19/01/2025 | 12:08 GMT+7, Hà Nội

Phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại

Cập nhật lúc: 21/11/2022, 09:03

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, để đạt được mục tiêu này, TP Hà Nội cần thúc đẩy nhanh hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch...

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, mục tiêu của chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 của Hà Nội nhằm đạt mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi.

TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gia súc, gia cầm tại các vùng xa trung tâm Thủ đô; 70% sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết.
TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gia súc, gia cầm tại các vùng xa trung tâm Thủ đô; 70% sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết.

Theo đó, trong giai đoạn 2022-2030, TP Hà Nội phấn đấu phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% giá trị sản xuất chăn nuôi toàn thành phố, tốc độ, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trung bình từ 4,5-5,5%/năm; thu nhập từ sản xuất chăn nuôi tăng tối thiểu 4-5 %/năm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 440 - 480 nghìn tấn/ năm; sản lượng trứng đạt từ 2,2-2,5 tỷ quả/năm, sản lượng sữa tươi đạt 40-42 nghìn tấn.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, chấm dứt hoàn toàn hoạt động chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND TP về việc ban hành khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách di dời hỗ trợ cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội.

Lộ trình đến năm 2030 hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gia súc, gia cầm tại các vùng xa trung tâm Thủ đô; 70% sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết.

Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối để xây dựng các chuỗi khép kín và chuỗi liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi bằng các dây truyền công nghiệp, bán công nghiệp hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y; khuyến khích xây dựng cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và gắn với các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến.

Xây dựng được ít nhất 12 vùng cấp huyện đạt tiêu chuẩn vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, 80% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

Tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu có 80% sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết. Về cơ bản các vùng chăn nuôi tập trung hoạt động chăn nuôi với phương thức chăn nuôi công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao. Ứng dụng rộng rãi công nghệ số hóa trong công tác quản lý hoạt động chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, để đạt được mục tiêu này, TP Hà Nội cần thúc đẩy nhanh hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch. Căn cứ vào đặc điểm sinh thái của vùng, thế mạnh trong phát triển chăn nuôi để xác định phát triển chăn nuôi theo hướng chủ lực với định hướng ưu tiên sản xuất con giống có năng xuất chất lượng cao, gìn giữ vào bảo tồn các giống địa phương có giá trị.

Từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư, chấm dứt chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP. Tăng cường hợp tác, liên kết, xây dựng, thực hiện lộ trình dịch chuyển dần chăn nuôi gia súc lớn sang các địa phương lân cận.

Bên cạnh đó cần tập trung nâng cao chất lượng con giống. Đồng thời khuyến khích chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao như: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng hệ thống chuồng kín, xây dựng quy trình xử lý chất thải, nước thải khép kín tại trang trại chăn nuôi.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, TP Hà Nội cần đảm bảo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hàng năm; các văn bản tăng cường, đôn đốc, kiểm tra; giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng và xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra.

Hoàn thành việc triển khai xây dựng vùng an toàn bệnh dại động vật trên địa bàn các quận nội thành. Chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (như Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi, bệnh dại động vật…).

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch theo quy định của Bộ NN&PTNT. Phối hợp các đơn vị, ban ngành có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định, chế độ chính sách; kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch liên ngành, trạm kiểm dịch đúng theo quy định. Hình thành, đưa vào hoạt động 8 cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp; 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phat-trien-chan-nuoi-tro-thanh-nganh-kinh-te-ky-thuat-hien-dai-312842.html