23/11/2024 | 18:53 GMT+7, Hà Nội

Pháp luật về thi hành án nhìn từ đơn tố cáo của Công ty Bắc - Trung - Nam

Cập nhật lúc: 27/08/2020, 10:20

Mặc dù tòa án đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Bắc - Trung - Nam nhưng chi cục thi hành án dân sự thành phố vẫn ra quyết định thi hành bản án. Vụ việc đang gây ra những tranh cãi pháp lý.

Lời tòa soạn: Thi hành án dân sự là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, là hoạt động của Nhà nước nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế. Thế nhưng việc xác định người phải thi hành bản án và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ở một số sự kiện pháp lý đang gây ra khá nhiều tranh cãi trong thực tế.

Vụ việc Công ty Cổ phần Bắc - Trung - Nam khiếu nại đối với quyết định thi hành án của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa trong việc xử tài sản thi hành án sẽ góp phần giúp độc giả làm rõ nhận định trên.

Đang mở thủ tục phá sản vẫn thi hành án

Năm 2010, Công ty Cổ phần - Bắc - Trung Nam (bên thế chấp) có thế chấp toàn bộ hạng mục công trình tài sản trên đất, bao gồm: 02 nhà kho, cống, tường rào, nhà bảo vệ, sân vườn và các công trình tài sản trên đất khác cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa để cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Mỹ (bên vay vốn) vay 4,2 tỷ đồng (Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba).

Do không thanh toán khoản vay đúng kỳ hạn theo nội dung hợp đồng đã ký kết nên Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa đã khởi kiện Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Mỹ ra Tòa án nhân dân huyện Yên Định yêu cầu tòa án buộc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Mỹ phải trả nợ khoản vay (cả gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn) cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa.

Đơn khởi kiện của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa đã được Tòa án nhân dân huyện Yên Định thụ lý giải quyết. Tại bản án số 04/2017/KDTM-ST ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân huyện Yên Định quyết định: Buộc Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Mỹ phải trả cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam hơn 43,6 tỷ đồng và số tiền lãi là hơn 35,1 tỷ đồng. Tổng cả gốc và lãi là 78,7 tỷ đồng.

Ngày 18/4/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa có bản án số 06/2018/KDTM-PT tuyên y án theo nội dung bản án số 04/2017/KDTM-ST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Yên Định.

Nội dung 2 bản án của hai cấp tòa có đề cập: Trong trường hợp Công ty cổ phần Nông nghiệp Việt Mỹ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ trả nợ không đầy đủ thì Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam có quyền yêu cầu Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa và Chi cục thi hành án dân sự huyện Yên Định xử lý tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Nông nghiệp Việt Mỹ, tài sản bảo lãnh của Công ty cổ phần Bắc Trung Nam…

Vì Công ty cổ phần Nông nghiệp Việt Mỹ không kháng cáo nên bản án phúc thẩm đã có hiệu lực thi hành. Ngày 5/9/2019, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa có Quyết định thi hành án số 147/QĐ-CCTHADS.

Chi Cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa.

Tuy nhiên, Công ty Bắc - Trung - Nam cho rằng mình là đơn vị phải thi hành án chứ không phải là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nên doanh nghiệp này đã có đơn đề nghị gửi Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa, Cục thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa về việc xem xét hoãn thi hành án. Ngày 25/6/2019, Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa ban hành Quyết định số 02/QĐ-MTTPS về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty Bắc Trung Nam.

Thế nhưng ngày 05/9/2019, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa ban hành Quyết định 147/QĐ-CCTHADS, quyết định về việc thi hành bản án nói trên.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa quyết định thi hành bản án sau khi tòa án thành phố Thanh Hóa quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp này là không đúng quy định, có dấu hiệu xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Bắc – Trung – Nam.

Vị Luật sư viện dẫn: “Tại Khoản 1, Điều 3, Chương II, Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC của tòa án giải quyết phá sản Bộ Tư pháp – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao, quy định việc phối hợp trong thi hành quyết định nói rõ: “Sau khi nhận được thông báo của Tòa án về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là người phải thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động; Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án”.

Tại Khoản 2, Điều 49 (Tạm đình chỉ thi hành án) Luật thi hành án dân sự số 13/VBHN-VPQH ngày 29/6/2018 của Văn phòng Quốc Hội quy định: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Tòa án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án; Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án”.

Tại Khoản 2, Điều 71 (Xử lý việc tạm đình chỉ thi hành án dân sự, giải quyết vụ việc) Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Trường hợp Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân, Trọng tài, cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 41 của Luật này phải ra quyết định đình chỉ và chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nhân dân đang tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết”.

Như vậy, ngày 25/6/2019, Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Bắc Trung Nam (đã gửi quyết định cho Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa) nhưng ngày 5/9/2019, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa không đình chỉ thi hành án mà vẫn ban hành Quyết định thi hành án số 147/QĐ-CCTHADS là trái quy định, không thực hiện đúng các quy định của Luật thi hành án dân sự".

Chi cục thi hành án dân sự có nhầm lẫn khái niệm?

Ngày 23/7/2020, Công ty cổ phần Bắc - Trung - Nam có đơn đề nghị gửi Cục thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa về việc xem xét lại nội dung thi hành án và hoãn thi hành bản án. Sau khi nhận được đơn đề nghị của công ty, Cục thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có công văn chuyển đơn đề nghị tới Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa xem xét, trả lời công ty.

Ngày 06/8/2020, Chi cục thi hành án thành phố Thanh Hóa có Công văn số 862/CV-CCTHADS trả lời Công ty cổ phần Bắc - Trung - Nam cho rằng, những nội dung mà đơn vị đề nghị là không có căn cứ. Theo Chi cục thi hành án thành phố Thanh Hóa, Công ty Bắc - Trung - Nam chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bên thứ 3), không phải người phải thi hành án, nên việc tạm đình chỉ thi hành án là không có cơ sở.

Công ty cổ phần Bắc - Trung - Nam cho rằng, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa trả lời như vậy là không đúng. Đồng thời nhấn mạnh, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được xác định trong bản án có hiệu lực của Tòa án không đồng nhất người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn thi hành chính bản án đó.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Trái ngược với quan điểm của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa, Luật sư  Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được xác định trong bản án có hiệu lực của tòa án không đồng nhất người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn thi hành chính bản án đó. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được xác định trong bản án có hiệu lực của tòa án có thể xuất hiện với hai tư cách là người được thi hành án hoặc người phải thi hành án trong giai đoạn thi hành án.

“Nếu cơ quan thi hành án cho rằng vì bản án xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên căn cứ Điều 7b Luật Thi hành án dân sự (về quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) mà cho rằng pháp luật không cho phép họ có quyền yêu cầu thi hành án dân sự để từ chối thụ lý là chưa chính xác.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được xác định trong bản án là người thứ ba dùng tài sản của mình thế chấp, bảo lãnh để bảo đảm cho khoản nghĩa vụ nhất định (khoản vay vốn, khoản trả nợ…) nhưng đến giai đoạn thi hành án, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, phải xử lý tài sản thế chấp thì lúc này họ trở thành người phải thi hành án, do vậy họ được phép thực hiện những quyền được quy định tại Điều 7a Luật Thi hành án dân sự (về quyền của người phải thi hành án). Trong vụ việc này, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa đang cố tình hiểu một cách máy móc khái niệm người phải thi hành án gây bất lợi cho đương sự theo quy định của pháp luật. 

Tóm lại, Công ty Bắc - Trung - Nam phải thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án. Do đó, đơn vị này có nghĩa vụ bán tài sản của mình để thanh toán khoản nợ cho bên vay. Vậy, phải xem Công ty Bắc - Trung - Nam là người thi hành án", vị luật sư cho hay.

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây Công ty Bắc - Trung - Nam đã có đơn tố cáo đích danh ông Nguyễn Hữu Khánh - chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa và ông Lê Bá Ngàn - Phó Cục trưởng cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa về hành vi làm trái các quy định của pháp luật trong thi hành án.