Phải làm gì khi bị say nắng, say nóng?
Cập nhật lúc: 10/06/2020, 17:12
Cập nhật lúc: 10/06/2020, 17:12
Theo các bác sĩ, để phòng chống say nắng, say nóng, người dân khi phải ra ngoài đường, lao động, các hoạt động khác dưới trời nắng cần có những biện pháp che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, dùng kem chống nắng.
Nắng nóng trên diện rộng kéo dài tại các tỉnh phía bắc những ngày qua nhất là tại các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội đang ở mức rất cao, có nơi lên đến trên 40 độ C, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.
Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 những ngày nắng nóng vừa qua bệnh viện này tiếp nhận nhiều trường hợp bị say nắng, say nóng. Vì vậy, theo các bác sĩ người dân cần tìm hiểu về bệnh cũng như cách dự phòng, xử trí khi gặp phải tình trạng này.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng say nắng, say nóng bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.
Bị say nắng, say nóng không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan có thể dấn tới tử vong.
Điểm chung của say nắng và say nóng là dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp.
Các bác sỹ khuyến cáo, để phòng chống say nắng và say nóng, người dân khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.
Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.
Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10-15 phút.
Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm.
Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.
Khi vừa đi nắng về là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
Đặc biệt không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe ôtô khi đỗ và tắt máy trong thời tiết nắng nóng, dù chỉ trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
Vào mùa nắng nóng, cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.
Anh Tiến Quân ở Kim Liên, (Đống Đa - Hà Nội) cho biết, các thành viên trong gia đình anh nhiều người phải làm việc ngoài trời nên những ngày nắng nóng như mấy hôm nay, tối nào mẹ anh cũng ninh một nồi đỗ đen sau đó chắt nước đỗ đen vào các chai cho mọi người mang đi làm. Nước đỗ đen ninh lần đầu có vị hơi chát, nhưng uống giải mát rất dễ chịu. Nếu cho thêm mấy hạt muối (ít muối, vừa đủ cảm nhận có vị muối), thì nước đỗ đen càng ngon và có tác dụng tốt cho cơ thể.
Ngoài nước đỗ đen, tùy vùng miền còn có nhiều loại nước giải nhiệt chống nóng tốt như nhân trần, trinh nữ, giảo cổ lam, chè tươi… có thể mang theo ngoài trời nắng nóng không sợ bị thiu, giải nóng rất tốt. Riêng nước nhân trần cho thêm cam thảo vào cho thơm ngọt, nhưng nên cho ít bởi nếu nhiều cam thảo sẽ làm khô họng, gây viêm họng. Các loại nước chống nóng giải nhiệt khác đơn giản, dễ kiếm hơn là rau má, sài đất… nhưng cái loại nước này không để được lâu.
Bạn Duy Khương tài xế một hãng taxi công nghệ (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, để chống chọi với nắng nóng bằng cách lấy một bình nước, pha thêm chút muối nhàn nhạt, rồi vắt thêm nửa quả chanh và thả cả vỏ nửa quả chanh vào chai nước. Đi đường thỉnh thoảng không khát cũng nhấp uống một ngụm, có tác dụng giải nhiệt, tiếp khoáng cho cơ thể rất tốt.
11:02, 10/06/2020
10:16, 10/06/2020
10:05, 10/06/2020