Cổ đông khu công nghiệp phía Nam phấn chấn với “sóng FDI”
Cập nhật lúc: 10/06/2020, 11:02
Cập nhật lúc: 10/06/2020, 11:02
Theo nhiều cuộc khảo sát, các chuyên gia đồng tình quan điểm, bất động sản khu công nghiệp sẽ là điểm sáng của thị trường trong năm 2020. Cụ thể là dựa trên hàng loạt lợi thế như: Nền kinh tế phát triển ổn định, Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại, thêm vào đó là sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tạo ra sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục gia tăng.
Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng nhận được nhiều chính sách hỗ trợ như miễn giảm, ưu đãi thuế của Nhà nước đối với các nhà đầu tư. Việt Nam có nhiều lợi thế trở thành một trung tâm sản xuất mới ở châu Á với vị trí gần Trung Quốc, chi phí lao động thấp. Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 326 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, với tỷ lệ lấp đầy đạt 70 - 80%.
Tại đại hội cổ đông thường niên muộn năm 2020, nhiều doanh nghiệp bất động sản hoạt động trong lĩnh vực khu công nghiệp tăng kế hoạch lợi nhuận hoặc hứa hẹn dự án mới, tăng cơ hội kinh doanh trong tương lai gần.
Lùi lợi nhuận ngắn hạn để chuẩn bị cho bước tiến dài
Đại hội cổ đông thường niên 2020 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn - Cholimex, mã CLX - Upcom) vừa được tổ chức, đề ra kế hoạch tổng doanh thu 480 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 113,8 tỷ đồng. So với thực hiện năm trước, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này lần lượt giảm 10% và 11,7%.
Được biết, mới đầu ban lãnh đạo dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh cao hơn thực hiện năm 2019 nhưng dịch Covid-19 diễn ra, sau khi rà soát thì nhận thấy nhiều hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, một số doanh nghiệp thuê đất khu công nghiệp Vĩnh Lộc muốn giảm giá thuê hoặc trả mặt bằng, lợi nhuận kinh doanh xăng dầu đạt thấp, một số công ty liên kết điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Do đó, Ban điều hành cho biết đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhưng sẽ cố gắng để đạt được kết quả tốt hơn.
Riêng tháng 5, tổng doanh thu công ty mẹ và công ty con (chưa tính đến đơn vị liên kết) ghi nhận 209 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch và gần bằng cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế là 72,5 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch năm và tăng 10%.
Ban lãnh đạo CLX cho biết, không chia cổ tức 2020 để chuẩn bị nguồn tài chính đầu tư vào các công ty liên kết và nộp ngân sách Nhà nước theo dự thảo báo cáo kiểm toán Nhà nước. Theo đó, công ty sẽ cân đối nguồn vốn để tiếp tục đầu tư vào công ty Dịch vụ Logistics Thăng Long, Công ty Dịch vụ Vĩnh Lộc - Bến Thành, Công ty Logistics Vĩnh Lộc.
Năm nay, CLX dự kiến sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý cho dự án Cao ốc Cholimex tại số 629B - 631 - 633 Nguyễn Trãi; giải quyết các trường hợp còn vướng mắc và nộp thuế, cập nhật trang bổ sung trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án Khu công nghiệp Vĩnh Lộc mở rộng 56ha, dự án Khu dân cư - Tái định cư Vĩnh Lộc A 44ha. Với dự án khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3 217ha, đơn vị sẽ triển khai ngay khi có chủ trương đầu tư.
Lãnh đạo Cholimex cho biết, công ty đang chờ quyết toán tổng thể chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần để thể triển khai các dự án khu công nghiệp, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc.
Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ quyết toán xong trong năm 2020 để triển khai dự án. Hiện nay, báo cáo kiểm toán đã xong và còn chờ TP.HCM thông qua.
Tuy nhiên, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc hiện hữu còn quỹ đất kho tổng hợp 6ha, đầu tháng 10 khởi công và xây dựng trong vòng 6 tháng để tháng 4/2021 khánh thành có thể đón đầu làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư. Ngoài ra, hạ tầng của công ty hiện tại cũng chưa lấp đầy như khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 tại Long An (do công ty liên kết quản lý) mới lấp đầy khoảng 70%. Đất khu công nghiệp đang nóng nhưng tại TP.HCM rất khó khăn trong việc triển khai do liên quan đến đền bù mở rộng. Ban lãnh đạo tự tin quỹ đất có đủ để hoạt động trong 5 năm tới.
Liên quan đến việc thoái vốn nhà nước (49% vốn), lãnh đạo Cholimex cho biết, nhu cầu đầu tư trong 5 năm tới rất lớn, việc thoái vốn nhà nước kêu gọi đầu tư bên ngoài là rất cần thiết. Tuy nhiên, TP.HCM hiện nay đã tạm ngưng việc thay đổi vốn tại các doanh nghiệp chờ quyết định mới nên trước mắt. việc thoái vốn Nhà nước là chưa thực hiện.
Mạnh tay trả cổ tức, thưởng, chuẩn bị vốn cho hàng loạt dự án
CTCP Đầu tư Xây dựng Dầu khí Idico (mã ICN) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Theo đó, công ty muốn phân phối cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 50% bằng tiền, tương ứng 25 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong quý III/2020.
Cùng với đó, ICN cũng trình phương án phát hành thêm cổ phiếu từ quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận chưa phân phối trên BCTC năm 2019 để tăng vốn điều lệ. Khối lượng phát hành thưởng là 3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 60% và tăng vốn lên 80 tỷ đồng. Thời gian dự kiến trong quý III/2020.
Năm 2020, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng 11% lên mức 225 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 18% lên 38,8 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 30%.
Bên cạnh đó, công ty cũng xin cổ đông chấp thuận việc đầu tư 3 dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm: Dự án Khu cao ốc văn phòng kết hợp chung cư cao cấp tại số 326 Nguyễn An Ninh, Vũng Tàu (Conac Plaza) với tổng mức đầu tư 1.251 tỷ đồng; dự án kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1-Conac mở rộng với tổng mức đầu tư 1.106 tỷ đồng; dự án Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1-Conac (giai đoạn 2)…
Trong tháng 4 vừa qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấp thuận cho ICN làm chủ đầu tư Conac Plaza. Dự án nằm trên tổng diện tích đất khoảng trên 8.000m2, bao gồm chung cư, khối văn phòng làm việc, trung tâm thương mại. Dự án có quy mô khoảng 32 tầng và 1 tầng hầm (các chỉ tiêu quy hoạch sẽ được xác định cụ thể theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị Nam Vũng Tàu).
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ICN sau khi được công nhận làm chủ đầu tư dự án có trách nhiệm thực hiện các nội dung có liên quan đến quy hoạch xây dựng theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2221 ngày 13/3/2020 về điều chỉnh tầng cao dự án tại lô đất số 326 Nguyễn An Ninh, phường 7, TP. Vũng Tàu. Đồng thời, thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan; tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, đất đai, đầu tư, xây dựng và pháp luật liên quan.
Tuy nhiên, văn bản cũng lưu ý chủ đầu tư, quá 12 tháng kể từ ngày ký văn bản, chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án thì xử lý theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật liên quan.
Về Dự án kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1-Conac, cũng trong tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020. Cụ thể, giảm diện tích khu công nghiệp Mỹ Xuân B1-Conac từ 227,14ha xuống 211,92ha.
Bổ sung khu công nghiệp Mỹ Xuân B1-Conac mở rộng với diện tích 110ha tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào Quy hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2020.
Bổ sung phần diện tích khu công nghiệp thuộc khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ HD với diện tích 450ha tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào Quy hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2020.
ICN lần đầu đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch vào ngày 12/6/2015 với giá đóng cửa phiên đầu tiên đạt 12.600 đồng/cp. Đến nay cổ phiếu có giá 74.400 đồng/cp trên tổng khối lượng 5 triệu cổ phiếu đang được lưu hành. Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Việt Nam (Idico) là công ty mẹ, nắm giữ 51% vốn ICN.
Ngoài ra, Công ty TNHH Hayat nắm gần 23% và CTCP Đầu tư Phát triển xây dựng Việt Nam (DIG) nắm 16% vốn. Như vậy, 3 cổ đông lớn của ICN nắm tới 90% vốn tại ICN, do đó, việc chia thưởng và trả cổ tức “phóng khoáng” là điều dễ hiểu. Việc quan trọng hơn cả là tăng vốn để thực hiện dự án.
ICN tiền thân là Công ty là Công ty Xây dựng số 12 được thành lập ngày 16/10/1979. Tháng 1/2007, công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP. Ngành nghề kinh doanh bao gồm: Thi công xây dựng các công trình; cho thuê khu công nghiệp; sản xuất và kinh doanh nguyên liệu và vật liệu xây dựng; đầu tư kinh doanh khách sạn, dịch vụ du lịch.
Doanh nghiệp Long An đón sóng nhanh từ FDI khu công nghiệp
Nửa đầu tháng 5, tỉnh Long An đã khởi công liên tiếp hai khu công nghiệp (KCN) có quy mô lớn để đón các nhà đầu tư. Với diện tích hơn 1.800ha, KCN Việt Phát được xem là một trong những KCN lớn nhất tại phía Nam vừa được chính thức khởi công. Trong đó, diện tích đất dành cho KCN là hơn 1.200ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625ha.
Dự án được chủ đầu tư kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An nói riêng và góp phần đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19 của Việt Nam nói chung.
KCN Việt Phát sẽ ưu tiêu phát triển mảng xanh, ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới nhất trong quản lý, vận hành, xử lý rác thải, bảo vệ nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên.
Trước đó, dự án KCN Đức Hòa III - SLICO có tổng diện tích hơn 195ha cũng được khởi công tại Long An. Đây là KCN lớn thứ ba trong cụm 13 KCN của Đức Hòa III. Chủ đầu tư định vị đây là khu đô thị dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc thù cho ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ và chế biến.
Đầu năm 2020, KCN Becamex Bình Định cũng được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. KCN này sẽ có quy mô 1.000ha tại huyện Vân Canh, Bình Định với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Ngoài diện tích 1.000ha phục vụ công nghiệp, dịch vụ, Becamex Bình Định còn có hơn 400ha để làm đô thị, dịch vụ và các tiện ích công cộng.
KCN Becamex Bình Định được kỳ vọng trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, thương mại đặc biệt cho các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam - Trung Lào, Thái Lan.
16:04, 09/06/2020
15:03, 09/06/2020
15:01, 09/06/2020