19/01/2025 | 10:37 GMT+7, Hà Nội

“Ô nhiễm trắng”- sự thật kinh hoàng về thảm họa mới của loài người

Cập nhật lúc: 04/07/2019, 09:01

Trong nhiều thảm họa mà loài người phải gánh chịu trong thời hiện đại, có một thảm họa mang tên “Ô nhiễm trắng”.

Loại ô nhiễm do rác thải nhựa và túi nilon gây ra này, trớ trêu lại chính là thảm họa do chính con người tự gây nên cho chính bản thân mình, cho đồng loại và giờ đây đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.

Những con số gây… sốc

Nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6/2018, Liên hợp quốc đã công bố một báo cáo về môi trường với những con số khiến không ít người choáng váng. Rất nhiều người sẽ không thể ngờ một thực tế là hiện có tới 5.000 tỷ chiếc túi nhựa đã được sử dụng trên thế giới mỗi năm. Nếu xếp chúng cạnh nhau có thể bao trùm một khu vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp. Mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa. Tổng cộng, mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.

plastic-waste-single-use-worldwide-consumption-7

Từ những năm 1950, tỉ lệ sản xuất nhựa đã tăng nhanh hơn bất kỳ vật liệu nào khác. Thế giới đã chuyển từ việc sản xuất nhựa bền sang nhựa dùng một lần, chẳng hạn như túi, vỏ chai, vỏ bọc thức ăn…. Chỉ tính riêng năm 2018, các nhà sản xuất trên thế giới đã sản xuất ra 360 triệu tấn nhựa. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Tuy nhiên, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy thì cần từ 500-1.000 năm. Nếu nhịp độ sử dụng sản phẩm nhựa tiếp tục tăng như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và như vậy sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

Chưa hết, hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái đất. Chất thải nhựa kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng... Bên cạnh đó, 13 triệu tấn chất thải nhựa đã đổ ra đại dương, gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động, thực vật biển khiến mỗi năm, 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa.

download

Trên Thái Bình Dương, hỗn hợp những loại rác thải nhựa trôi nổi đã tạo thành một “đảo rác” ở khu vực giữa Hawaii và Bắc Mỹ. Trong vòng 40 năm qua, diện tích của đảo rác này liên tục tăng, tính đến nay đã rộng hơn trước 100 lần. Biển Địa Trung Hải cũng bị ô nhiễm nặng nề khi ước tính có tới 250 tỷ mảnh nhựa trôi nổi. Để lọc sạch những mảnh nhựa trong nước biển Địa Trung Hải, phải mất tới 90 năm. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì tới năm 2050, rác thải nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn cá.

Theo một nghiên cứu do các chuyên gia Mỹ và Australia công bố tháng 12/2017, Trung Quốc và Indonesia là 2 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất ra đại dương, với lần lượt 8,8 triệu tấn, và 3,2 triệu tấn mỗi năm, chiếm 1/3 tổng lượng rác thải nhựa đại dương. Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách này, mỗi năm “đổ” ra đại dương 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.

Nguy hiểm hơn, ước tính chỉ có 9% số rác thải nhựa được tái chế, khoảng 12% được đốt cháy, còn lại 79% vẫn đang tồn đọng trong các bãi chôn lấp, bãi rác và trong môi trường tự nhiên.

6c9d5f0b-gp0str1t7

Những người biết… sợ

Có thể nói, “ô nhiễm trắng” với túi ni lông và rác thải nhựa đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường cũng như sức khỏe của con người trên khắp hành tinh. Theo các chuyên gia, phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,… Bên cạnh đó, việc dùng túi nilon đựng đồ ăn nóng sẽ sinh ra nhiều chất độc hại cho cơ thể. Những túi nilon nhuộm màu xanh, đỏ, chứa các kim loại như chì, cadimi, nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây hại cho sức khỏe con người. Rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa, “ô nhiễm trắng” thực sự là một thảm họa mới của loài người.

images (1)

Những năm qua, nhiều quốc gia, châu lục đã dần tỏ ra biết… sợ trước thảm họa này khi lần lượt ra tuyên bố nói không đanh thép với rác thải nhựa và túi ni lông.  Châu Âu được xem  là khu vực đi đầu trong nỗ lực này khi Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/5/2018 đã đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần, đồng thời kêu gọi thu gom hầu hết các loại chai nhựa vào năm 2025.

Ngày 27/3/2019, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua “Chỉ thị về việc giảm thiểu tác động đến môi trường của một số sản phẩm làm bằng nhựa” hay được còn gọi với tên ngắn hơn là “Chỉ thị về các loại nhựa sử dụng một lần”. Theo nội dung văn bản này, các quốc gia thành viên EU cần áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đạt được mục tiêu cấm hoàn toàn việc sử dụng một số loại sản phẩm đồ nhựa dùng một lần, chậm nhất là đầu năm 2021. Chỉ thị này của Nghị viện châu Âu cũng đặt ra một mục tiêu khác là thu gom 90% số lượng chai nhựa từ nay đến năm 2029 và tái chế được 25% số lượng chai nhựa từ nay đến năm 2025 và 30% đến năm 2030.

Nhiều nước châu Âu cũng đã có những động thái cụ thể. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tuyên bố từ năm 2019 nước này sẽ cấm sử dụng túi nilon dùng một lần để giảm ô nhiễm môi trường. Chính phủ CH Séc cũng đã thông qua một điều luật sửa đổi nhằm hạn chế việc sử dụng túi nilon của người dân, đáp ứng những tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU).

images

Điều đáng mừng là một số quốc gia châu Phi dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng cũng đã, đang tích cực có những động thái quyết liệt với túi ni lông và rác thải nhựa. Tanzania là quốc gia mới nhất ở châu Phi bắt đầu áp dụng lệnh cấm túi nilon từ ngày 1/6/2019. 

Tại châu Mỹ, Chile đã trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thông qua lệnh cấm dùng túi nilon sử dụng 1 lần. Kể từ ngày 3/2/2019, điều luật cấm các siêu thị, trung tâm mua sắm và cửa hàng bán lẻ sử dụng túi nilon, bắt đầu có hiệu lực toàn phần tại Chile. Một số quốc gia khác tại Mỹ La tinh như Costa Rica và Panama cũng đã có những hạn chế khá ngặt nghèo về việc sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon, trong khi Mexico và Argentina đã cấm hoàn toàn sử dụng túi nilon trong thương mại tại một số thành phố. Tháng 9/2017, thành phố Seattle đã trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ cấm ống hút nhựa, sau đó San Francisco, Santa Barbara, Malibu và nhiều thành phố khác cũng đã áp dụng lệnh cấm này.

Tại châu Á, từ ngày 2/8/2018, Bộ Môi trường Hàn Quốc thông báo sẽ bắt đầu đăng công báo dự thảo sửa đổi Luật thúc đẩy tái sử dụng và sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Nhật Bản đã ban hành riêng một luật về rác thải. Indonesia huy động quân đội tham gia “cuộc chiến” chống rác thải nhựa với cam kết tới năm 2025 giảm 70% lượng chất thải nhựa trên biển. Thái Lan xem xét áp thuế với túi nilon và sản xuất túi nilon có khả năng tự phân hủy hoặc loại túi nilon mỏng hơn. Tại Việt Nam, các nỗ lực nhằm giảm chất thải nhựa cũng đang được xúc tiến ngày càng tích cực.

shutterstock_1060330253-1440x960

Cần một cuộc cách mạng toàn cầu

Những động thái chống lại ô nhiễm trắng đã có, đã có sự quyết liệt, nhưng để loại bỏ dần thảm họa này, theo các chuyên gia, cần hơn nữa sự chung tay quyết liệt hơn nữa của tất cả các quốc gia, các châu lục. Nhân Ngày Môi trường Thế giới (5/6/2018), Liên hợp quốc kêu gọi nghiêm túc hạn chế sử dụng túi nhựa bởi tại nhiều nơi trên thế giới, những quy định này lại hầu như không có tác dụng. Chẳng hạn như tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, lệnh cấm việc sử dụng túi nhựa dùng một lần chỉ có tác dụng hạn chế do thiếu lực lượng thực thi pháp luật.

Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia nên xem xét cấm hoặc đánh thuế các loại túi nilon, nhựa dùng một lần nhằm giảm gánh nặng ô nhiễm đối với môi trường tự nhiên, động vật hoang dã và sức khỏe của chính chúng ta.

Trước hết và trên hết, người dân cần phải thay đổi thói quen trong cuộc sống hàng ngày. “Nếu bạn không thể tái sử dụng chúng, hãy từ chối chúng”, ông Erik Solheim, người đứng đầu của cơ quan môi trường Liên hợp quốc kêu gọi người dân trên toàn thế giới. Thông điệp của Ngày Môi trường thế giới 2018 cũng chính về điều này:  từ bỏ một thói quen dù mang lại nhiều tiện lợi song gây hại khôn lường cho môi trường, đã đến con người không thể chậm trễ hơn nữa nếu muốn cứu hành tinh, và quan trọng hơn, là duy trì một thế giới xanh hơn, sạch hơn cho thế hệ tương lai.

Nguồn: https://congluan.vn/o-nhiem-trang-su-that-kinh-hoang-ve-tham-hoa-moi-cua-loai-nguoi-post64564.html