24/11/2024 | 09:13 GMT+7, Hà Nội

Ổn định thị trường xăng dầu cuối năm: Đâu là giải pháp hữu hiệu?

Cập nhật lúc: 24/11/2022, 09:03

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, để ổn định thị trường xăng dầu trong thời gian tới, vấn đề quan trọng là phải có các hợp đồng chặt chẽ giữa các doanh nghiệp.

Mặc dù chủ động hơn 70% nhu cầu xăng dầu trong nước và chỉ nhập khẩu khoảng 30% còn lại nhưng từ đầu tháng 10 tới nay, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ đã xảy ra tại nhiều tỉnh và thành phố trong cả nước; trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Mua bán xăng dầu tại cửa hàng Petrolimex trên đường Trần Quang Khải, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Mua bán xăng dầu tại cửa hàng Petrolimex trên đường Trần Quang Khải, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những giải pháp cần thiết để ổn định thị trường xăng dầu trong những tháng cuối năm.

- Thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua đã xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng trong xã hội. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ này. Trước hết, cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra trong quý 1/2022 đã khiến toàn cầu lâm vào khủng hoảng năng lượng, nhất là tại châu Âu và lan ra các nước ở châu Á; trong đó có Việt Nam.

Năm 2022 cũng ghi nhận thị trường dầu mỏ nói chung và thị trường sản phẩm xăng dầu nói riêng biến động hết sức dị thường sau hàng chục năm. Mặc dù giá dầu thô không cao như các năm trước đây nhưng giá sản phẩm xăng dầu, đặc biệt mặt hàng diesel tăng cao đỉnh điểm. Đây là biến động rất khó lường với một biên độ giá lên rất cao trong khoảng thời gian rất ngắn.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu liên tục tăng cao nhưng từ tháng 7 đến tháng 10, giá liên tục đi xuống với biên độ cao. Thực tế là giá vốn cao còn giá bán ở mức thấp đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ kéo dài, dẫn tới thiếu hụt xăng dầu cục bộ.

Ngoài ra, nhu cầu hồi phục sau dịch COVID-19 của Việt Nam cũng rất lớn với sản lượng tiêu thụ xăng dầu 10 tháng qua tăng gần 20% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dự báo sản lượng xăng dầu từ đầu năm của doanh nghiệp thấp hơn con số này.

- Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Vậy việc tăng nhập khẩu này có những khó khăn gì trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu thế giới bị đứt gãy như hiện nay thưa ông?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Xăng dầu là mặt hàng đặc thù nên các đầu mối kinh doanh xăng dầu thường ký hợp đồng dài hạn từ đầu năm theo kỳ kế hoạch. Tuy nhiên, để tăng nhập khẩu theo chỉ đạo, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu theo hợp đồng ngắn hạn. Khi đó, có hai khả năng xảy ra. Một là khi thị trường dồi dào, giá sẽ tốt. Còn với thị trường xăng dầu khan hiếm như hiện nay, các doanh nghiệp phải chấp nhận mua với giá cao do phụ phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam rất cao.

- Ông nhìn nhận như thế nào về việc phối hợp điều hành thị trường xăng dầu giữa liên Bộ Công Thương-Tài chính trong thời gian qua?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Trước sự biến động của thị trường xăng dầu từ đầu năm đến nay, liên bộ Công Thương-Tài chính, các bộ ngành và Chính phủ đã chỉ đạo tương đối sát sao.

Về cơ bản, theo quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, các bộ đã nỗ lực trong phạm vi trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, việc phối hợp thì chưa thực sự hiểu nhau và không nhuần nhuyễn trong việc kết hợp để xử lý những vấn đề nảy sinh đối với thị trường xăng dầu.

- Ông dự báo như thế nào về thị trường xăng dầu Việt Nam sau khi liên Bộ Công Thương-Tài chính điều chỉnh sớm chi phí tạo nguồn trong công thức giá cơ sở xăng dầu?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Đây là sự nỗ lực rất lớn của liên Bộ bởi theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu, chi phí tạo nguồn xăng dầu sẽ được thực hiện sáu tháng một lần trên cơ sở lấy chi phí phát sinh từ sáu tháng trước của doanh nghiệp để áp vào cho sáu tháng sau. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong thời gian qua diễn biến hết sức dị biệt.

Vì vậy, liên Bộ đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho điều chỉnh sớm chi phí tạo nguồn. Ngày 11/11 vừa qua, liên Bộ đã điều chỉnh chi phí tạo nguồn từ nước ngoài về Việt Nam và đây là chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã trả trong ba tháng vừa qua.

Việc điều chỉnh sớm này đã giúp giá cơ sở xăng dầu tiệm cận dần với thực tế hơn. Mặc dù mức điều chỉnh này không đáp ứng được ngay mong muốn của doanh nghiệp nhưng đảm bảo những chi phí đó đã kịp thời được tính toán sau 3 tháng thay vì sáu tháng theo quy định.

Đặc biệt, theo Công điện số 1085/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/11/2022 về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, trong thời gian tới, để đảm bảo giá trong công thức giá cơ sở tiệm cận với giá thị trường, cơ quan chức năng sẽ rà soát chi phí hàng tháng để có thể đưa vào công thức giá cơ sở. Đây chính là giải pháp hữu hiệu để có thể bù trừ trong các tháng tới những chi phí thực tế mà doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu đã chi ra.

Bên cạnh đó, đối với chi phí lưu thông của doanh nghiệp xăng dầu, tức là mức chiết khấu mà một số doanh nghiệp bán lẻ cho là quá thấp và không đủ để duy trì hoạt động (dẫn tới tình trạng một số cây xăng nhỏ lẻ tạm thời đóng cửa), liên Bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính đang yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại kỹ hơn để điều chỉnh trong lần tới.

Với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong điều chỉnh chi phí tạo nguồn trong công thức giá cơ sở để tăng nhập khẩu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dự báo trong tháng 12 tới, nguồn cung xăng dầu sẽ đảm bảo bình thường trở lại.

- Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, nhiều đại biểu có ý kiến trái chiều về Quỹ bình ổn xăng dầu. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Việt Nam có định hướng đưa xăng dầu chuyển sang cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Nếu vận hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là không cần thiết.

Tuy nhiên, theo Luật Giá, hiện xăng dầu vẫn là mặt hàng thuộc đối tượng bình ổn giá. Vì vậy, nếu tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo cách thức hiện nay, quỹ bình ổn cũng vẫn cần thiết để giảm sốc cho mỗi kỳ điều chỉnh khi giá tăng quá cao. Còn về dài hạn quỹ bình ổn không có tác dụng nhiều trong bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu.

- Theo ông, đâu là những giải pháp quan trọng khác để ổn định thị trường xăng dầu trong thời gian tới?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Bên cạnh việc tính toán chi phí sát với thực tế để doanh nghiệp có lãi duy trì hoạt động, kinh doanh xăng dầu là kinh doanh có điều kiện nên những chế tài với các doanh nghiệp cần được kiểm soát chặt chẽ.

Trong thời gian vừa qua, một trong những lỗ hổng chính là các hợp đồng kinh tế giữa các chủ thể là các doanh nghiệp, đại lý, tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu với nhau không chặt chẽ về trách nhiệm đảm bảo nguồn, không chặt chẽ về chi phí chiết khấu. Do đó, đây là vấn đề cốt lõi.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang rà soát lại Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 để có thể bổ sung, sửa đổi theo hướng xác lập lại những quy định cụ thể hơn đối với hệ thống cung cấp xăng dầu, giữa trách nhiệm của đầu mối kinh doanh với thương nhân phân phối, giữa thương nhân phân phối với đại lý hoặc các nhà bán lẻ là các cửa hàng xăng dầu. Tôi cho rằng vấn đề quan trọng là phải có các hợp đồng chặt chẽ giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vấn đề tồn kho đảm bảo thương mại và một số quy định với hệ thống kinh doanh xăng dầu cũng cần được rà soát. Quy định gây ách tắc cần được bãi bỏ hoặc tăng cường với các biện pháp cụ thể để việc tổ chức kinh doanh xăng dầu thông thoáng nhưng có kỷ luật, đồng thời giảm bớt được những chế tài, quy định nặng tính hành chính với các doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://ngaynay.vn/on-dinh-thi-truong-xang-dau-cuoi-nam-dau-la-giai-phap-huu-hieu-post127538.html