19/01/2025 | 07:06 GMT+7, Hà Nội

Ô nhiễm không khí khiến trẻ em tử vong sớm

Cập nhật lúc: 09/07/2019, 08:06

Một nghiên cứu mới công bố của Anh Quốc cho thấy, ô nhiễm không khí khiến trẻ em giảm 2-7 tháng tuổi thọ, con số này với trẻ em các nước đang phát triển lên tới 2 năm.

Nghiên cứu mới công bố của Trường Cao đẳng King's College (Vương quốc Anh) cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí khiến trẻ em ở thành phố Birmingham (một trong những thành phố lớn nhất Anh Quốc), giảm 2 - 7 tháng tuổi thọ.

Mức độ ô nhiễm không khí đo được ở Birmingham cao hơn những thành phố lớn khác ở Anh như Manchester, Luân Đôn… Hiện, thành phố này phải chi khoảng 190 - 470 triệu Bảng mỗi năm cho các vấn đề về sức khoẻ phát sinh do chất lượng không khí thấp; con số này với toàn Vương quốc Anh là 8,5 - 20,2 tỉ Bảng/năm.

o nhiem khong khi khien tre em tu vong som
Ô nhiễm không khí khiến trẻ em tử vong sớm. Ảnh: AFP.

Mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên trẻ em tại các nước nghèo và đang phát triển còn nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần. Tại các khu vực có mức độ ô nhiễm không khí nặng như Nam Á, Bắc Phi, Trung Quốc…, trẻ em có thể tử vong sớm tới 2 năm. Người lớn, đặc biệt là những người ngoài 50 tuổi cũng là nạn nhân hàng đầu của ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí đã gây ra 41% ca tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; 2,19% do ung thư phổi…

Số liệu mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho thấy, hơn 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm do các bệnh về hô hấp, liên quan đến ô nhiễm không khí. 

Theo WHO, ô nhiễm không khí đang trở thành “đại dịch” trên toàn cầu, nguy hiểm hơn cả khói thuốc lá, sốt rét, tai nạn giao thông,... với hơn 90% người dân đang phải hít thở không khí có chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn thế giới. Các nhà khoa học cho biết, các hạt bụi siêu mịn có thể lơ lửng trong không khí nhiều ngày, di chuyển xa hàng ngàn km từ nơi phát thải. Sau khi hít vào, các hạt bụi này đi vào phổi và thâm nhập vào máu, gây ra các bệnh về tim, thần kinh,… 

Nghiên cứu của King's College xem xét mức độ ô nhiễm không khí gây ra bởi các hạt bụi siêu mịn (chất thải từ đốt nhiên liệu hoá thạch, tro núi lửa, khí thải nhà máy…) và chất nito dioxide. Đây là hai trong số những nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.

Trong khi thủ đô Luân Đôn đã triển khai các khu vực phát thải thấp từ lâu, các địa phương khác vẫn chưa xử lý được vấn đề ô nhiễm không khí. Trước tình hình trên, Chính phủ Anh kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên cả nước cần phải nhanh chóng có phương án giải quyết “kẻ giết người vô hình” này.

Ông Simon Stevens - Giám đốc điều hành của Hệ thống dịch vụ y tế quốc gia Vương quốc Anh (NHS) cho biết: “Số liệu khoa học cho thấy, có 2,6 triệu trẻ em ở Anh đang hít khí độc mỗi ngày. NHS hiện đang thực hiện các kế hoạch thực tiễn để giảm ô nhiễm không khí và chăm sóc sức khoẻ cho những nạn nhân của nó. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại ô nhiễm cần sự tham gia của toàn xã hội".

Bà Sue Huyton - Điều phối viên của Mạng lưới không khí sạch Clean Air Parents chia sẻ: “Thật đáng sợ khi trẻ em đang hít thở thứ không khí có thể rút ngắn cuộc sống của chúng. Dù rất lo sợ nhưng các vị phụ huynh gần như bất lực vì đây là vấn đề mang tầm quốc gia. Đó là lý do vì sao những lãnh đạo nhà nước cần phải vào cuộc.”

Người phát ngôn của Cục Môi trường, Thực phẩm và Quản lý nông thôn Anh Quốc xác nhận, chính phủ sẽ đầu tư 3,5 tỉ Bảng cho công cuộc làm sạch không khí, đồng thời khẳng định chính phủ Anh đang hành động một cách đồng bộ và quyết liệt để giải quyết vấn đề về ô nhiễm. 

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/o-nhiem-khong-khi-khien-tre-em-tu-vong-som-6041.html