 18/10/2019
15:00, 15/10/2019
08:00, 15/10/2019